Tranh cãi xung quanh phương pháp tắm cho trẻ sơ sinh lạ lùng của người Ấn Độ

Cảnh tượng trẻ sơ sinh được các bà đỡ nâng lên đặt xuống và chà xát mạnh toàn thân, sau đó dội nước khắp cơ thể kể cả phần đầu khiến ai xem cũng phải sững sờ.

Mới đây, trang Facebook Arab Today đã đăng tải một đoạn video ngắn về cảnh những người phụ nữ (được cho là bà đỡ) đang đặt những em bé sơ sinh nằm sấp hoặc ngửa và tắm rửa cho bé bằng nước lạnh khiến ai cũng ngạc nhiên.

Trong đoạn clip, những người phụ nữ Ấn Độ đang cùng nhau tắm cho trẻ sơ sinh . Những đứa trẻ dù mới chỉ được khoảng vài tuần tuổi nhưng được lột trần hết quần áo, nằm sấp hoặc ngửa trên chân người lớn. Ngạc nhiên hơn, những phụ nữ này còn bạo tay lật ngửa trên lên xuống, chà xát cơ thể bằng xà phòng và uốn ép, vặn tay, chân của những đứa trẻ này và liên tục dội nước lên cơ thể chúng. Giữa những tiếng kêu khóc của trẻ, các bà đỡ vẫn thản nhiên kì cọ, cười đùa vui vẻ và tỏ ra vô cùng thành thạo khiến người xem đều cảm thấy sững sờ

Với dòng miêu tả: “Phương pháp tắm cho bé sơ sinh kì lạ nhất thế giới”, bài đăng này đã thu hút hơn 1,000 lượt like và chia sẻ trên Facebook. .

Clip tắm cho trẻ sơ sinh kiểu Ấn Độ khiến nhiều người xem sững sờ.

Thực chất của phương pháp tắm cho trẻ sơ sinh kì lạ này là gì?

Mặc dù nhiều phương pháp tắm hiện đại, an toàn đã được giới thiệu ở Ấn Độ, nhưng cách tắm truyền thống này vẫn được áp dụng khá phổ biển ở Ấn Độ, theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Nitte.

Công đoạn quan trọng đầu tiên khi tắm cho trẻ theo cách truyền thống là mát-xa cho trẻ thường do các maalishwali (người phụ nữ mát-xa chuyên nghiệp hực hiện). Quan niệm của người Ấn Độ cổ đại cho rằng mát-xa cho trẻ khi tắm sẽ giúp xương của trẻ thẳng hơn, các cơ bắp săn chắc hơn, cải thiện làn da và bảo vệ trẻ chống lại bệnh tật.

Việc kì cọ quá mạnh tay và không có chuyên môn có thể gây ra những tổn thương về thể chất và tâm lý cho trẻ.

Trẻ sơ sinh Ấn Độ thường được bà hoặc người tắm thuê - hay dai (theo cách gọi của người Ấn Độ) tắm rửa vào mỗi buổi sáng ngay từ khi sinh ra. Người lớn khi tắm cho trẻ sẽ ngồi xuống sàn nhà, chân duỗi thẳng và bắt chéo ở mắt cá chân. Trẻ sơ sinh được đặt nằm ngửa hoặc nằm úp sấp dọc theo chân người tắm nếu muốn gội đầu cho trẻ. Quá trình tắm cho trẻ bắt đầu bằng việc xoa bóp và chà xát mạnh cơ thể trẻ, sau đó trẻ được tắm bằng nước ấm, và cuối cùng trẻ được bọc trong khăn để được “hun” với mùi hương trầm.

Chuyên gia nói gì về phương pháp tắm cho trẻ sơ sinh này?

Theo Tiến sỹ đồng thời là một bác sỹ chuyên về sản khoa nổi tiếng ở Ấn Độ - Indira Hinduja: “Trên thực tế việc tắm và mát-xa cho trẻ sơ sinh được coi là một truyền thống đã được truyền nối từ nhiều đời nay ở Ấn Độ. Nhưng tôi không thấy bất kỳ lợi ích sức khỏe trong việc tắm và mát-xa theo kiểu này cả. Nhiều người cho rằng việc làm này có thể giúp xương của trẻ sơ sinh chắc khỏe nhưng tôi nghĩ hoàn toàn điều đó là sai lầm và không có cơ sở khoa học. Các bậc cha mẹ thường thuê các maalishwali – những người không được đào tạo bài bản, họ có thể học được các thao tác này do được truyền lại từ bà hoặc mẹ của họ. Tay của họ cũng rất cứng có thể sẽ gây tổn thương cho bé. Ngoài ra phần nguy hiểm nhất của công đoạn mát-xa là họ đưa tinh dầu vào mũi và tai của em bé là rất có hại”.

Cách tắm truyền thống này vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.

Ngay cả bác sĩ Nandita Palshetkar – một bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng khẳng định: "Làn da của em bé sơ sinh rất nhạy cảm. Việc mát-xa không đúng cách có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về da. Cá nhân tôi không nghĩ rằng đó là một phương pháp tốt. Ngoài ra kiểu tắm này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi trưởng thành".

Tiến sĩ B K Shah cũng khẳng định: "Việc mát-xa được cho là giúp các em bé phát triển của xương nhưng phải được thực hiện đúng thao tác. Thực tế, các bà mẹ nên tìm hiểu những cách khác đơn giản và hữu ích hơn nhiều đến từ thực phẩm và các bài tập vận động cho trẻ. Ngay cả việc đơn giản là để cho trẻ được tắm nắng để tổng hợp vitamin D cũng rất tốt cho xương".

Tuy vậy, cách tắm truyền thống này vẫn còn là đề tài gây tranh cãi trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở Ấn Độ và chưa có hồi kết.

(Nguồn: timesofindia/indiaparenting/herfamily)

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/me-va-be/tranh-cai-xung-quanh-phuong-phap-tam-cho-tre-so-sinh-la-lung-cua-nguoi-an-do-201602070239027.chn