Trăn trở với “bài toán” tăng trưởng

Mặc dù Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP từ đầu năm 2012 ở mức 6,5% nhưng GDP cả năm chỉ cán đích ở mức 5,03% so với năm 2011, một mức tăng thấp so với mục tiêu và so với nhiều năm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ điều hành đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên trên mục tiêu tăng trưởng là lời giải hợp lý cho bài toán kinh tế của đất nước…

Nhận diện thách thức tăng trưởng trong năm 2012

Năm 2012, chúng ta thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động rất phức tạp và khó khăn, trong đó thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nước ta. Ở trong nước, việc thực thi chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao; doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn.

Phát biểu trong kỳ họp Quốc hội cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhìn nhận thấu đáo những khó khăn của năm 2012 như kinh tế vĩ mô chưa vững chắc do nợ xấu gia tăng, xử lý nợ xấu còn chậm và còn nhiều khó khăn; lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cho vay; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn; thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro... Đặc biệt, với tinh thần nhận diện khó khăn của DN sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nền kinh tế, trong năm qua Thủ tướng đã liên tục yêu cầu các Bộ, ngành thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về tiếp cận nguồn vốn và hàng tồn kho.

Xuất khẩu hải sản là một thế mạnh của Việt Nam nhưng hiện nay gặp nhiều khó khăn

Với việc nền kinh tế phải đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức thì trong năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong chỉ đạo điều hành, theo mục tiêu xuyên suốt của cả năm 2012 là thực hiện kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã cơ bản đạt được, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn so với mức lạm phát mục tiêu đề ra từ đầu năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Thị trường tài chính tiền tệ cũng được cải thiện với lãi suất cho vay đã giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện, huy động tiền gửi tăng, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố. Các giải pháp điều hành tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế... cũng đã giúp DN phần nào bớt đi khó khăn, tồn kho của nhiều ngành hàng đã giảm xuống. Theo tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một điểm bất cập là tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc nặng vào vốn, vào “sức bơm” tín dụng cho nền kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của năm nay rất khó khăn do sức mua của thị trường suy giảm và đầu tư công cũng bị cắt giảm so với mọi năm. Đặc biệt, do những khó khăn của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp có tăng trưởng song ở mức độ thấp so với mọi năm. Cộng thêm vào đó là hạn chế của sức mua thị trường, của việc cắt giảm đầu tư công. Việc lạm phát giảm cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục còn cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh.

Cân nhắc mục tiêu tăng trưởng năm 2013

Trong bối cảnh xác định kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 được dự báo sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, Chính phủ đã khá thận trọng trong đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế trong năm tới. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tốc độ tăng CPI khoảng 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Quan điểm của Chính phủ là sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, linh hoạt; gắn kết chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ theo mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

Nợ xấu của các ngân hàng được ví như “cục máu đông” trong nền kinh tế

Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình cao với việc Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô trong 2013. “Nên đặt mục tiêu tái cấu trúc cao hơn mục tiêu tăng trưởng”, tiến sỹ Trần Đình Thiên đề xuất. Bởi theo tiến sỹ Trần Đình Thiên, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, không thể nóng vội đề ra mục tiêu tăng trưởng mà cần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế.

“Thứ nhất, việc tăng trưởng vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cho vay đang cho thấy, câu chuyện ách tắc vốn vẫn chưa được khai thông. Mà một khi tín dụng chưa thông suốt thì nền kinh tế khó mà vận hành bình thường và phục hồi tăng trưởng được. Vấn đề khó tăng trưởng tín dụng gắn với câu chuyện nợ xấu, hàng tồn kho là những vấn đề rất cần phải giải quyết vì nó liên quan nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Nếu “sức khỏe” của DN không được cải thiện thì sức khỏe của nền kinh tế cũng khó mà tốt lên được ”, tiến sỹ Trần Đình Thiên phân tích. Để giải quyết vấn đề suy giảm tổng cầu của nền kinh tế trong năm 2013, theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mấu chốt là cần đẩy nhanh giải phóng hàng tồn kho các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng bằng giải pháp mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn có được từ phát hành trái phiếu công trình. Qua đó, có thể đẩy mạnh cầu đầu tư, tiêu dùng, nâng tổng cầu của nền kinh tế để đẩy nhanh tiến trình phục hồi tăng trưởng. Bên cạnh đó, để tạo động lực phát triển kinh tế trong năm 2013, theo ông Vũ Viết Ngoạn, cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên cũng đồng tình quan điểm là trong năm 2013, phải tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn. Chi phí để tái cơ cấu, tức là sửa lại, “đại tu” lại hệ thống đang bị “trục trặc” nghiêm trọng chắc chắn sẽ là rất lớn.

“Nếu tiếp tục chậm trễ thì chi phí để thực hiện công việc tái cấu trúc sau này còn lớn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể tình trạng tụt hậu xa hơn của đất nước ta lại tiếp tục doãng rộng ra”, tiến sỹ Trần Đình Thiên khẳng định. Theo tinh thần đó, tiến sỹ Trần Đình Thiên, cho rằng không nhất thiết phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho năm 2013.

Để thực hiện tái cơ cấu, tiến sỹ Trần Đình Thiên đề xuất là cần thực hiện tái cơ cấu ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến cấp độ vĩ mô. “Trước mắt, Chính phủ cần có những giải pháp giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông vốn, giải tỏa nợ xấu để hệ thống tài chính, huyết mạnh của nền kinh tế được vững mạnh. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào cả hai vế giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu (ngắn hạn) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (dài hạn). Về việc giải tỏa cục máu đông nợ xấu, đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Yêu cầu giải tỏa càng gấp, lượng nợ xấu càng nhiều thì nguồn lực xử lý đòi hỏi càng lớn. Đây là một thách thức lớn vì hiện nay, sức khỏe tài chính - ngân sách và tiền tệ - ngân hàng đều có vấn đề nghiêm trọng. Đây là việc cần phải làm ngay, làm một cách nghiêm túc, vì lợi ích quốc gia, vì sự sinh tồn của các DN và ngân hàng”, tiến sỹ Trần Đình Thiên lưu ý.

Thu Hương

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/kinh-te/thi-truong/tran-tro-voi-bai-toan-tang-truong-16516.html