Thủ phạm gây dịch bệnh 'teo não' là do muỗi biến đổi gen

Nguyên nhân nào đã khiến cho loại virus tưởng chừng như vô hại (80% số người có virus không gặp triệu chứng) lại trở thành một dịch bệnh đe dọa sức khỏe con người trên toàn cầu? Nhiều nghi vấn đã đặt ra và Brazil hiện đang được coi là tâm điểm của dịch bệnh, bởi một công ty của Anh có trụ sở tại Mỹ đã sản xuất và... "thí nghiệm" muỗi biến đổi gen tại Brazil.

Muỗi vằn là thủ phạm lây truyền dịch bệnh Zika.

Tưởng là thành công hóa ra đại họa

Giống muỗi biến đổi gen có tên OX513A được sản xuất bởi Công ty Oxitec, một công ty sinh học của Anh có trụ sở tại Maryland, Hoa Kỳ. Tháng 7.2015, sau 1 thời gian ngắn thả muỗi biến đổi gen vào tự nhiên tại vùng Juazeiro - Brazil, Oxitec tự hào tuyên bố đã thành công trong việc loại trừ loài muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) - tác nhân gây dịch sốt xuất huyết và virus Zika, bằng cách giảm sự sinh sản của chúng lên tới 90%! Oxitec đã cho rằng, đây là một thành công ngoài mong đợi.

Nhưng rất trùng hợp, cũng tại thời điểm này, virus Zika bắt đầu bùng phát nhanh chóng tới mức không thể kiểm soát được. Tháng 5.2015, Brazil mới chỉ ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh bị tật đầu nhỏ đầu tiên, mà nay đã có ít nhất 4.000 báo cáo về các trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ.

Từ những dữ kiện trên, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm các nguyên nhân bùng phát dịch bệnh liên quan đến virus Zika, trong đó một nghi vấn lớn được đặt ra là có sự liên quan mật thiết tới việc phát tán muỗi biến đổi gen ra môi trường tại Brazil.

Trả giá đắt khi biến mình thành vật thí nghiệm

Các tài liệu cáo buộc Oxitec cẩu thả trong nghiên cứu và phát tán muỗi OX513A đã bị lãng quên từ những năm 2010, nay được lật lại và công bố rộng rãi.Vào tháng 7.2012, Oxitec lần đầu công bố họ hoàn thành và đưa vào hoạt động trang trại nuôi muỗi biến đổi gen quy mô lớn tại Brazil, với mục tiêu làm giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết. Điểm nổi bật nhất của loại muỗi biến đổi gen này, theo công bố, là khi chúng giao phối với muỗi Aedes Aegypti sẽ tạo ra lứa F1 chết trước khi trưởng thành. Từ đó, góp phần tiêu diệt loài muỗi gây bệnh.

Tuy nhiên, khi công bố thành công này, Oxitec đã lờ đi một nghiên cứu với kết quả rất đáng chú ý vào tháng 9.2010 của TS khoa học Ricarda Steinbrecher, khi ông chỉ ra rằng, tỉ lệ sống sót của muỗi thế hệ F1 lên tới 3-4%. Điều này có nghĩa là, với 100.000 con muỗi OX513A được phát tán ở Brazil sẽ có từ 3.000-4.000 muỗi trưởng thành mang mầm bệnh và tiếp tục sinh sản. Đáng chú ý nữa là chính tài liệu nội bộ của Oxitec bị rò rỉ vào năm 2012 thì tỉ lệ sống sót của muỗi biến đổi gen thế hệ F1 lên tới 15%. Thực tế trong phòng thí nghiệm của Oxitec 3% lứa F1 của muỗi biến đổi gene vẫn sống qua tuổi trưởng thành. Muỗi OX513A được nuôi bằng thịt gà công nghiệp, loại thịt có chứa kháng sinh tetracyline và điều này vô tình làm tỉ lệ sống sót sau trưởng thành của muỗi con lên tới 18%.

Việc tăng tỉ lệ sống sót của lứa F1 sau trưởng thành cũng đồng nghĩa với việc tăng số lượng muỗi cái biến đổi gen có thể sinh sản, làm tăng số lượng muỗi mà các nhà chức trách không thể kiểm soát được.

Người dân Brazil đã phải gánh chịu hậu quả khi có hơn 200.000 cá thể trứng muỗi biến đổi gene được nhập khẩu hàng tuần vào Brazil, kể từ đầu năm 2014. Đất nước Brazil đang phải dốc toàn lực để kiểm soát sự bùng nổ của virus Zika. Nếu thực sự giả thuyết về sự bùng nổ của virus Zika có liên quan tới việc phát tán muỗi biến đổi gen OX513A thì quốc gia này đang phải trả giá quá đắt khi trở thành vật thí nghiệm cho các tập đoàn công nghệ sinh học nước ngoài.

Khi mắc Zika, cơ thể thường sẽ không có triệu chứng gì. Và rất khó để chẩn đoán. Cứ 5 người mắc Zika thì chỉ 1 người có các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, mắt đỏ. Vì thế, 80% trường hợp thường không cần đến bệnh viện. Để kiểm tra cơ thể có nhiễm Zika hay chưa, cần gửi mẫu máu hoặc mô từ tuần đầu tiên nhiễm virus tới các phòng thí nghiệm được trang bị đủ phương tiện, giúp phát hiện Zika thông qua các xét nghiệm phân tử phức tạp. Những người gặp phải các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, chấm đỏ ở mắt trong thời gian đi du lịch hay trong vòng 2 tuần sau khi trở về nhà thì cần xét nghiệm máu.

Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: * Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

* Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

* Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

* Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

* Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

* Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Mỹ Latin bị ảnh hưởng bởi virus Zika, trong đó có Barbados, Bolivia, Guadeloupe, Guatemala, Puerto Rico và Panama. Theo các thông báo chính thức từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), phụ nữ mang thai không nên du lịch tới khoảng hơn 20 quốc gia, hầu hết nằm trong khu vực Mỹ Latin và Caribe - nơi bệnh tật đang bùng phát dữ dội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/thu-pham-gay-dich-benh-teo-nao-la-do-muoi-bien-doi-gen-514679.bld