Tháng Tám giỗ Cha...

Ngày giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được người dân Việt ghi nhớ “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.

Cùng với Mẹ là Thánh mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ Đạo Mẫu, Trần Hưng Đạo từ vị Anh hùng dân tộc, chống ngoại xâm lúc sinh thời, đã trở thành hiển thánh, che chở, bảo trợ cho dân chúng... Đền thờ ông được lập ở nhiều nơi và tượng đài Trần Hưng Đạo được tôn trí ở Nam Định quê hương ông, Chí Linh – Hải Dương, Bến Bạch Đằng - TP HCM và mới đây là trên quần đảo Trường Sa.

Tôn vinh người Anh hùng

Theo sử sách, Trần Hưng Đạo là người có “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người”, và nhờ “được những người tài giỏi đến giảng dạy” mà ông sớm trở thành người “đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ”. Ông giữ quyền “tiết chế” để chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Theo Đại Việt sử ký toàn thư : Tháng 9 (1257), Trần Thái Tông xuống chiếu, lệnh cho Tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới phía Bắc theo sự tiết chế của Trần Quốc Tuấn".

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Trường Sa

Sau khi đánh lui được quân Nguyên Mông (1258), tháng Mười (âm lịch) năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần thứ hai, Trần Hưng Đạo được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh các lực lượng quân sự. Tháng Tám năm sau (1284), ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu.

Đầu năm 1285, tức 27 năm sau, quân Nguyên Mông lần thứ hai ào ạt tiến công xâm lược nước ta. Để bảo toàn lực lượng và thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống), Trần Hưng Đạo ra lệnh rút quân. Quân xâm lược vào Thăng Long rồi tiến xuống Thiên Trường (Nam Định) đuổi theo vua Trần. Vua Trần Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi ông xem có nên hàng không. Ông khảng khái trả lời "Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu tôi đã". Tháng 5 năm 1285, ông vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với các trận Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp... quân dân nhà Trần đã đánh tan đội quân Nguyên Mông, giải phóng đất nước.

Cuối năm 1287, quân Nguyên Mông sang xâm lược lần thứ ba. Trần Nhân Tông hỏi: "Năm nay đánh giặc thế nào?". Trần Hưng Đạo đáp: "Thế nước năm nay đánh giặc nhàn". Ông bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng, trực tiếp tổ chức chiến trường tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư năm Mậu Tý (1288). Thoát Hoan nghe tin đội quân thủy đã vỡ tan rồi, liền dẫn tàn quân tháo chạy, dọc đường bị quân dân Đại Việt đón đánh khiến "quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần". Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn chạy về nước.

Vậy là vó ngựa Nguyên Mông dày xéo từ Đông sang Tây đã ba lần phải ngã ngựa, đại bại trước hào khí Đông A, trước tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh giặc của vua tôi nhà Trần, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Trần Hưng Đạo. Đời sau có đôi câu đối ca ngợi nhà Trần:

Triệu Tống nhất hư khuynh Bắc địa

Nguyên Mông tam bại khiếp Nam thiên

Nghĩa là: Nhà Tống của họ Triệu chỉ một lần sơ sẩy mà mất cơ nghiệp vào tay quân Nguyên, làm nghiêng ngửa cả đất Bắc. Nguyên Mông ba lần đại bại nên khiếp sợ trời Nam, khiếp sợ quân dân Đại Việt.

Nhà Tống là một triều đại cai trị ở Trung Quốc từ năm 960 đến 1279, họ đã thành công trong việc thống nhất Trung Quốc trong thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, và là nhà nước đầu tiên trên thế giới phát hành ra tiền giấy, nhà nước Trung Quốc đầu tiên có lực lượng hải quân thường trực lâu dài. Họ cũng là triều đại chứng kiến việc lần đầu tiên sử dụng thuốc súng và sử dụng la bàn. Vậy mà nhà Tống sụp đổ bởi quân đội Mông Cổ của Hốt Tất Liệt vào năm 1279, triều đại Nguyên Mông (1271-1368) thay thế. Nguyên Mông tưởng như bách chiến, bách thắng mà cả ba lần mang đại quân sang xâm lược nước ta đều chuốc lấy thất bại nhục nhã. Sau này, Sứ nhà Nguyên sang Đại Việt nghe tiếng trống đồng mà khiếp sợ bạc cả tóc. Sử sách còn ghi, đời vua Trần Nhân Tôn (1291), Trần Lương Trung, sứ nhà Nguyên sang nước ta có bài thơ “Cảm sự” trong Sứ Giao Châu viết: Kim khoa ảnh lý đan tâm khổ/ Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh nghĩa là: Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng/ Tiếng trống đồng vang tóc bạc phơ.

Lễ tế ở Đền Kiếp Bạc, Hải Dương

Tháng Tư năm Kỷ Sửu (1289), luận công ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo được phong tước Hưng Đạo đại vương. Sau đó, ông lui về ở Vạn Kiếp. Nhân dân bấy giờ đã lập đền thờ sống (sinh từ) thờ ông. Tại đền có bài văn bia của vua Trần Thánh Tông, ví ông với Thượng phụ (tức Khương Tử Nha).

Tháng Sáu năm Canh Tý (1300), ông lâm bệnh và tạ thế ngày 20 tháng Tám, thọ khoảng 70 tuổi. Trước khi mất, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi về kế sách chống ngăn “giặc phương Bắc” ông căn dặn Trần Anh Tông, cũng là cháu ngoại của ông rằng: "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, thì giặc phải bị bắt. Khoan thư sức dân, đó là kế sâu rễ bền gốc". Tư tưởng vì dân, thương dân, một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất của Trần Hưng Đạo là bài học có giá trị cho muôn đời.

Vì thế, các triều đại đều có sắc phong ca ngợi ông. Thời hiện đại, tượng đài Trần Hưng Đạo được tôn trí ở nhiều nơi trên cả nước như TP Nam Định, Chí Linh - Hải Dương, Bến Bạch Đằng - TP HCM... và tháng 5/2012 hai bức tượng Trần Hưng Đạo bằng đá xanh và gốm Chu Đậu, theo nguyên mẫu tượng đài Nam Định, một tay tượng cầm Hịch tướng sĩ, một tay đặt vào đốc kiếm đã xây dựng tại đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa Lớn trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Vị hiển thánh anh linh

Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi, tiêu biểu như Đền Bảo Lộc -Nam Định; Đền Kiếp Bạc - Hải Dương; Đền Tân Phẩm - Thừa Thiên Huế; Đền Trần Thương - Hà Nam; Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở TP Hồ Chí Minh; Đền A Sào - Thái Bình; Điện Diên Hồng, Hải Dương; Đền Lai Hưng -Bình Dương... song nổi tiếng hơn cả là Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương). Đây là nơi ông lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ, gắn liền với chiến công lẫy lừng của quân và dân nhà Trần, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Lễ tế ở đền thờ Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh Ảnh: Phạm Ngọc Hiệp

Tam quan Đền Kiếp Bạc có bức đại tự “Vạn cổ thử giang san” – Non nước ấy ngàn thu, lấy từ bài thơ “Tòng giá hoàn kinh” của Trần Quang Khải và đôi câu đối hào hùng của Thám hoa Vũ Phạm Hàm:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Lục Đầu vô thủy bất thu thanh

Nghĩa là: Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì ngọn núi ấy đều mang kiếm khí/ Lục Đầu dòng nào mà chẳng mang tiếng quân reo...

Khu di tích Kiếp Bạc, nằm trong trong cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với thân thế sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Ức Trai Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam… Năm 2012, tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích và danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Dịp đại lễ mùa thu này, các đền thờ Trần Hưng Đạo trong cả nước đều tổ chức tế lễ và có nhiều hình thức tôn vinh, tri ân Đức Thánh Trần, nhưng trọng tâm vẫn là Đền Kiếp Bạc. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14/9 (tức ngày 10/8 âm lịch) tới ngày 24/9 (tức ngày 20/8 âm lịch) có Lễ cáo yết, Diễn xướng hầu thánh, Lễ khai ấn, Lễ rước bộ, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu… và có nội dung mới là Lễ cầu siêu tại sân đền Nguyễn Trãi.

Lễ hội truyền thống mùa Thu ở Côn Sơn-Kiếp Bạc là điểm hành hương vừa mang yếu tố tâm linh, vừa mang lại niềm tự hào về truyền thống dân tộc rất to lớn.

Vũ Duy Khuê

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/van-hoa/thang-tam-gio-cha-29256.html