Thấy gì từ các chính sách thu hút nhân tài ở một số địa phương

Chủ trương thu hút nhân tài là các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa các trường về công tác tại địa phương đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện. Dù chưa thật sự như mong muốn nhưng cách làm này cũng đã cho thấy nỗ lực rất lớn nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức.

Thực hành điều khiển điện tử hệ thống

Ngày 11/3/2009, UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 03/2009/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đề án, mục tiêu bổ sung nguồn cán bộ, công chức cấp xã phấn đấu đến năm 2011, có 100% số cán bộ khối Đảng, chính quyền chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, chính trị.

Đối tượng tuyển dụng là sinh viên người địa phương, chuyên ngành được đào tạo phù hợp hoặc tương đối phù hợp với chuyên môn của chức danh được tuyển dụng, không quá 30 tuổi, tự nguyện về công tác tại xã. Sinh viên đủ điều kiện được tuyển dụng bố trí công tác, ngoài chế độ tiền lương được hưởng theo quy định hiện hành đối với công chức dự bị, còn được ưu tiên trong tuyển dụng công chức; khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện, tỉnh; được trợ cấp 15% cho đủ 100% lương bậc 1, hệ số 2,34, ngạch chuyên viên (trong thời gian tập sự); được trợ cấp thu hút một lần 3 triệu đồng/người; được trợ cấp sinh hoạt phí ngoài tiền lương hiện hưởng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nhận công tác với mức 300 nghìn đồng/người/tháng; được hưởng chế độ BHXH, BHYT theo quy định hiện hành.

Trong năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành quy định chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở cấp xã, phường, thị trấn. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy (tuổi đời không quá 35) tình nguyện về công tác tại các xã, phường, thị trấn sẽ được tuyển dụng vào biên chế; hưởng 100% lương, công tác tốt được nâng lương trước thời hạn theo quy định hiện hành; được cử đi đào tạo, đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt.

Tin học luôn cần thiết đối với các tân cử nhân khi xin việc

Chiều 24/7, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đã ký Quyết định 1362 về việc ban hành danh mục các chuyên ngành còn thiếu nhân lực cần thu hút. Theo đó, những người tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi thuộc 9 chuyên ngành đào tạo (bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tài chính - kế toán, kinh tế đối ngoại, kinh tế công nghiệp, kinh tế du lịch, luật quốc tế, kỹ sư công nghệ thông tin, kiến trúc sư) sẽ được tuyển thẳng vào làm công chức viên chức tại các cơ quan nhà nước, được bố trí đúng chuyên ngành đã học và được hỗ trợ bảy triệu đồng/ người. Trường hợp bác sĩ, dược sĩ đại học có chính sách riêng.

Ở Hà Nội, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội cũng ký quyết định ban hành quy định về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Theo đó, ưu tiên tuyển dụng thẳng, không qua sơ tuyển vào cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học thủ khoa tại các cơ quan đào tạo trong nước và nước ngoài. Các đối tượng khác cũng được tuyển thẳng gồm sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học nước ngoài hoặc đại học công lập, hệ chính quy trong nước; người có bằng thạc sĩ (dưới 30 tuổi), tiến sĩ (dưới 35 tuổi) có chuyên ngành đào tạo thành phố đang cần vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia, huy chương vàng, huy chương bạc hoặc giải nhất, nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới. Với cán bộ, công chức thuộc diện tài năng trẻ, nhân lực chất lượng cao, Thành phố ưu tiên sử dụng bố trí, phân công công việc phù hợp; ưu tiên xem xét trong việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố. Đồng thời, thành phố cũng lập quỹ ưu đãi, khuyến khích, đào tạo tài năng.

Có thể nói những chính sách thu hút này đã tạo được sức hút đáng kể, ít nhiều các tỉnh, vùng miền khó khăn cũng đã có nguồn cán bộ y tế, giáo dục lấp chỗ trống và các sinh viên ra trường gắn bó với quê hương có điều kiện thể hiện. Nhưng không hẳn là những chính sách này đã tạo được hấp lực để giữ chân các tài năng trẻ về xây dựng quê hương. Chính sách thu hút nhân tài ở Hà Nội được thực hiện thời gian qua là minh chứng rõ nhất về việc này.

Sau 6 năm thực hiện việc tuyên dương, khen thưởng thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ và Hà Nội đã đề ra chính sách được coi là “trải thảm đỏ” thu hút những tài năng trẻ này về làm việc, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách được ví như cầu hiền tài. Nhưng đến năm 2008 cũng chỉ có 59/499 thủ khoa về với Hà Nội. Tại sao những chính sách này không “giữ chân” được các tài năng. Có thể dễ dàng nhận thấy là những chính sách này chưa đủ sức nặng để giữ chân họ.

Thực tế cho thấy đã là thủ khoa các trường thì cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến và chế độ đãi ngộ với họ luôn rộng mở. Trong khi đó về làm việc cho thành phố, thì môi trường làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước lại không giúp họ có điều kiện thể hiện tính năng động trong mỗi người. Chế độ tiền lương, lại cũng chỉ được hưởng mức lương giống như tất cả các công chức, viên chức khác với 1 năm tập sự và hưởng 85% lương. Còn đối với những người từ tỉnh ngoài thì lại vướng phải vấn đề chỗ ở. Thực tế cho thấy, với đồng lương công chức hiện nay, nếu lại phải thuê nhà thì cho dù có yêu và muốn cống hiến cho Hà Nội thì đây là điều không thể.

Khi các chính sách thu hút nhân tài thực sự chưa hấp dẫn, thì việc trở thành giảng viên đại học để tiếp tục học lên cao, du học nước ngoài, làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng và các tập đoàn tài chính cũng với những cơ hội thăng tiến tốt, thu nhập cao đang là lựa chọn của nhiều thủ khoa.

Hồng Hà

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/2009/08/1715408/