Trị dứt bệnh tiểu đường bằng thuốc “bí truyền”?

PN - Để điều trị dứt bệnh tiểu đường, người bệnh chỉ cần… uống nước lã hoặc uống khoảng 30 chai thuốc bí truyền được “tinh luyện” từ "trên núi". Thực hư chuyện này thế nào? Trong khi đó, để điều trị cho người mắc bệnh tiểu đường, y học hiện nay mới chỉ đủ khả năng “kiềm hãm” mức đường huyết trở về bình thường, tránh lượng đường huyết gia tăng dẫn đến các biến chứng, chứ chưa thể chữa dứt điểm.

Bệnh viện “bó tay” vẫn chữa được? Gần đây, mẫu rao vặt với nội dung sau, đang được nhiều bệnh nhân (BN) chuyền tay nhau: “Sau nhiều năm nghiên cứu kết hợp Đông y và thuốc Nam, tôi đã tìm ra được phương thuốc đặc trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Đây là phương thuốc trị dứt điểm bệnh đái tháo đường mà không tốn nhiều tiền. Tôi đã chữa trị lành bệnh trên 100 BN mà các bệnh viện lớn đã không chữa được nữa. Nay tôi muốn giới thiệu đến tất cả các BN trên cả nước đang bị căn bệnh này hoành hành, không phải mất tiền bạc đến các bệnh viện lớn chữa trị nữa. Bảo đảm bệnh sẽ được trị dứt điểm mà không mất thời gian. Nếu có nhu cầu xin liên hệ: ông L.V.Đ. (Tuy Phong, Bình Thuận) qua số: 0984423xxx/01255068xxx”. Ngoài bệnh tiểu đường, ông Đ. còn khẳng định chữa trị dứt điểm một số bệnh viêm xoang, bệnh gout, đau nhức khớp, lở loét bao tử nhờ kết hợp cây lược vàng và một số loại rể của các loại cây trên núi. Mẫu rao vặt về phương thuốc chữa dứt điểm bệnh tiểu đường của ông Đ. - Ảnh: Thanh Khê Chúng tôi gọi vào số máy 01255068xxx nhưng không liên lạc được, sau đó gọi tiếp vào số 0984423xxx, thì một người đàn ông nhận là thầy Sáu Đ. Biết chúng tôi muốn mua thuốc trị tiểu đường, ông Đ. hỏi bệnh tình và giải thích: “Để điều trị bệnh tiểu đường, trước hết mua 30 chai về uống trước, mỗi chai giá 40.000đ. Nếu bệnh nhẹ, mỗi ngày uống một chai, còn nặng uống ngày hai chai, quá nặng uống thêm… hai tuần thuốc Tây đang điều trị. Sau khi uống 30 chai, đường huyết sẽ về mức bình thường, rồi uống thêm 10 chai nữa để… vi-rút có trong xương tủy bị tiêu diệt hết, bệnh tiểu đường sẽ được điều trị dứt điểm. Còn người nào bị biến chứng tiểu đường như mắt mờ, thận suy… thì uống thêm 30 chai nữa. Bảo đảm bệnh sẽ được trị dứt”. Khi chúng tôi đặt vấn đề quá khó khăn để ra tận Bình Thuận mua thuốc trị tiểu đường, ông Đ. trấn an: “Có đường dây trong đó mà, đến chỗ xe Đ.H. Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi anh Trí, tôi sẽ chuyển thuốc vào. Nếu muốn lấy thuốc thì đặt trước hai ngày”. Ông Đ. còn tự xưng là “thầy thuốc Nam lương y – lương dược, Chủ tịch Hội Đông y của một xã, từng được đào tạo tại TP.HCM”. Sau hai ngày hẹn, đúng 7g30 ngày 15/1, chúng tôi có mặt tại Bến xe Miền Đông để nhận thuốc. Thế nhưng khi biết chúng tôi chỉ nhận hai chai về uống thử, trả lời qua điện thoại, ông Đ. bực mình: “Chỉ có 1,3 triệu đồng mà không lo nổi, nhiều bác sĩ phải tới lấy thuốc về uống còn không có đó”. Rốt cuộc chúng tôi phải về tay không vì ông Đ. chỉ chịu bán “sỉ” 30 chai một lần. Phóng viên nhận thuốc từ bến xe Miền Đông do ông Đ. chuyển vào TP.HCM Ảnh: Phan Trí Gần đây, Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM tiếp nhận một BN nữ 45 tuổi (ngụ Q.5, TP.HCM) mắc bệnh tiểu đường nặng, do trước đó đã đến một cơ sở điều trị bệnh tiểu đường bằng… nước lã. Theo lời của BN, thông tin này chị nghe được từ lời khuyên của một số chị em hay tập thể dục buổi sáng tại công viên. Vì uống nước sẽ giúp hạ đường huyết, vừa giảm cân, lại trị hết bệnh tiểu đường. Phản khoa học BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM khẳng định, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào chữa dứt điểm bệnh tiểu đường, dù sử dụng thuốc Tây hay Đông dược. Các thuốc điều trị hiện nay cũng chỉ giúp BN ổn định chỉ số đường huyết, tránh biến chứng. Do một số trường hợp bị rối loạn đường huyết nhẹ, sau khi được thay đổi chế độ ăn, chỉ số đường huyết trở về mức bình thường nên nhiều người lầm tưởng đã trị dứt bệnh. Thực tế, bệnh tiểu đường là bệnh tiến triển về lâu dài, do đó, theo thời gian, đường huyết sẽ gia tăng dần. Nếu bị bệnh tiểu đường, người bệnh nên đến các bệnh viện điều trị Ảnh: Thanh Khê Ngoài ra, một số cơ sở bán được thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc, đã pha trộn giữa thuốc Đông y với thuốc Tây, rồi tự “phong” là thuốc gia truyền. Khi uống thuốc, người bệnh nhầm tưởng đã hết bệnh khi thấy giảm một số triệu chứng. Tóm lại, hiện nay, những phương thức điều trị “bí truyền” chưa được chứng minh tính khoa học… nên người bệnh phải cảnh giác vì có thể nguy hiểm đến sức khỏe. PGS-BS Lưu Thị Hiệp - nguyên giảng viên chuyên về Đông y, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Đông y và Tây y thường phối hợp với nhau để giúp đường huyết ổn định, tránh biến chứng xảy ra. Nếu chỉ sử dụng đông dược, chưa chắc giữ được sự ổn định của đường huyết, nói gì đến việc trị dứt điểm bệnh. BS Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định, nước lã không có vai trò giúp đường huyết ổn định. Hơn nữa, nếu uống nước trong một thời gian dài mà không bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, có khi người bệnh bị hạ đường huyết, kiệt sức, bủn rủn chân tay. Đặc biệt, với phụ nữ có thai, nếu điều trị bệnh tiểu đường mà chỉ uống nước lã, rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Các bác sĩ khuyên, để đảm bảo đường huyết ổn định, tránh xảy ra các biến chứng, bên cạnh thay đổi chế độ ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh còn phải tập thể dục 30 phút mỗi ngày bằng những hình thức đơn giản chạy bộ, bơi lội,… Ngoài ra, ở BN tiểu đường týp 1 thường bắt buộc phải tiêm insulin để duy trì đường huyết ở mức bình thường. Những BN tiểu đường týp 2, lúc khởi đầu của bệnh có thể dùng thuốc uống, tùy theo mức độ rối loạn của đường huyết. Tuy nhiên, về lâu dài, ở những BN týp 2 cũng dẫn đến sự gia tăng lượng đường huyết, lúc đó có thể phối hợp thêm tiêm insulin, mục tiêu cuối cùng là cần kiểm soát đường huyết tốt, để tránh biến chứng và BN phải chú ý đến chế độ ăn uống, thể dục, thuốc hạ đường huyết và theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Văn Thanh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/tri-dut-benh-tieu-duong-bang-thuoc-bi-truyen.aspx