Thế giới sắp có cuộc cách mạng công nghiệp mới?

Số hóa trong sản xuất sẽ làm thay đổi cách thức tạo ra sản phẩm, và còn nhiều hơn thế… Cuộc cách mạng này có thể làm thay đổi không chỉ thế giới kinh doanh mà còn rất nhiều lĩnh vực khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba

Cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 18 tại Anh với quá trình cơ khí hóa trong ngành công nghiệp dệt may. Các công việc từng được làm thủ công tại hàng trăm đơn vị sản xuất nhỏ lẻ của thợ thủ công đã tập trung lại thành một nhà máy dệt, khái niệm nhà máy cũng ra đời kể từ đó.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 khi Henry Ford nắm bắt được ý nghĩa của dây chuyền lắp ráp, mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt. Hai cuộc cách mạng công nghiệp này đã mang đến cho con người sự giàu có, cho xã hội một diện mạo mới nhờ quá trình đô thị hóa.

Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba đang được khởi động - một cuộc cách mạng mà ở đó, sản xuất dựa vào số hóa. Theo một báo cáo đặc biệt mới được công bố, cuộc cách mạng có thể làm thay đổi không chỉ thế giới kinh doanh mà còn rất nhiều lĩnh vực khác.

Hàng loạt các ứng dụng công nghệ hiện đại hơn xuất hiện như phần mềm thông minh, nguyên liệu tiên tiến, rô bốt tinh vi, quy trình sản xuất mới (tiêu biểu là máy in 3D) và một loạt các dịch vụ trực tuyến.

Trước kia, các nhà máy hoạt động dựa trên tiêu chí sản xuất với tốc độ nhanh chóng một lượng vô cùng lớn các sản phẩm giống nhau. Các nhà sản xuất trong tương lai sẽ tập trung vào định hướng khách hàng, đáp ứng yêu cầu cũng như thị hiếu của thị trường với sự đa dạng và phong phú của sản phẩm - mô hình có vẻ tương tự như thời của những người thợ thủ công với các xưởng sản xuất nhỏ lẻ hơn là dây chuyền lắp ráp của Ford.

Thời đại của công nghệ 3D

Để tạo ra sản phẩm, theo cách thức trước kia thì cần phải huy động rất nhiều bộ phận, lắp ghép chúng lại và hoàn thiện. Ngày nay, một sản phẩm có thể được thiết kế trên chiếc máy vi tính rồi "in" ra bằng máy in 3D - thiết bị có thể tạo ra những sản phẩm thực bằng việc đưa vào sử dụng các lớp nguyên liệu nhất định.

Việc thiết kế được thực hiện chỉ bằng vài click chuột. Máy in 3D có thể làm việc độc lập và tạo ra nhiều sản phẩm phức tạp mà phương thức sản xuất truyền thống khó có thể thực hiện. Những chiếc máy kỳ diệu này có thể làm được hầu hết mọi thứ, tại bất cứ đâu, trong garage hay tại một ngôi làng nhỏ ở châu Phi.

Ứng dụng của máy in 3D thực sự gây sửng sốt. Thiết bị trợ thính hay các bộ phận công nghệ cao của máy bay quân sự được tạo ra bằng máy in theo đúng yêu cầu của khách hàng. Mô hình của chuỗi cung ứng cũng từ đó mà sẽ thay đổi. Một kỹ sư làm việc giữa một hoang mạc hẻo lánh thiếu một dụng cụ nào đó có thể tải thiết kế đó một cách dễ dàng và in nó ra chứ không cần người chuyển đến. Và dường như tình cảnh các dự án phải dừng lại do thiếu một bộ phận linh kiện hay việc khách hàng kêu ca là họ không thể tìm ở đâu được phần sản phẩm bị mất để thay thế...đã xưa rồi với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba.

Những tiến bộ công nghệ khác cũng có những ý nghĩa rất quan trọng. Các nguyên liệu mới nhẹ hơn, chắc hơn và bền hơn sẽ được sử dụng để tạo ra sản phẩm. Carbon được thay thế cho thép và Aluminium để sản xuất từ máy bay cho đến xe đạp địa hình.

Kỹ thuật mới cho phép các kỹ sư tạo ra các sản phẩm với kích thước nhỏ một cách dễ dàng hơn. Công nghệ Nano đang tạo ra những sản phẩm với những tính năng bất ngờ như băng làm liền vết thương, những thiết bị hoạt động hiệu quả hơn, bát đĩa có thể lau rửa một cách dễ dàng hơn.

Và với ứng dụng của Internet trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thiết kế sáng tạo ra những sản phẩm mới, thì những rào cản dường như sẽ không còn tồn tại. Ford đã cần rất nhiều vốn đầu tư để xây dựng nhà máy River Rouge, tuy nhiên, trong tương lai các sản phẩm của Ford sẽ khởi nguồn từ ngay chiếc laptop, và vì thế sự sáng tạo được thỏa sức tung hoành.

Diện mạo mới của thế giới

Cũng giống như tất cả các cuộc cách mạng khác thì cuộc cách mạng công nghiệp này cũng sẽ có những mặt trái nhất định.

Công nghệ số đã thực sự làm rúng động ngành công nghiệp bán lẻ cũng như truyền thông, các nhà máy dệt đã loại bỏ sự hiện diện của những khung cửi và Model T đã khiến cho những người thợ đánh móng ngựa mất việc. Nhiều người sẽ không khỏi giật mình khi nhìn vào các nhà máy ở tương lai. Sẽ không còn hình ảnh những thiết bị máy móc bụi bẩn được những người công nhân trong những trang phục dính đầy dầu mở điều khiển. Hoặc chúng sẽ sạch sẽ, bóng loáng hoặc sẽ bị thải đi.

Hiện một số hãng ô tô đã có thể sản xuất với công suất gấp đôi so với một thập niên trước đó. Người lao động ở hầu hết các ngành nghề sẽ không phải làm việc tại các nhà máy mà là các văn phòng tràn ngập sự hiện diện của các nhà thiết kế, kỹ sư, chuyên gia IT, nhân viên Marketing... Lĩnh vực sản xuất trong tương lai sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.

Cuộc cách mạng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cách thức mà còn ảnh hưởng đến địa điểm tạo ra sản phẩm. Các nhà máy thường có xu hướng chuyển sang các quốc gia có nguồn lao động rẻ để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên hiện nay, chi phí lao động đang trở thành một khái niệm không quá quan trọng nữa. Chi phí lao động sản xuất cho một chiếc iPad 499 USD thế thệ đầu tiên chỉ là 33 USD trong đó khâu lắp ráp cuối cùng tại Trung Quốc chỉ mất 8 USD.

Các nhà sản xuất đang có xu hướng quay trở lại các nước giàu không phải bởi chi phí lao động tại Trung Quốc tăng mà bởi họ muốn gần khách hàng của mình hơn để có thể đáp ứng nhanh hơn và tốt hơn nhu cầu của các "thượng đế" khi thị hiếu thay đổi.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm phức tạp lại đòi hỏi người thiết kế và người sản xuất phải làm việc cùng nhau. Tập đoàn tư vấn Boston cho biết, tại một số lĩnh vực kinh doanh như giao thông, máy tính, chế tạo, khoảng 10-30% sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc có thể được sản xuất ngay tại Mỹ đến năm 2020 giúp sản lượng của nước này tăng khoảng 20-50 tỷ USD/ năm.

Vị trí nào cho chính phủ?

Khách hàng sẽ không gặp nhiều khó khăn để thích nghi với cuộc cách mạng mới. Tuy nhiên, chính phủ thì ngược lại. Bản chất của chính phủ là bảo vệ quyền lợi cho cho các công ty cũng như ngành công nghiệp đang tồn tại chứ không phải cải tiến để phá hủy chúng.

Chính phủ trợ cấp tiền cho các nhà máy cũ kỹ, lâu năm, lạc hậu để họ gượng dậy và ngăn chặn các doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài hoạt động. Chính phủ chi hàng tỷ USD để phát triển các công nghệ mới mà theo họ chúng sẽ thịnh hành trong tương lai. Và họ cứ chìm trong những suy nghĩ và ảo tưởng rằng, sản xuất sẽ chiếm ưu thế hơn so với dịch vụ, thậm chí cả lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, dường như điều đó là vô nghĩa bởi ngày nay, ranh giới giữa sản xuất và dịch vụ trở nên rất đỗi mong manh. Rolls-Royce đã không còn bán các động cơ phản lực mà họ bán thời gian mà mỗi động cơ hoạt động.

Chính phủ các nước dường như đã không thực sự sáng suốt trong việc nhận định đâu sẽ là xu thế của thời đại khi mà ngày nay các nhà kinh doanh và chuyên gia máy móc trao đổi các mẫu thiết kế trực tuyến, biến chúng thành các sản phẩm ngay tại nhà và quảng bá toàn cầu tại bất cứ đâu, thậm chí ngay cả tại garage ô tô.

Trước sự bùng nổ của những cuộc cách mạng, chính phủ các nước cần quan tâm và chú trọng nhiều đến việc đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, đưa ra các quy định rõ ràng và tạo ra những sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Và nhiệm vụ còn lại để dành cho các nhà đổi mới!

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2012-04-24-the-gioi-sap-co-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-moi-