Tổng hợp sự kiện nổi bật kinh tế vĩ mô tuần qua

Theo chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đến năm 2015 tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban Nội chính Trung ương

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa 11, ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương; các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hai ban này.

Bộ Chính trị cũng ban hành các quyết định phân công ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức Trưởng ban Nội chính; ông Vương Đình Huệ làm Trưởng ban Kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Thanh (59 tuổi), quê huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, từng là Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Chủ tịch UBND Đà Nẵng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông hiện là Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng.

Còn ông Vương Đình Huệ (55 tuổi), quê quán huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế, giữ vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006. Ông hiện là Ủy viên trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII và Bộ trưởng Tài chính.

TP.HCM phấn đấu tăng GDP năm 2013 trên 10%

Năm 2013, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012, tập trung thực hiện có hiệu quả sáu chương trình đột phá…, TP yêu cầu các sở, ban, ngành và 24 quận, huyện cần cố gắng đạt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, phấn đấu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên 10%”.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân ngày 4-1 tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Chính phủ, kết luận của Thành ủy và Nghị quyết HĐND TP về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách năm 2013.

Đến 2020, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 1,5% GDP

Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Về danh mục hàng dự trữ quốc gia đến năm 2020, Chiến lược xác định 5 nhóm mặt hàng gồm: nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng.

Trong đó, mức dự trữ lương thực đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc); sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể.

Mức dự trữ xăng dầu đến năm 2020 là đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng (khoảng 500.000 m3, tấn xăng dầu thành phẩm) và 700.000 tấn dầu thô;...

Năm 2013: Vốn đăng ký FDI ước sẽ đạt khoảng 13 – 14 tỷ USD

Theo Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nhất Hoàng, dự kiến vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2013 sẽ đạt khoảng 13 – 14 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 10,5 – 11 tỷ USD, tương đương với năm 2012. Được biết, năm 2012 tổng vốn đăng ký cấn mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD bằng 84,7% so với năm 2011; vốn thực hiện đạt 10,46 USD, bằng 95,1% năm 2011.

Nhật Bản vẫn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong năm 2012 với vốn đăng ký đạt trên 5,13 tỷ USD, chiếm 39,55% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Bình Dương là địa phương thu hút vốn nhiều nhất với 2,53 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm trong năm 2012.

HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,3 điểm trong tháng 12

Ngân hàng HSBC vừa chông bố chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,3 điểm trong tháng 12. Với kết quả 49,3 trong tháng 12, so với 50,5 trong tháng 11, chỉ số PMI ngành Sản xuất Việt Nam của HSBC được điều chỉnh theo mùa đã nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm lần thứ tám trong 9 tháng qua.

Việc suy giảm mới đây về các điều kiện hoạt động chủ yếu phản ánh việc giảm số lượng đơn đặt hàng mới, việc không tiếp tục nắm giữ hàng tồn kho và tình trạng trì trệ của sản lượng.

Kết quả chỉ số PMI trung bình trong quý 4 năm 2012 là 49,5 điểm, so với 46,9 điểm trong quý 3 và là kết quả cao nhất kể từ quý 3 năm 2011.

Hoàn thành Đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty quản lý tài sản

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị.

Đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, cần làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng Nghị định về Công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.

Hồng Cúc

Theo TTVN

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/tong-hop-su-kien-noi-bat-kinh-te-vi-mo-tuan-qua/ct-539108