Tránh tai biến khi truyền máu, truyền dịch

Khi nào thì cần truyền máu, truyền dịch và làm sao để tránh được các tai biến khi truyền máu, truyền dịch? Hồ Thị Hoài Hà, Đà Lạt, Lâm Đồng

Tiêm truyền dịch là đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch hoặc dưới da một khối lượng máu, dung dịch và thuốc với mục đích: Hồi phục lại khối lượng tuần hoàn khi bệnh nhân bị mất nước, mất máu (xuất huyết, bỏng và tiêu chảy mất nước...); giải độc, lợi tiểu; nuôi dưỡng người bệnh (khi bệnh nhân không ǎn uống được); đưa thuốc vào để điều trị bệnh. Các loại dịch truyền thường là: đường, muối bicarbonat 1,4%, điện giải, vitamin, acid amin, máu tươi và các thành phần của máu.

Truyền máu là đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch một khối lượng máu, nhằm mục đích: Bù đắp lại số lượng máu đã mất, nâng cao huyết áp; cầm máu vì máu truyền vào nó mang sẵn các yếu tố như fibrinogen, protrobin tiểu cầu, calo; chống nhiễm khuẩn, nhiễm độc, vì nó cung cấp kháng thể và hemoglobin; cung cấp oxy cho tế bào và kháng thể cho người bệnh, khi máu đưa vào hệ thống tuần hoàn sẽ vận chuyển các chất dinh dưỡng đến mô và đưa những sản phẩm thoát ra ở tế bào, mô, thân, phổi ra ngoài.

Theo chỉ định của BS, cần truyền dịch khi xuất huyết và tiêu chảy mất nước, bỏng, trước mổ, sau mổ. Cần truyền máu khi chảy máu nội tạng nặng: Sốc do chảy máu trong, sốc chấn thương đơn thuần, mất máu nặng do đứt động mạch; thiếu máu nặng; nhiễm khuẩn, mhiễm độc nặng; các bệnh về máu. Ngược lại không nên truyền dịch khi bệnh nhân bị phù phổi cấp hay có bệnh tim nặng. Không nên truyền máu khi bệnh nhân bị viêm cơ tim, các bệnh van tim; xơ cứng động mạch não, huyết áp cao; chấn thương sọ não, viêm não, não úng thủy.

Khi truyền dịch cần đề phòng một số tai biến và cần xử lý kịp thời khi gặp tai biến.

Cụ thể là dịch không chảy do: Kim bị lệch, lỗ kim áp vào thành mạch. Cần điều chỉnh lại kim và kê lại đốc kim. Do mạch kẹp, dùng bàn tay vuốt nhẹ theo đường về của tĩnh mạch để dồn máu.

Do tắc kim: Tạm thời gập 1-2 khúc của đoạn dây truyền, rồi buông nhanh, dung dịch sẽ dồn mạnh xuống làm cho thông kim. Nếu không được phải thay kim.

Phồng nơi tiêm: Do thuốc thoát ra ngoài vì tiêm ra ngoài thành mạch hoặc mũi vát của kim chưa vào sâu trong lòng mạch (mũi vát nửa trong nửa ngoài). Phải tiêm lại hoặc tiêm chỗ khác. Nếu là dung dịch ưu trương thoát ra ngoài thì phải ngừng truyền ngay, báo cáo bác sĩ. Nhiễm khuẩn nơi tiêm do không đảm bảo vô khuẩn. Còn có thể bị sốc.

Triệu chứng: Rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, mạch nhanh v.v.

Xử trí: Ngừng truyền ngay, phải ủ ấm cho bệnh nhân, báo cáo bác sĩ (chuẩn bị thuốc xử trí). Tìm nguyên nhân gây sốc, do dung dịch không tinh khiết, do dây truyền bẩn, do tốc độ truyền nhanh...

Phù phổi cấp: Thường xảy ra ở những bệnh nhân bị cao huyết áp, hoặc suy tim, nguyên nhân do truyền quá nhanh, khối lượng nhiều. Triệu chứng: Đau ngực, khó thở dữ dội, sắc mặt tím tái.

Xử trí: Ngừng truyền ngay, báo cáo bác sĩ, chuẩn bị phương tiện xử trí. Tắc mạch phổi do không khí trong dây truyền lọt vào mạch.

Triệu chứng: Đau ngực đột ngột, khó thở, có thể gây tử vong nhanh.

Xử trí: Ngừng truyền ngay, báo cáo bác sĩ, đồng thời xử trí, hô hấp nhân tạo, thở oxy.

AloBacsi.vn

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Nông Nghiệp Việt Nam

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.vn/20130106112716377p160c308/tranh-tai-bien-khi-truyen-mau-truyen-dich.htm