Trò chuyện với ông Chủ tịch bị dân… cắn!

Bất ưng trong buổi chiều cuối năm tôi và Đỗ Minh Tuấn (ảnh) lại có dịp ngồi cùng nhau bên bàn trà. Chúng tôi quen biết đã hơn 20 năm, từ khi Đỗ Minh Tuấn còn là một thầy giáo cấp 3 rồi làm Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả... Bây giờ, dù anh bạn già đã “giã từ mũ áo”, tôi vẫn còn hay đùa Tuấn là “Ngài da trơn” bởi có lần “Ông chủ tịch” từng bị một người dân của mình cắn thật!

Ông Đỗ Minh Tuấn.

Nhưng câu chuyện chép ra đây không phải để nhắc lại cái "sự tích chỉ có ở nhà trẻ" mà là lối nghĩ của con người giữa quyền lực và lòng nhân; hà khắc và tha thứ...

Chợt nhớ cái sự mà ông bị dân cắn ấy, nếu không biết tường tận thì nghe "ghê răng" thật!

- Thả sức luận: Ông chủ tịch này chắc ở ác lắm hoặc lù đù lắm hoặc léng phéng lắm nên dân mới cắn cho… Thật ra, tôi chỉ là người giải quyết hậu quả của một quyết định hơi vội vàng của người tiền nhiệm xung quanh việc xây dựng một cái chợ mới cấp phường thuộc ngoại ô Cẩm Phả. Đó là vào năm 2005, khi tôi vừa ngồi vào ghế Chủ tịch thị xã được một năm. Cái chợ mới là thế này: Nó được đầu tư bằng nguồn vốn BOT và xây dựng lui về phía sau cách chợ cũ đang hoạt động chỉ một bức tường. Theo tính toán, khi chợ mới hoàn thành, người ta sẽ chuyển toàn bộ trên 500 hộ đang kinh doanh tại chợ cũ vào đây và chợ cũ sẽ được phá đi để làm một trung tâm thương mại. Công trình mới xây xong nhưng dân kiên quyết không đi. Thứ nhất: Người ta không có tiền để mua nốt. Thứ hai: Chợ cũ gần mặt đường, buôn bán thuận lợi hơn. Thứ ba: Các thủ tục xây dựng ngay từ ban đầu đã vi phạm quy trình, tức là chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt và không hề được công khai, bàn bạc, thống nhất với người dân. Đây cũng là cớ để người ta cự lại. Kiến nghị với địa phương không được, bà con kéo lên Hội đồng nhân dân tỉnh, tỉnh bảo về địa phương giải quyết. Bất đồng kéo dài. Cuối năm, bà con còn dọa sẽ đến ăn Tết trước cổng nhà Chủ tịch tỉnh. Trên dưới đều đau đầu. Bí thư Thị ủy trong khi thị sát hiện trường nảy ra phương án phá bỏ bức tường ngăn giữa hai chợ, đưa khoảng 70 hộ đã thuận tình vào chợ mới trước, số hộ còn lại vận động tiếp. Thế là ông rút điện thoại huy động luôn phương tiện mặc dù chiều đã muộn. Không ngờ thông tin bị lộ, lực lượng phá dỡ còn chưa kịp tới, bà con đã xuất hiện vây kín. Tôi đứng ra cố thuyết phục nhưng vô hiệu. Trong lúc chưa biết xoay xở ra sao, bỗng từ đám đông, một phụ nữ khoan thai bước tới sát bên rồi bất thần quặp chặt lấy một cánh tay tôi khợp luôn một cú. Tôi rú lên. Còn bà con thì cười rộ!

Vết cắn có sâu không? Ông có nhìn rõ mặt kẻ cắn mình không? Tại sao những người đi cùng không đẩy họ ra?

- Bất ngờ mà. Một nhân viên của phường định lao theo nhưng tôi ngăn lại. Tôi bảo khỏi cần, vì tôi đã biết người rồi. Kỳ thực chẳng biết ai. Trời đã nhập nhoạng, người phụ nữ lại bưng khăn nên vết cắn chỉ hơi rớm máu, có vẻ cốt làm tôi bẽ mặt. Quả thật, tôi vỡ ra nhiều điều.

Rốt cuộc là thế nào?

- Là mình sai… Mình quen dùng quyền lực áp đặt lấy được mà không cần biết người dân cần gì, mong muốn gì. Một cái phường ngoại ô dân cư không đông, phần lớn là lao động nghèo, vậy thì có nhất thiết cứ phải chồng thêm một trung tâm thương mại bên cạnh cái chợ cũ mà bản thân nó vẫn thừa khả năng cung ứng cho khu vực nhỏ bé đó? Cuối cùng, chúng tôi quyết định phải khắc phục bằng cách bỏ ra 10 tỉ đồng ngân sách địa phương mua lại từ nhà đầu tư toàn bộ công trình và chấp thuận theo người dân ai muốn kinh doanh ở vị trí nào tùy họ.

Như thế là khoan dung hay nhu nhược?

- Xuống nước với người dân để họ làm ăn được an vui sao gọi là nhu nhược? Nhưng trường hợp cái chợ ở đây thì là sự biết lỗi, biết lùi. Như thế là khôn ngoan. Còn nói về khoan dung, thì trong chuyện này người dân khoan dung cho mình nhiều chứ! Họ bất bình nhưng vẫn hì hụi làm ăn, đóng thuế. Có ai đòi đánh đổ "mấy ông ủy ban" đâu!

Người ta bảo thời bây giờ lòng khoan dung đang mất dần đất sống, ông nghĩ sao?

- Không hẳn thế. Cứ nhìn chương trình "Vì Hoàng Sa - Trường Sa" mà xem. Rồi "Cơm có thịt" cho học sinh nghèo vùng cao nữa. Nó đang thành con đường hệt như đường dân công Tây Bắc, bất nệ "xuân hạ thu đông". Đất sống của khoan dung vẫn còn nguyên đấy, mất đi đâu? Chỉ có điều nó cần được thức tỉnh và di dưỡng như thế nào thôi. Thật ra, đó là thứ sức mạnh mềm bất tử của dân tộc này. Không thế, chúng ta làm sao đi qua bao nhiêu cuộc chiến tranh?

Trong cuộc đời, ông là người tha thứ nhiều hơn hay được tha thứ nhiều hơn?

- Có lẽ cả hai. Nhưng trước hết tôi vẫn là một số phận được bao dung. Còn nhớ ngày bé, nhà tôi sống ở mé biển rìa Cẩm Phả. Nhà đông tới chín anh chị em, chưa hết tháng đã hết gạo. Có một bác gái nhân viên lương thực tên gọi bác Tý tháng nào cũng lén cho gia đình tôi đong trước nửa tháng để cứu đói. Việc đó nếu bị phát giác chắc chắn bác sẽ mất việc. Vậy mà con người thân phận làng nhàng ấy vẫn liều giúp nhà tôi nhiều năm cho tận đến khi chúng tôi dọn vào chân núi vỡ nương trồng được sắn. Ở đây, tôi lại gặp vợ chồng chú Bảo, một gia đình thợ mỏ Đèo Nai người Hà Nội. Ông thường dúi cho tôi những ổ bánh mì bồi dưỡng ca. Chú Bảo là một tay ghita điêu luyện. Ông đã dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên và cách cầm đàn. Có ông, tuổi nhỏ nhọc nhằn của tôi đỡ hẳn cô đơn. Tôi học ở trường không tồi. Năm 1972, tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào Đại học Giao thông Sắt - Bộ nhưng không thấy gọi trong khi bạn bè cùng lớp đều đã nhập trường. Cha tôi sốt ruột bèn đánh liều lên Ban tuyển sinh tỉnh để hỏi. Ông Trưởng ban giải thích chung chung nhưng lại nhìn cha tôi với vẻ đầy ái ngại. Cha tôi buồn bã quay ra, khi đến cửa bỗng ông gọi giật lại và bảo: Còn một lớp vét vào Sư phạm 10 + 3 Quảng Ninh, nếu muốn đi ông sẽ giúp. Bước ngoặt này đã đưa tôi trở thành nhà giáo. Tôi dạy học ở huyện biên giới Bình Liêu, cảm tình Đảng tới 2 năm vẫn không được kết nạp. Rồi một hôm, một cán bộ tổ chức thật tốt bụng ở Phòng giáo dục huyện bỗng gọi riêng và cho tôi xem một tờ giấy học trò viết tay dày kín chữ. Đấy là bản nhận xét về tôi từ địa phương được ghi vào năm 1972, kẹp sẵn trong hồ sơ lưu. Trong đó có bốn điều: 1. Bố anh Tuấn chuyên phát biểu ngang, chọn chỗ sơ hở của cán bộ để đả phá. 2. Gia đình có một ông bác làm "cu lít" (cảnh sát), một ông làm "sú ba giăng" (cai ký mỏ) đang bị theo dõi. 3. Tư cách đạo đức anh Tuấn bình thường. 4. Đề nghị giữ lại để quản lý. Cuối trang là họ tên đầy đủ và chữ ký xác nhận của bốn người: Bí thư Chi bộ khu; Trưởng khu; Bí thư Chi đoàn khu và cuối cùng là Hội trưởng phụ nữ, người làm cùng hợp tác xã với mẹ tôi... Hóa ra, cả việc tôi không được vào đại học cũng là vì như thế. Tôi thuật lại những gì đã đọc được cho cha. Ông cười buồn: "Cha không nói ngang. Chỉ có mỗi một lần chuồng lợn nhà hàng xóm để bẩn, cha là vệ sinh viên bị một ông cán bộ tiểu khu mạt sát quá không chịu được nên mới phản ứng lại rồi trả không làm cái chức ấy nữa. Con ở với cha từ bé, đã bao giờ nghe cha chửi bới ai chưa? Còn chuyện hai ông bác họ là phận của mỗi người. Thời nào phận nấy, cha có ngăn cũng không được... Nhưng mà thôi, con cứ sống cho xứng đáng với cái nghề của con là đã đầy đặn lắm.

Thành phố Cẩm Phả, nơi Đỗ Minh Tuấn sinh trưởng và suốt đời gắn bó.

Khi ấy, ông có suy sụp không?

- Ngược lại, tôi đang đầy say mê: Dạy tụi trẻ miền núi tăng gia, đàn hát, đá bóng, đọc sách. Đêm đêm tôi lại lôi giáo trình toán cao cấp ra nghiền ngẫm. Tôi vẫn nuôi mộng học lên. Năm 1979, tôi thi đậu Khoa Toán - ĐH Sư phạm Việt Bắc.

Có khi nào ông cảm thấy oán ghét cái quá khứ và cả đám người đã gây cho ông những hệ lụy không thể kêu ai kia không?

- Tôi chỉ tự hỏi, rằng tại sao họ lại làm như thế? Sau này, tôi vẫn dạy kèm giúp cho con cái những người đó vào đại học. Cha tôi mất, bà Hội trưởng phụ nữ đến khóc rất thê thiết. Hình như bà ta đã hiểu ra ngày ấy, bà không biết là mình nông nổi? Cái còn lại trong quãng đời non trẻ của tôi vẫn là những gương mặt thật ấm áp: Bác Tý gái; chú Bảo; ông Trưởng ban tuyển sinh tỉnh; anh cán bộ tổ chức Phòng giáo dục huyện; những đứa học trò nghèo miền núi từng chia sẻ với thầy từ mớ rau, củ sắn... Một cách vô thức, họ đã dạy cho tôi về lẽ khoan dung. Quãng đời tiếp theo đã dứt hẳn trớ trêu chưa? - Tôi dạy ở Trường cấp 3 Lê Hồng Phong (ngoại ô Cẩm Phả). Kỳ tuyển sinh của nhà trường năm 1987, tôi làm thư ký Hội đồng thi. Xong việc chiều đã muộn. Vị Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm giao trực tiếp 500 bài thi cho Hội đồng thị xã bị cảm đột ngột đành ủy quyền cho tôi chuyển thay. Tôi buộc toàn bộ bọc bài thi lên ghế đèo hàng sau xe đạp guồng về Cẩm Phả. Nửa đường bị kẻ cắp cắt dây, cuỗm sạch. Cả Hội đồng tuyển sinh nhà trường và thị xã thay nhau hầu kiện. Tôi bị "quay giòn" trước hội đồng kỷ luật. Nhớ mãi vẻ dữ tợn với cặp mắt đỏ ậng ngấn lệ của vị Chủ tịch hội đồng. Ông quát vào mặt tôi: "Anh cẩu thả, rất cẩu thả. Tại sao không cột túi bài thi bằng dây thép mà lại chằng dây cao su!" - Vành môi ông run run như một ông bố say rượu. Bình thường, chắc tôi phải cười ngất. Sau này mới biết chính ông đã bàn với lãnh đạo ngành thuyết phục chính quyền thị xã bằng việc đưa ra một bộ đề thi mới gần như y chang bộ đề cũ để bảo đảm tính công bằng và giảm bớt phẫn nộ mà nhiều người đang muốn trút hết lên tôi. Ông Chủ tịch Hội đồng kỷ luật chính là thầy dạy toán của tôi thời trung học. Sự gay gắt của ông với tôi cũng là cách xoa dịu đồng nghiệp để làm nhẹ tội cho trò cũ. Dĩ nhiên, tôi vẫn bị cảnh cáo toàn ngành và đình chỉ công tác sáu tháng. Đúng ra, tôi có thể bị đuổi việc. Nửa năm không lương, tôi thạo thêm ba nghề: Nấu rượu, nuôi heo và đi rừng đốn gỗ. Cũng chẳng có cách nào kiếm tiền nhanh hơn khi vợ tôi chỉ có đồng lương giáo viên và hai đứa con gái còn đang ở bậc tiểu học. Tôi làm Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả từ năm 2004 - 2011. Đó là vị trí được chọn cho người khác. Đáng tiếc đến phút chót, anh ấy lại gặp chuyện rủi ro. Hóa ra, những nghiệt ngã trong đời không tha ai cả. Và nếu như thiếu vắng sự khoan dung thì thật khó sống. Nhưng lòng khoan dung đâu phải tự dưng có được? - Vâng. Nó phụ thuộc vào một nền tảng đạo đức không lệch lạc. Có nghĩa ngay từ tuổi đến trường, đứa trẻ phải được dạy lối tư duy bình thường trước khi dạy phép tư duy đỉnh cao. Lòng khoan dung cũng vậy, nó phải được cưu mang trong chính lòng khoan dung nếu muốn trở thành một lẽ sống tốt đẹp, một sức mạnh đủ chống lại mọi sự phân rã làm tàn tạ cộng đồng. Tôi luôn nghĩ là như thế. Không ngờ chúng ta lại có một buổi chiều thật thú vị.

Cảm ơn ông!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tro-chuyen-voi-ong-chu-tich-bi-dan-can-516202.bld