Thị trường chứng khoán Việt Nam: 10 năm hình thành và phát triển

(VEN) - Mười năm đánh dấu sự phát triển cho một thị trường phức tạp, một thể chế tài chính bậc cao của nền kinh tế thị trường, và cũng là quãng thời gian phù hợp nhất để nhìn nhận, đánh giá lại sự vận hành của thị trường nhằm đưa ra những giải pháp phát triển ổn định và bền vững, đúng với chức năng vốn có của nó là “kênh dẫn vốn cho nền kinh tế”.

Giai đoạn 2000-2005 được xem là giai đoạn khởi động của TTCK. Sự có mặt của Sàn GDCK TP.HCM không những đã khuấy động được không khí đầu tư trong công chúng mà còn góp phần tích lũy những kinh nghiệm ban đầu tạo đà cho việc ra đời Sàn GDCK Hà Nội vào ngày 8/3/2005. Trong giai đoạn này quy mô của thị trường còn nhỏ với giá trị vốn hóa nhỏ hơn 5% GDP. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của thị trường chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý của thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài của thị trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu đã làm ảnh hưởng đến hệ thống giao dịch, khả năng cập nhật thông tin, xử lý và dự báo của thị trường. (Nguồn: UBCK Nhà nước) Bước sang giai đoạn 2005-2009 được xem là giai đoạn tăng tốc của thị trường với sự tăng trưởng đột phá. Tỷ lệ vốn hóa/GDP vượt xa so với chiến lược phát triển của thị trường đến năm 2010 (ở mức 10-15% GDP). (Nguồn: UBCK Nhà nước) Với quy mô thị trường trong giai đoạn này số lượng công ty chứng khoán và người đầu tư cũng tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2000 với 6 công ty chứng khoán vốn điều lệ trung bình không quá 50 tỷ đồng thì đến cuối năm 2009 cả nước đã có 105 công ty chứng khoán vốn điều lệ trung bình 175 tỷ đồng, trong đó có những công ty vốn lớn trên 1.000 tỷ đồng như Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI) 1.533 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) 1.500 tỷ đồng… Trong giai đoạn này ngoài tăng trưởng, TTCK cũng đón nhận những sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác quản lý khi tháng 1/2007 Luật Chứng khoán có hiệu lực. Năm 2007 Trung tâm GDCK TP.HCM thực hiện chuyển đổi thành Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhằm tạo sự chủ động hơn trong công tác quản lý, góp phần thúc đẩy thị truờng phát triển. Năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng không ít do suy thoái kinh tế toàn cầu song khối lượng giao dịch bình quân tại HOSE vẫn đạt 13 triệu đơn vị/phiên, triển khai giao dịch trực tuyến, khớp lệnh liên tục góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch của thị trường. Bước sang năm 2009 với chủ trương kích cầu của Chính phủ và dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế vào những tháng cuối năm đã giúp cho thị trường khởi sắc trở lại. Tính đến cuối năm 2009 mức vốn hóa toàn thị trường đạt 620 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP. Có thể thấy những kết quả đạt được sau 10 năm TTCK hình thành và phát triển khá rõ nét song ngay trong những giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh nhất vẫn bộc lộ những hạn chế như tính thanh khoản của thị trường thấp dẫn đến mất cân đối cung cầu làm giá cả biến động thất thường. Sự tăng trưởng của thị trường chưa bắt nguồn từ động cơ tích cực khi nhà đầu tư còn chạy theo phong trào, thị trường thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn. Hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ cho hoạt động của thị trường còn nhiều hạn chế, khung pháp lý của thị trường còn nhiều bất cập khi mà Luật Chứng khoán đã ban hành song chưa đầy đủ ở một số hành vi như giao dịch khống, giao dịch tín dụng, giao dịch các sản phẩm phái sinh… Trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020 TTCK tiếp tục là kênh dẫn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Mục tiêu chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020 là phát triển về quy mô, chất lượng hoạt động, duy trì trật tự an toàn cho thị trường. Bên cạnh đó, chú trọng việc mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người đầu tư; nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập thị trường tài chính quốc tế. Về định hướng chiến lược, dự kiến năm 2015, quy mô vốn hóa thị trường đạt 65-70% GDP và đến năm 2020 quy mô vốn hóa thị trường đạt 90-100% GDP. Vơíđịnh hướng chung đó TTCK củng cố và hoàn thiện hoạt động đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh. Hay nói cách khác thị trường cần đạt chuẩn mực chung của một TTCK hiệu quả với độ tin cậy của số liệu thông tin trên thị trường; thị trường có tính thanh khoản cao góp phần hình thành giá cả hợp lý, năng lực các công ty chứng khoán đảm bảo sự tín nhiệm. Để phát triển mạnh TTCK thì cần đẩy mạnh việc cải cách, sắp xếp lại DNNN và tạo động lực cho các DN, các thành phần kinh tế huy động được các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn cho đầu tư phát triển qua TTCK.Đồng hành với sự phát triển của TTCK, các thị trường tiền tệ, thị trường hối đoái, TTCK phái sinh, thị trường bảo hiểm cũng cần được hoàn thiện về mặt thể chế để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ cho thị trường tài chính. Ngoài ra, thị trường và các thành viên cũng rất cần chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh./. PGS-TS Vũ Thị Minh Hằng - Ths Nguyễn Anh Tuấn Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/15125/seo/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-10-nam-hinh-thanh-va-phat-trien/language/vi-vn/default.aspx