Toan tính sau thương vụ 43 tỷ USD của Trung Quốc

Ngày 3/2, Tập đoàn Hóa chất Quốc gia của Trung Quốc (ChemChina) đã đề nghị mua lại Syngenta, công ty sản xuất thuốc trừ sâu hàng đầu của Thụy Sĩ.

Mức giá được ChemChina đề nghị là 43 tỷ USD, mở đường cho thương vụ sáp nhập xuyên quốc gia lớn nhất do một công ty Trung Quốc thực hiện.

Trong một thông báo, Syngenta cho biết hội đồng quản trị của công ty đã đề nghị các cổ đông chấp thuận đề xuất từ phía đối tác Trung Quốc, theo đó ChemChina đồng ý trả mỗi cổ phiếu của Syngenta là 482 USD và lợi ích của các cổ đông đều được đảm bảo.

Vụ mua bán này cũng sẽ tạo cơ hội đưa Syngenta đến với các thị trường mới nổi và đặc biệt là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thuốc trừ sâu hàng đầu thế giới. Năm ngoái, Syngenta đã từ chối đề nghị trị giá 46,5 tỷ USD từ Tập đoàn Mosanto.

Các cổ đông của Syngenta đã chấp thuận mức giá 43 tỷ USD phía Trung Quốc đưa ra

Hãng tin Bloomberg chỉ ra rằng, logic phía sau thương vụ này là khoảng cách ngày càng lớn giữa hai con số: một là dân số của Trung Quốc và diện tích đất có thể canh tác của nước này.

Trung Quốc chiếm 21% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu 9% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu - theo số liệu của Jefferies Group. Và đây chính là lý do ChinaChem mua Syngenta, công ty có trụ sở ở Basel.

Syngenta là hãng sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới và sở hữu công nghệ biến đổi gen (GMO) có thể giúp Trung Quốc tăng năng suất mùa màng.

Với 1,4 tỷ miệng ăn, Trung Quốc cần tăng mạnh năng suất nông nghiệp vốn bị kìm hãm bởi chất đất xấu, nguồn nước ô nhiễm, và tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ tăng sản lượng nông nghiệp là một trong những ưu tiên của nước này và Trung Quốc cần đi đầu trong việc sản xuất nông nghiệp GMO.

Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã mạnh tay thâu tóm các tài sản nông nghiệp trên toàn cầu, từ các nông trại tới nhà máy sản xuất đường, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho dân số ngày càng tăng và trở nên giàu hơn của mình.

“Với nhu cầu lương thực gia tăng, an ninh lương thực trở thành một cân nhắc chính sách quan trọng đối với chính quyền Trung Quốc”, ông Nirgunan Tiruchelvam, Giám đốc nghiên cứu công ty Religare Capital Markets ở Singapore, nhận định.

Trung Quốc đã trở thành một trong những khách hàng mua đất nông nghiệp lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm nước này chi hàng tỷ USD để chiếm giữ hàng triệu hecta đất ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Trung Á, châu Phi, Úc và New Zealand.

Tuy nhiên, chiến lược thâu tóm đất nông nghiệp ở nước ngoài của Trung Quốc đã bị lật tẩy và nhiều nước đã kịp sửa đổi quy định về đất đai để ngăn chặn sự "khai hóa" này. Brazil, Argentina đã thắt chặt quy định mua đất với người nước ngoài sau khi các doanh nghiệp Trung Quốc có ý định mua đất nông nghiệp quy mô lớn ở các nước này.

Năm 2015, khi bản ghi nhớ cho thuê 1.000km2 đất trong 49 năm mà chính quyền vùng Siberia của Nga bắt tay với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc Hua’e Xingbang được công bố, chính trường và truyền thông Nga đồng thanh cảnh báo nó có thể dẫn đến việc mất đất vào tay Trung Quốc.

Năm 2012, Trung Quốc cũng từng tiến hành thương vụ thâu tóm 16 nông trại sữa Crafar của doanh nghiệp gia đình lớn nhất New Zealand. Vụ mua bán này vấp phải làn sóng phản đối gay gắt từ các đảng phái chính trị New Zealand. Họ gây áp lực lên chính phủ vì diện tích đất nông nghiệp chuyển giao cho nước ngoài quá lớn.

An Nhiên(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/toan-tinh-sau-thuong-vu-43-ty-usd-cua-trung-quoc-3299722/