Tình trạng lãng phí trong sử dụng nước còn phổ biến

QĐND - Nói về nước, có người ví von: Nước, “một phần tất yếu của cuộc sống!”. Xem ra ai cũng hiểu được vai trò to lớn của nguồn tài nguyên này. Nhưng thực tế việc sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến khan hiếm nguồn nước lại đang làm các nhà quản lý đau đầu. Ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trao đổi với chúng tôi xung quanh những vấn đề trên.

Ông Châu Trần Vĩnh

- Thực trạng nguồn nước Việt Nam hiện nay như thế nào thưa Phó cục trưởng?

- Tổng lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam là khoảng 830 tỷ mét khối được tập trung chủ yếu trên 13 lưu vực sông lớn bao gồm Hồng, Thái Bình, Đà, Lô, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai, Mê Kông, Sê San, Sê-rê-pốc. Tuy nhiên, khoảng 60% nguồn nước mặt của Việt Nam (tương ứng với 520 tỷ mét khối) được sản sinh ở nước ngoài, chỉ có gần 310 tỷ mét khối mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Xét về cơ cấu sử dụng nước, hiện nay đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững gây suy giảm tài nguyên nước trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp, tình trạng lãng phí trong sử dụng nước còn phổ biến trên phạm vi cả nước.

- Ông có cho biết một vài ví dụ cụ thể?

- Ví như câu chuyện về sử dụng nước cho ngành công nghiệp. Toàn quốc hiện có 154 khu công nghiệp và khu chế xuất quy mô lớn nhưng chỉ có 43 khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo thống kê, lượng nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lượng nước (khoảng gần 10 triệu mét khối/ngày). Phần lớn công trình khai thác nguồn nước dưới đất này đều có công suất khai thác nhỏ, từ 5000-15.000 mét khối/ngày đến 20.000-40.000 mét khối/ngày. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước trong các hệ thống cấp nước đô thị còn cao (trung bình khoảng 35%, riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, chiếm khoảng 40% tổng lượng khai thác) và hiện tượng sử dụng nước không đúng mục đích, không hiệu quả và lãng phí nước còn phổ biến ở hầu hết các đô thị.

Xây dựng bể chứa nước sạch phục vụ nhân dân tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

- Vấn đề an ninh nguồn nước được thể hiện thế nào trong dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi thưa ông?

- Việt Nam là quốc gia không giàu về nước, đặc biệt là trong mùa khô nhiều con sông trở nên khan hiếm nước, lượng nước chỉ đạt 20-30% tổng lượng nước bình quân năm. Tình trạng thiếu nước cục bộ đã xảy ra trên một số lưu vực sông, như lưu vực sông Đồng Nai, sông Hồng, sông Mã, sông Kôn, các sông vùng Đông Nam Bộ... Điều này cho thấy mức sử dụng nước cao và không bền vững. Do vậy việc bảo đảm an ninh nước để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội là một trong những vấn đề được quan tâm trong quá trình xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong quá trình soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), vấn đề bảo đảm an ninh nước đã được Ban soạn thảo thể hiện trong nguyên tắc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra; trong chính sách lớn về tài nguyên nước cũng như trong các biện pháp quản lý các nguồn nước.

- Điểm nổi bật trong chính sách đó là gì thưa Phó cục trưởng?

- Trong Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, đồng thời có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước.

- Như ông đã nói, Việt Nam không phải là quốc gia giàu tài nguyên nước. Vậy, để khắc phục những hiện trạng kể trên, hướng tới là quốc gia “có của ăn, của để” về nguồn nước, vấn đề nghiên cứu tài nguyên nước được chúng ta xác định bước đi như thế nào thưa ông?

- Đúng là để trở thành nước giàu có về tài nguyên nước, chúng ta còn quá nhiều việc để làm, trong đó có vấn đề đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu tài nguyên nước. Trong những năm qua, hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực hợp tác đa phương, khu vực, song phương và với các tổ chức phi chính phủ.
- Xin cảm ơn ông!

Từ 12 đến 17-3 vừa qua, Diễn đàn Nước thế giới đã diễn ra tại thành phố Marseille, Pháp, với sự tham dự của 20.000 đại diện tổ chức đến từ 140 quốc gia trên thế giới. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh thiếu nước đang thành vấn nạn ngày càng trầm trọng. Hiện trên thế giới có 2,5 tỷ người đang khát nước sạch, chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu. Đây là một con số đáng báo động vì 2 năm trước đây, con số này chỉ dừng ở 1 tỷ người.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Lê Xuân Đức (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/181132/Default.aspx