“Trần Minh khố chuối”

TT - Sáng 30-4, buổi ăn sáng của gia đình tôi không phải vội vội vàng vàng mà kéo dài hơn hai giờ để bàn luận xung quanh câu chuyện của em Võ Văn Huy (bài “Chông chênh giấc mơ đi thi quốc tế” trên trang 8 Tuổi Trẻ ngày 30-4).

Đầu tiên, tôi - với bệnh nghề nghiệp của một nhà giáo - đã mượn ngay câu chuyện của em Huy để làm một bài giảng “trực quan sinh động” cho hai đứa nhỏ, thằng lớn học cấp ba và con em học cấp hai: Các con hãy xem câu chuyện của anh Huy này, nhà nghèo phải vừa đi chăn bò vừa học, vừa phải chăm em bị khuyết tật, thế mà vào được đội tuyển toán quốc gia để đi thi Olympic quốc tế đấy. Và bây giờ anh Huy chưa biết có đi thi được hay không vì vừa không có tiền, vừa không biết lấy ai làm việc nhà giúp bố mẹ. Các con hãy đọc bài viết về anh Huy và xem đó là tấm gương để mình rèn luyện. Con bé đang học cấp II chộp ngay tờ báo đọc, rồi liến láu: Anh Huy này chỉ thiếu đường học bằng đèn đom đóm và đóng khố chuối đi học là giống như “Trần Minh khố chuối” trong truyện cổ tích mẹ nhỉ? Đến lượt chồng tôi thủng thẳng lên tiếng: Bây giờ thì làm gì khổ như kiểu thời xưa nữa hả các con. Nghèo lắm thì cũng có chiếc đèn dầu. Khổ lắm cũng có chiếc quần chiếc áo dù có thể không lành lặn như các con. Nhưng chưa chắc “Trần Minh khố chuối” ngày xưa “bế tắc” bằng bạn Huy này. Ví dụ Trần Minh ngày xưa về kinh ứng thí nếu không có ngựa thì đi bộ, một tuần, hai tuần, thậm chí ba, bốn tuần rồi cũng tới. Chứ bạn Huy đi thi quốc tế ở nước ngoài, đi ra Hà Nội để tập huấn... làm sao đi bộ được. Chưa kể bạn Huy đi tập huấn, đi thi mất vài tháng trời thì lấy ai cõng cô em út khuyết tật đến trường? Rồi bạn Huy còn là một trụ cột trong việc kiếm tiền phụ cha mẹ. Ở nhà quê khổ lắm đấy các con à... Cậu con trai đầu của tôi “nhảy” vào tham gia cuộc bàn tròn: Nhưng bây giờ hơn ngày xưa là còn có chính quyền, có nhà trường, có xã hội. Con tin chắc trong xã hội sẽ có không ít người sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ để anh Huy không phải bỏ lỡ cơ hội. Bởi đó không chỉ là vinh dự cho bản thân anh ấy, cho gia đình anh ấy mà còn cho cả nhà trường, cho cả địa phương nữa. Nếu con là một học sinh học chung trường với anh ấy, con sẽ vận động các bạn đoàn viên thay nhau đến chia sẻ việc nhà của anh Huy như đưa cô em khuyết tật đến trường, chăn bò... chẳng hạn. Bây giờ hè cũng sắp đến rồi, con nghĩ chỉ cần một trường chọn chuyện giúp đỡ nhà anh Huy làm nội dung hoạt động của chiến dịch Mùa hè xanh là rất ý nghĩa. Nghe con trai nói mà tôi mừng thầm. Ít ra một đoàn viên cũng phải có được những suy nghĩ như thế chứ. Nó không chỉ có tấm lòng mà còn biết cách đề xuất phương án để giải quyết vấn đề. Chưa kể phương án đó cũng là một biện pháp khả thi để giúp cậu học trò đáng nể Võ Văn Huy vượt qua khó khăn. Việc làm này không chỉ là chuyện cái tình giữa con người với con người trong xã hội, mà còn là thái độ trân trọng nhân tài. Riêng mình, tôi tự nhủ chuyện của Võ Văn Huy sẽ tiếp tục là một cuộc bàn luận với học trò của tôi trên lớp. Trong cuộc sống, đâu phải lúc nào chúng ta cũng có được những tấm gương sáng như thế này. Và nữa, tôi cùng các con mình sẽ xin góp một phần nho nhỏ về vật chất để giúp Võ Văn Huy. Biết đâu được, chúng ta đang cùng xây một bệ phóng cho Ngô Bảo Châu thứ hai của Việt Nam... HƯƠNG GIANG

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/435982/%e2%80%9ctran-minh-kho-chuoi%e2%80%9d.html