Tết Việt, nhắn ai giữ giùm những lãng quên!

Tết đến xuân về là thời điểm để mỗi con người thư giãn sau một năm lao động, họ lại cùng nhau tề tựu đông đủ trong không khí ấm cúng và chan hòa tình cảm.

Họ bày tỏ sự quan tâm và kể cho nhau nghe những vất vả lo toan của một năm, cùng nhau chúc tụng cho một năm mới với nhiều vận may mới. Điều đó đã phần nào phản ánh được bản sắc văn hóa của Việt Nam sâu nặng nghĩa tình.

Còn đối với những người Việt xa quê, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, thì họ cố tìm lại dư âm không khí Tết Việt bằng cách tự an ủi với chính mình và tự giải tỏa tâm lí, thư giãn trong mâm cơm.

Thèm nhớ Tết xưa. Ảnh minh họa

Bữa cơm thân mật càng tô đậm thêm tình cảm gia đình của người Việt - một truyền thống có tự ngàn đời.

Trong tôi, Tết đến xuân về lại gieo vào lòng những cảm giác lâng lâng khó tả. Tôi còn nhớ và thậm chí là nhớ rất rõ: khi tôi còn nhỏ, gần đến Tết, tôi rất nô nức và sung sướng vì mình sắp có áo đẹp quần mới, sắp có tiền lì xì.

Nếu trúng vào năm ấy, gia đình tôi có người đi làm ăn xa thì tôi lại càng hạnh phúc hơn vì mình lại được có quà, càng vui hơn khi bố mẹ và anh chị em trong nhà lại cũng có quà như tôi.

Tuy những món quà biếu ấy không có giá trị nhiều về mặt vật chất song lại rất là ý nghĩa và không thể thiếu; món quà ấy có thể là một tấm hoằng phi câu đối dâng lên tổ tiên, một hộp mứt, một chai rượu hay thậm chí là chỉ là một gói trà bình dị, nhỏ nhắn xinh xinh….

Tất cả đều thể hiện một tình cảm quan tâm lẫn nhau. Có thể, những người xa xứ không trực tiếp thăm hỏi nhưng thông qua món quà biếu ngày Tết càng thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.

Hơn nữa, khi vào Tết chính thức thì mọi người trong làng rồi cả bà con gần xa về chúc tụng. Kẻ mua hoa, người sắm hương đèn, bánh trái đến để báo công với ông bà tổ tiên.

Họ chung nhau sum vầy trong không khí chuẩn bị ngày Tết. Họ cùng vui đùa và quên đi mọi lo toan của cuộc sống đời thường, cùng kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn một năm đã qua, cùng chia sẻ và giúp nhau trong năm tới.

Đặc biệt, Tết còn là dịp để gia đình tôi bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau qua việc tổ chức họp mặt, thăm hỏi,…

Tuy nhiên, hiện nay, những nét đẹp đích thực của văn hóa Tết hầu như bị mai một. Sự xuất hiện những hiện tượng phi văn hóa đã phần nào đó đánh mất giá trị đích thực của văn hóa Tết, trong đó nổi lên là quà biếu ngày Tết.

Văn hóa Tết chỉ còn trơ trọi trong sự im lìm và chán nản. Nếu có thì chỉ thoang thoảng ở đâu đấy trong các làng quê thanh bình của Việt Nam. Đến khi giật mình cứ ngỡ…lùi xa!

Hà Kiều

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tet-viet-nhan-ai-giu-gium-nhung-lang-quen-d5875.html