Tàu chiến Trung Quốc ồ ạt đến vùng tranh chấp

Trong những ngày cuối năm 2012 đầu năm 2013, Trung Quốc liên tiếp có những động thái tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ trong tham vọng độc chiếm Biển Đông và trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.

Mở rộng đội tàu tuần tra, hải giám
Hôm 27/12, Trung Quốc đã đưa tàu Haixun 21 - một trong những chiếc tàu tuần tra lớn nhất được trang bị sân bay cho trực thăng của nước này ra Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một chiếc tàu tuần tra loại này được đưa vào phục vụ ở khu vực biển đang nóng bỏng bởi các cuộc tranh chấp này. Tàu Haixun 21 sẽ thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục An toàn Hàng hải Hải Nam.
Tàu tuần tra Haixun 21 có trọng tải 1.500 tấn và đã được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Con tàu này dài 93,2m với khoảng cách đi biển tối đa là 7.408km mà không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ tối đa của tàu Haixun 21 là 40,74km/giờ. Sân bay dành cho trực thăng được đặt ở phần đuôi tàu. Nó dài khoảng 21m và rộng 11m.
Theo ông Ruan Ruiwen, người đứng đầu Cục An ninh Hàng hải Hải Nam, “sự hiện diện của tàu Haixun 21 đã chấm dứt thời kỳ không có tàu tuần tra lớn nào xuất hiện trên Biển Đông”.
Trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc liên tục có các cuộc đối đầu với các nước láng giềng trong khu vực vì tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh liên tiếp có những hành động leo thang trong khu vực, khiến nhiều nước bất bình. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang tăng cường dùng các tàu tuần tra, tàu hải giám, tàu bán quân sự để gây khiêu khích ở những vùng biển tranh chấp. Việc Trung Quốc đưa một tàu tuần tra “khủng” vào hạm đội các tàu tuần tra, hải giám túc trực thường xuyên ở Biển Đông đã để lộ rõ thêm tham vọng quyết độc chiếm khu vực biển chiến lược của nước này
Tính đến tháng 5/2011, Trung Quốc có khoảng 300 tàu tuần tra biển, gồm 30 tàu có trọng tải trên 1.000 tấn, và 10 máy bay, bao gồm 4 trực thăng, để giám sát an ninh hàng hải.
Gần hai thập niên trở lại đây, nhằm mở rộng chiến lược năng lượng và tìm mọi cách để bành trướng trên biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh đội tàu tuần tra và hải giám. Thực chất đây là những phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự thực hiện các nhiệm vụ quấy nhiễu và xâm phạm vào vùng biển của các nước khác. Tàu tuần tra, hải giám của Trung Quốc thường được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc.
Ngoài các tàu mang tên tàu tuần tra, hải giám, Trung Quốc còn có các tàu khác giống hệt tàu dân sự nhưng thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát các vùng biển không thuộc về Trung Quốc.
Rầm rộ triển khai tàu chiến trên các vùng biển
Song song với các hoạt động mở rộng đội tàu tuần tra, hải giám làm các nhiệm vụ quấy nhiễu, ngăn cản tàu thuyền các nước khác ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc còn liên tiếp “tung” thêm những tàu chiến hiện đại vào các nhóm tàu triển khai trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mới đây, Trung Quốc vừa bàn giao thêm 2 tàu khu trục và 9 tàu hải quân mới nâng cấp cho hạm đội tuần dương của nước này với mục đích được tuyên bố là để “bảo vệ chủ quyền lãnh hải trong tranh chấp với Nhật Bản và một số quốc gia láng giềng khác”.
Trong hai con tàu khu trục mới nâng cấp cho hạm đội hải giám Trung Quốc, một chiếc sẽ được triển khai ở Biển Đông và một chiếc sẽ được triển khai ở biển Hoa Đông cùng với các tàu kéo, tàu phá băng và các tàu tuần dương khác. Không rõ đây có phải lần đầu tiên hạm đội hải giám Trung Quốc được trang bị tàu khu trục hay không.
Một trong những động thái đáng chú ý nhất trong thời gian qua là việc Trung Quốc triển khai một trong những tàu chiến hiện đại nhất ra Biển Đông. Đây được cho là một bước đi thể hiện sự hung hăng và quyết liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tờ China Times của Vùng lãnh thổ Đài Loan hôm 31/12 đưa tin, tàu chiến Liuzhou Type 054A đã được đưa vào biên chế của Hạm đội Nam Hải thuộc Lực lượng Hải quân Trung Quốc. Đây là tàu chiến 054 thứ sáu của Trung Quốc được triển khai ở khu vực.
Mặc dù tàu chiến Type 054A không phải là một thiết kế mới nhưng chiếc tàu chiến vừa được trang bị cho Hạm đội Nam Hải được cho là sở hữu những ưu thế về công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.
Liuzhou hiện tại đang được xem là một trong những chiếc tàu nổi chiến đấu Type 054A tối tân nhất. Các chuyên gia quân sự tin rằng, tàu chiến Type-054A được sao chép từ thiết kế của khinh hạm La Fayette của Pháp với những công nghệ hiện đại giúp nâng cao khả năng tàng hình. Hai bên mạn tàu được thiết kế dốc nghiêng khoảng 10 độ nhằm giảm mặt cắt radar theo chiều ngang, thân tàu được làm bằng những chất liệu có khả năng hấp thu sóng điện từ.
Được trang bị một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, chiến hạm Liuzhou có khả năng phá hủy những mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 50km. Con tàu này cũng được trang bị một loạt vũ khí tinh vi, trong đó có vũ khí chống tàu ngầm. Mặc dù chiến hạm Liuzhou không có sức mạnh bằng những chiếc tàu khu trục lớp Sovremenny do Nga sản xuất nhưng tàu Liuzhou vẫn là một tàu chiến đa năng trong hạm đội của Trung Quốc.
Vì Liuzhou được chỉ huy bởi Hạm đội Nam Hải đóng tại Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, các nhà phân tích tin rằng, nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lợi” của họ ở các khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam, Bruney và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Dù Trung Quốc gần đây liên tục rầm rộ “khoe” cũng như triển khai một loạt vũ khí mới nhằm gây sức ép đối với các đối thủ nhưng khả năng của các vũ khí Trung Quốc vẫn bị các chuyên gia quân sự hoài nghi. Ngay như chiếc tàu sân bay đầu tiên vừa được Trung Quốc triển khai ra biển cũng bị giới phân tích và chuyên gia quân sự đánh giá là không có khả năng chiến đấu dù Trung Quốc rất tự hào về con tàu này.
Nhiều loại vũ khí mới của Trung Quốc trông bề ngoài có vẻ hoành tráng, hào nhoáng nhưng những chuyên gia am hiểu về quân sự khẳng định, sức mạnh của vũ khí Trung Quốc còn thua xa Mỹ, Nga và thậm chí là cả Ấn Độ.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_542856/tau_chien_trung_quoc_o_at_den_vung_tranh_chap.html