Tinh giản đội ngũ công chức, viên chức: Biên chế vẫn âm thầm tăng

Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu để tinh gọn bộ máy tránh trường hợp một số cơ quan sau khi đã tinh giản biên chế nhưng số lượng tuyển vào lại bằng đúng số lượng đã tinh giản.

Tinh giản nhưng lại tăng

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, những năm qua, thực hiện Nghị định 132/2007/NQ-CP, nhiều cơ quan đã tiến hành tinh giản biên chế nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế, chưa triệt để. Nhiều cơ quan sau khi đưa một số cán bộ công chức ra khỏi bộ máy thì lại tuyển mới đúng bằng số đã giảm.

Lập cơ quan quốc gia quản lý biên chế

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sắp tới sẽ nghiên cứu thành lập một cơ quan quản lý quốc gia về biên chế để đảm bảo sự quản lý chung thống nhất. Hiện nay còn nhiều đầu mối quản lý biên chế. Chẳng hạn, biên chế bên Đảng thì có Ban Tổ chức TƯ, bên các cơ quan tư pháp thì do QH, các tổ chức chính trị, xã hội thì thuộc Văn phòng Chủ tịch nước…Đồng ý với việc thành lập một cơ quan quản lý biên chế công chức của quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan này không phải là nơi "xin-cho”, tạo tầng nấc hành chính trung gian để tạo ra nhũng nhiễu, bất cập mà chỉ là cơ quan quản lý, rà soát đội ngũ cán bộ, công chức.

Kết quả của nỗ lực tinh giản biên chế không chỉ "đầu ra” đúng bằng "đầu vào” như Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói, mà biên chế vẫn âm thầm tăng. Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ cho hay: Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 4 năm qua chỉ khiêm tốn với mức 54.220 người. Như vậy, việc thực hiện tinh giản biên chế không đạt kết quả như mong muốn. Số người giảm ít hơn số người được bổ sung. Chính vì vậy, sau khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng lên đến 25%.

Dẫn ra kết quả của những con số âm trong tinh giản biên chế, ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Dù chúng ta đã đặt ra nhiệm vụ phải tinh giản biên chế tròn 40 năm (từ năm 1972); nhưng có cảm giác chúng ta càng hô hào tinh giản thì hầu khắp các đơn vị trong cả nước biên chế không những giảm mà lại phình lên. Cụ thể Hà Nội vừa công bố tờ trình về tổng biên chế trên địa bàn. Theo đó, tổng biên chế sự nghiệp toàn TP năm 2013 là 143.610 biên chế, tăng so với năm 2002 là 4.704 biên chế. TP. Hồ Chí Minh mức tăng biên chế không đến mức chóng mặt như Thủ đô Hà Nội nhưng so với năm 2012 thì biên chế năm 2013 cũng đã tăng 339 người.

Phải quyết liệt tinh gọn bộ máy để giảm tối đa 30% công chức chỉ biết "sáng cắp ô đi tối cắp về”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định. Ông Bình cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang cấp tập hoàn thiện Đề án tinh giản biên chế với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý; có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời thực hiện Đề án này sẽ đưa ra khỏi nền công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, công vụ.

Giảm cách nào?

Theo yêu cầu của Nghị quyết 16/2000/NQ - CP về tinh giản biên chế thì những đối tượng phải tinh giản gồm: những người không thường xuyên bảo đảm chất lượng và thời gian lao động quy định, chuyên môn, nghiệp vụ yếu, không đủ sức khỏe làm việc...; những người dôi ra do điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức ở bộ phận phục vụ; những người được cơ quan điều động sang tổ chức không sử dụng biên chế, ngân sách nhà nước... Tuy nhiên trên thực tế hầu như không có đối tượng bị tinh giản biên chế vì lý do không đáp ứng được yêu cầu công việc hay thiếu tinh thần trách nhiệm mà số lượng ít ỏi biên chế giảm được là do "sức khỏe yếu” vì họ đã hoặc sắp đến tuổi hưu. Có nhiều lý do khiến công cuộc tinh giản biên chế mãi chỉ là hô khẩu hiệu nhưng tựu chung lại có 2 lý do chính. Thứ nhất, giảm biên chế mà không được tăng sẽ dẫn đến tổng biên chế giảm và khiến cho tổng kinh phí hành chính cũng bị cắt giảm theo khi thực hiện chế độ giao khoán. Thứ hai là ngại va chạm, nể nang trong quan hệ mà không dám giảm biên chế.

Vì thế, để tinh giản biên chế đi vào thực chất, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, chứ không phải chỉ đơn giản là giảm một cách cơ học, máy móc về số lượng người. Tinh giản bao hàm cả vấn đề nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng người làm việc hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng được khối lượng công việc ở mỗi cơ quan. Vì vậy, tinh giản phải hiểu theo hướng không phải thuần túy là giảm biên chế, giảm số lượng người làm việc mà đầu tiên phải nâng cao chất lượng đội ngũ người làm việc, xác định được rõ vị trí việc làm để tính toán số lượng người hợp lý, phù hợp.

Sau khi tính toán được tất cả các vị trí việc làm trong một đơn vị sẽ tìm ra được những vị trí thừa. Những đối tượng này tất phải tinh giản vì thực tế không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Tuy nhiên, để giải quyết ổn thỏa số lao động dôi ra này cũng phải có chính sách thỏa đáng. Giải quyết làm sao để không gây xáo trộn, không làm người trong diện tinh giản phải đối mặt với những mối lo. Vì vậy, những đối tượng trong diện cần tinh giản này cần có những chính sách cụ thể, có thể chuyển họ sang một vị trí thích hợp hơn hoặc có thể bị đưa ra khỏi nền công vụ. Nhưng dù có sử dụng biện pháp nào cũng phải đảm bảo tạo điều kiện cho người đó có điều kiện ổn định cuộc sống mới.

Lục Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=62960&menu=1366&style=1