Thông điệp của Thống đốc về chính sách tiền tệ năm 2012

(NDHMoney) Ngoài những lĩnh vực ưu tiên, chúng tôi cũng có chính sách cho thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... một cách đầy đủ hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Trong năm 2012, nguồn tín dụng dành cho phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ được đẩy mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi trong lĩnh vực này.

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 21/11.

Thưa ông, xin ông cho biết việc điều hành chính sách tín dụng của NHNN trong những tháng cuối năm 2011?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2011, trong thời gian này, NHNN cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ tiếp tục có những hoạt động hết sức tích cực để góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, không chỉ của năm nay mà còn tạo đà cho phát triển kinh tế năm 2012.

Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng trên 10% so với cuối năm 2010; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 của toàn hệ thống khoảng 12% - 13%. Nếu kể cả những khoản đầu tư có bản chất tín dụng khác thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD đến 31/12/2011 sẽ đạt khoảng 15%.

Thưa Thống đốc, dự kiến trong năm 2012 tới đây, NHNN sẽ điều hành chính sách tăng trưởng tín dụng như thế nào và lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên khuyến khích cho vay cũng như lĩnh vực nào sẽ bị hạn chế cho vay?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Gần đây, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2012. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ ở mức từ 15 – 17%. NHNN sẽ điều hành các TCTD đạt được các mục tiêu đó, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát trong những năm tiếp theo nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế, phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế khoảng từ 6 - 6,5%.

Trong năm 2012, NHNN xác định những lĩnh vực được ưu tiên cho vay hàng đầu bao gồm:

Thứ nhất, phát triển nông nghiệp và nông thôn; đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất ở các vùng vừa bị thiên tai, bão lụt thời gian vừa qua;

Thứ hai là tập trung cho việc sản xuất hàng xuất khẩu;

Thứ ba là phục vụ cho công nghiệp phụ trợ;

Thứ tư là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là đảm bảo nguồn vốn lưu động cho loại hình doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ có quy định cụ thể hơn trong vấn đề cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất và các lĩnh vực không khuyến khích, xem xét lại nhu cầu vốn cho mua nhà ở của những người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng như vay vốn để xây dựng các nhà an sinh xã hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp. Đó là những lĩnh vực mà NHNN cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng chú trọng quan tâm trong phát triển tín dụng trong năm tới.

Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách nào để khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi trong những lĩnh vực này?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Theo Nghị Quyết Quốc hội thông qua, mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát vẫn là muc tiêu hàng đầu. Do vậy, hoạt động tiền tệ của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục chặt chẽ, ngoài những lĩnh vực ưu tiên trên chúng tôi cũng có chính sách cho thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... một cách đầy đủ hơn.

Ví dụ, trong nền kinh tế của một nước đang phát triển như Việt Nam thì thị trường kinh doanh bất động sản cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì từ tích cực có thể chuyển sang tiêu cực làm cho thị trường bất động sản phát triển quá mức, tạo ra những “bong bóng” gây rủi ro cho xã hội.

Nếu thị trường bất động sản đóng băng thì cũng có hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách nhìn thực tế để không làm cho bóng bóng bất động sản tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý.

Trong lĩnh vực tiêu dùng cũng vậy, chúng ta sản xuất ra một phần để xuất khẩu, một phần để tiêu dùng trong nước. Do vậy, nếu chúng ta không khuyến khích sẽ kìm hãm suất xuất ở mức nhất định nhưng khuyến khích quá, hơn cả phần tích lũy sẽ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng để có chính sách phù hợp hơn.

Ví dụ, thị trường bất động sản đã sản xuất ra nhiều căn hộ, nếu không tạo ra tín dụng tiêu dùng hợp lý thì việc mua bán các căn hộ này sẽ đình trệ, từ đó làm toàn bộ thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi sẽ có những bước đi phù hợp vừa ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng không để thị trường này đóng băng, ảnh hưởng tới phát triển của nền kinh tế.

Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường chi phí cao và món vay lại nhỏ. Vậy NHNN có những chính sách nào để khuyến khích các ngân hàng cũng như là hỗ trợ cho các ngân hàng thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ này?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trên thực tế, có thể khẳng định rằng, những lĩnh vực mà tôi vừa mới liệt kê là những lĩnh vực không phải có rủi ro cao mà những lĩnh vực đó đòi hỏi chi phí của hoạt động ngân hàng cao hơn vì đây thường là các khoản vay nhỏ lẻ và cán bộ ngân hàng phải đi đến tận các thôn xã của bà con nông dân.

Do vậy, vừa qua một số ngân hàng thương mại chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này. Nhưng qua thực tế trong vòng hai năm vừa qua, có thể khẳng định, cho vay trong các lĩnh vực này là những lĩnh vực rủi ro thấp nhất, lại luôn đảm bảo được sự ổn định.

Để giúp hệ thống ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực này, một mặt các ngân hàng thương mại phải tính toán dành vốn và chi phí nghiệp vụ thỏa đáng cho mục tiêu này để hạ dần lãi suất cho vay, một mặt NHNN sẽ có những chính sách phù hợp, ví dụ như đối với các ngân hàng hoạt động tích cực, có dư nợ lớn ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các đối tượng cần hỗ trợ, NHNN có thể có ưu tiên về mức dự trữ bắt buộc, hoặc sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các TCTD cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, cho vay tín dụng nông thôn của năm tới không những để đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh bình thường như trong thời gian qua của nông nghiệp và nông thôn mà còn hướng tới xây dựng các cơ sở chế biến lúa gạo, nông thổ sản, hải sản.

Chúng tôi cũng sẽ chú trọng tạo ra hệ thống kho vận một cách hợp lý để mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị gia tăng cao của sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là, chúng ta đang có chương trình xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới, hướng đến nâng cao quá trình cơ giới hóa cũng như áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và nông thôn.

Do vậy, hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng hướng vào những lĩnh vực đó để giúp cho bà con nông dân không những phát triển được sản xuất kinh doanh thông thường mà còn có thể nâng cao được năng suất trong thời gian tới.

NHNN sẽ lấy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trụ cột, đồng thời giao nhiệm vụ cho Ngân hàng này phải có dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn của năm 2012 chiếm từ 75 - 80% tổng dư nợ.

NHNN cũng khuyến khích tất cả các ngân hàng khác tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; quy định tất cả các TCTD khác ít nhất phải có dư nợ tương ứng với khoảng 20% tổng dư nợ của mình để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Những TCTD nào không có điều kiện đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì có thể chuyển số vốn tương ứng về cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Mặt bằng lãi suất huy động VND đã được đưa về mức 14%, trong khi đó, lãi suất cho vay là 17%. Vậy theo ông, có nên giảm tiếp lãi suất cho vay không? Nếu có thì dự kiến các biện pháp như thế nào?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trong năm 2011, nước ta đã có những nỗ lực hết sức to lớn. Về vĩ mô, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát. Bắt đầu từ tháng 8 trở lại đây, lạm phát có chiều hướng đi xuống. Đó là những dấu hiệu hết sức tích cực. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, lạm phát của Việt Nam vẫn đang còn ở mức độ khá cao.

Từ nay đến cuối năm, nước ta phấn đấu để giữ lạm phát ở khoảng 18 - 18,5%. Do vậy, trong thời gian từ tháng 8 trở lại đây, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã hết sức tích cực để đưa được lãi suất huy động đồng loạt ở mức không quá 14% và lãi suất cho vay ở mức 16 - 17%, hoặc 18% là phổ biến.

Việc tiếp tục giảm lãi suất là một nhu cầu tất yếu của nền kinh tế, nhưng phải được tiến hành trong bối cảnh kiểm soát được tốc độ tăng lạm phát. Với những dấu hiệu giảm lạm phát trong những tháng vừa qua và hy vọng rằng hai tháng cuối năm 2011, chỉ số giá cả cũng sẽ giữ ở mức thấp, dưới 1% 1 tháng, sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất vào khoảng cuối năm nay để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh vào đầu năm sau.

Xin cảm ơn Thống đốc!

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s26/-/journal_content/thong-%C4%91iep-cua-thong-%C4%91oc-ve-chinh-sach-tien-te-nam-2012