Triển lãm 'Lịch sử văn hóa Việt Nam': Những giá trị trường tồn

Ngay sau lễ khai mạc vào ngày 1/9, triển lãm 'Lịch sử văn hóa Việt Nam' do Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch tổ chức tại Hà Nội nhân 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đã thu hút đông đảo người xem.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kể từ triển lãm “Lịch sử văn hóa Việt Nam” khai mạc ngày 9/2/1946 tại Hà Nội, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức, thì đây là triển lãm đầu tiên giới thiệu một cách toàn diện, xuyên suốt về lịch sử-văn hóa Việt Nam.

Với gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản trích, số liệu... “Lịch sử văn hóa Việt Nam” như một câu chuyện cô đọng, khái quát cả tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam qua nhiều giai đoạn: từ thời tiền sử qua thời dựng nước đầu tiên, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thời kỳ quân chủ đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam.

Một số hiện vật về lịch sử văn hóa Việt Nam.

Những dấu tích về văn hóa Việt Nam thời dựng nước đầu tiên, cách đây khoảng 4.000 - 2.000 năm, cũng khẳng định từ thuở xa xưa, nước ta đã có ba phổ hệ văn hóa là Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai ở miền Nam phát triển rực rỡ, mang sắc thái riêng nhưng có mối quan hệ qua lại. Đây chính là nền tảng cho truyền thống văn hóa của dân tộc trong nhiều thế kỷ.

Những hiện vật được phát hiện qua các cuộc khảo cổ đã cho thấy sức sống trường tồn của văn hóa Việt Nam trong nhiều thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ngay sau buổi đầu dựng nước, dân tộc ta đứng trước thử thách bị đồng hóa văn hóa và ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Song, sức sống văn hóa Việt vẫn được bảo tồn và phát triển, đồng thời với những cuộc đấu tranh chống đô hộ, giành độc lập dân tộc diễn ra bền bỉ, liên tục. Mở đầu từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên và kết thúc bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc lâu dài.

Những thành tựu rực rỡ ở miền Trung của văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo - Phù Nam ở miền Nam đã góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Với một bề dày lịch sử còn lưu lại qua những dấu tích văn hóa phong phú, đa dạng và đậm nét, những hiện vật, di vật còn lưu lại đã cho thấy, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, tạo dựng nên kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Khối di sản này đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững qua nhiều thế hệ.

Nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam đã trở thành di sản thế giới, là tài văn hóa chung của nhân loại. Giờ đây, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, công tác bảo tồn, phát huy, tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc càng có ý nghĩa quan trọng, để vừa góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước, vừa khẳng định được tinh thần độc lập dân tộc mà cha ông ta đã gìn giữ hàng nghìn năm.

Dạ Miên

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/trien-lam-lich-su-van-hoa-viet-nam-nhung-gia-tri-truong-ton-364104/