Thống đốc NHNN: Công cụ dự trữ bắt buộc bị tê liệt

Theo Thống đốc, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản, công cụ dự trữ bắt buộc bị mất tác dụng.

Trả lời đại biểu Quốc hội về vai trò của công cụ dữ bắt buộc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đây là công cụ rất quan trọng trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công cụ này mất tác dụng vì tăng trưởng tín dụng quá nóng trong khi tỷ lệ dữ trữ bắt buộc lại quá thấp.

Cụ thể, khi lạm phát cao Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hút tiền về, biện pháp có thể sử dụng tới là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các tổ chức tín dụng. Nhưng thời gian qua, do hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản nên nếu Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế.

"Do vậy, công cụ này nếu nói nặng là bị tê liệt, nếu nói nhẹ thì cần phải có biện pháp để khôi phục lại thanh khoản hệ thống, sử dụng linh hoạt công cụ này trong thời gian tới", Thống đốc nói.

Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam phải duy trì trên tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước. Theo số liệu thống kê, từ tháng 5/2011 đến nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VND tại hầu hết các tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, NHTM nông thôn, ngân hàng hợp tác, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương) duy trì ở 3% với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng, 1% với tiền gửi trên 12 tháng.

Nguồn: GAFIN/SBV

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhận xét, thanh khoản của hệ thống "còn hết sức mỏng và bấp bênh". Trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam, hàng ngày thường xuyên có 50 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động vốn.

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/News/157204/thong-doc-nhnn-cong-cu-du-tru-bat-buoc-bi-te-liet.html