Tết về trên quần đảo Trường Sa

Tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) những ngày cận tết, anh em chiến sĩ hải quân và người dân chuẩn bị đón tết đơn sơ và ấm cúng.

Gia đình anh Nguyễn Tấn Kiệt, đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa thắp hương bàn thờ trong dịp tết - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Với nhiều anh em cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa, Tết đã về từ nửa tháng trước khi những chuyến tàu "Mang tết ra Trường Sa" chở lá dong, gạo nếp và những cành mai, chậu cúc... cập đảo.

Với gia đình anh Nguyễn Tấn Kiệt, hộ dân trên đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây) mùa xuân về từ thùng hàng với dòng chữ “gởi em và mấy cháu ăn Tết”.

Thùng hàng này do người thân của anh ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) gởi ra theo tàu gồm bánh kẹo, cây thuốc, một ít nước quê kèm theo hai bộ áo quần trẻ em và phong bì đỏ chói lì xì cho hai con anh là cháu Nguyễn Hà Bảo Châu và Nguyễn Hà Bảo Uyên.

Đây là năm thứ ba gia đình anh Kiệt ăn Tết trên đảo. Anh Kiệt kể mọi năm cứ sáng mồng một thì mọi người trong xóm đều dậy sớm đi chùa thắp hương, sau đó lại về sân vận động trên đảo để nghe đảo trưởng chúc tết và lì xì cho các cháu. Đến giữa buổi thì ra xem bộ đội chơi kéo co, ca hát…

Ngày 28 tết, qua điện thoại anh cười kha khà bảo:

“Đã chuẩn bị xong hết rồi chú à. Tuy ăn tết ở đây không thể bằng đất liền vì còn nhiều thiếu thốn nhưng anh em ở đây sống chân tình nên mình cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ đất liền. Trên đảo vừa mổ mấy con lợn chia cho mọi người, mấy chú bộ đội cũng vừa biếu nhà tôi mấy cặp bánh chưng. Mỗi tội rượu là hơi thiếu thôi”.

Còn tại đảo Nam Yết, câu chuyện ăn tết râm ran bên nồi bánh chưng được nấu bằng lá dong, lá bàng vuông và lá dừa (đảo Nam Yết được mệnh danh là đảo dừa của quần đảo).

Trong cuộc thi gói bánh chưng bằng các chất liệu lá, các chiến sĩ trạm ra-đa 57 (Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không- Không quân) giành giải nhất với những chiếc bánh bằng lá dong gọn đẹp.

Dù vậy, ai cũng biết rằng mọi người đều mong đợi những chiếc bánh gói bằng lá dừa và lá bàng vuông, vì đó là bánh chưng mang “thương hiệu” Trường Sa, chỉ ở đây mới có.

Đại úy Nguyễn Minh Tiến, cán bộ trên đảo Nam Yết nói: “Bánh chưng bằng lá dừa, lá bàng vuông có mùi vị rất khó diễn tả, chỉ ở đây mới có. Nó có vị chát nhưng màu vẫn xanh.

Gói bánh chưng lá bàng vuông như một truyền thông dịp Tết đến xuân về. Nó còn có ý nghĩa nhắc nhở anh em biết ơn về ông bà, cha mẹ bởi theo quan niệm bánh chưng là biểu tượng của đất, còn những chiếc lá kia tượng trưng cho sự đùm bọc của cha mẹ với con cái”.

Qua báo Tuổi Trẻ, anh Tiến cũng gởi lời chúc đến mọi người qua câu đối “Phúc mãn nhân gian gia gia phúc/ Xuân hồi đại địa sở sở xuân”.

“Mùa xuân đến, cũng như anh em chiến sĩ mọi miền Tổ quốc, nơi đảo xa chúng tôi lúc nào cũng hướng về đất liền với tình cảm thiết tha nhất. Tôi chúc đồng bào cả nước và anh em chiến sĩ trên mọi mặt trận một năm mới nhiều thành công và hi vọng” - đại úy Tiến nói.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, đại tá Bùi Hải Phước, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 tận tay trao quà của Bộ cho anh em chiến sĩ trên các đảo.

“Những món quà vượt trùng khơi đến với anh em trên đảo cũng chính là những tình cảm được đồng bào cả nước gửi gắm trong năm mới. Mong anh em có một cái tết trọn vẹn và hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhớ rằng đất liền không bao giờ quên Trường Sa” - đó lời đại tá Bùi Hải Phước gởi đến anh em chiến sĩ trên đảo Đá Nam.

Quà tết từ xuồng đến với đảo Đá Thị - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Quà xuân của bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng cho các chiến sĩ trên đảo Đá Nam - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tết về từ nồi bánh chưng được gói bằng các chất liệu lá dong, lá bàng vuông, lá dừa ở đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cùng trang trí bàn thờ Tổ quốc ở đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa)) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

“Hái hoa dân chủ”, trò vui ngày tết của anh em chiến sĩ ở đảo Sơn Ca - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Vui xuân không quên nhiệm vụ, một chiến sĩ trên đảo Đá Nam đứng gác giữa nắng gió Trường Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

TRƯỜNG TRUNG - QUỐC NAM

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160206/tet-ve-tren-quan-dao-truong-sa/1049902.html