Tập luyện với khối lượng bài tập thế nào cho phù hợp?

(TTVN Online) - Theo các nhà khoa học, trong lĩnh vực tập luyện thể thao củng cố và nâng cao sức khỏe, dựa trên khối lượng vận động và những ảnh hưởng của chúng đối với cơ thể, người ta chia thành: Các loại bài tập có khối lượng vận động trung bình, bài tập có khối lượng vận động trên trung bình và những bài tập có khối lượng vận động lớn. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, thể lực mà người tập có thể lựa chọn khối lượng bài tập phù hợp.

Phần lớn những người tập luyện thể thao với mục đích rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường lựa chọn những bài tập có khối lượng vận động trung bình. Những bài tập có khối lượng vận động trung bình là những bài tập có cường độ vận động vượt quá thói quen hoạt động cơ bình thường của con người. Theo các tính toán cho thấy, cường độ lao động trong nền sản xuất hiện đạt khoảng 2-3kcal/phút (số năng lượng cơ thể tiêu hao trong 1 phút), thấp hơn nhiều so với ngưỡng cường độ vận động đảm bảo hiệu quả phòng bệnh và củng cố sức khỏe là 7,5kcal/phút. Vai trò của các bài tập có cường độ vận động trung bình là bù đắp lượng thiếu hụt vận động (thiếu hụt tiêu hao năng lượng), đảm bảo hiệu quả củng cố và tăng cường sức khỏe cần thiết, nâng cao các khả năng chức năng của cơ thể. Theo các nhà khoa học, để bù cho sự thiếu hụt tiêu hao năng lượng, người tập phải thực hiện những bài tập nhằm phát triển sức bền chung của cơ thể như chạy Việt dã, đi bộ sức khỏe… với lượng vận động có thể tiêu hao khoảng 2000 kcal trong một tuần. Để đạt được lượng tiêu hao năng lượng này, người tập cần phải thực hiện các bài tập chạy 3 buổi/tuần, mỗi buổi 50-60 phút, tương đương khoảng 25km/tuần nếu tốc độ chạy đạt 9-10km/giờ. Đối với những người có trình độ rèn luyện tốt và đang ở độ tuổi còn sung sức (thanh niên, tuổi dưới 40), có thể lựa chọn các bài tập có lượng vận động trên trung bình. Khối lượng bài tập này là những bài tập góp phần củng cố, tăng cường sức khỏe và hiệu quả phòng bệnh tối đa. Theo các nhà y học TDTT, có thể tập chạy 3-4buổi/tuần, mỗi buổi 40-60 phút, tương đương 30-35km/tuần và không được quá 40km. Trong quá trình thực hiện các bài tập này, lượng tiêu thụ oxy tương đối lớn, nên đòi hỏi phải tăng cường hoạt động của các chức năng tim mạch, hô hấp, các quá trình trao đổi chất… Các loại bài tập có khối lượng vận động cao ví như chạy trên 20km/buổi, chạy maraton… là những loại bài tập có lượng vận động cực lớn, vượt quá ngưỡng sinh lý của con người, và nhằm phát triển sức bền chuyên môn. Những loại bài tập có khối lượng vận động lớn như thế này thích hợp với những người tập luyện thành tích cao. Còn đối với những người tập luyện thể thao để củng cố và nâng cao sức khỏe thì không nên áp dụng khối lượng bài tập này. Bởi nhiệm vụ của rèn luyện thể dục thể thao vì sức khỏe là củng cố sức khỏe và phát triển sức bền chung của cơ thể chứ không phải nhằm phát triển sức bền chuyên môn. Có thể nói, tập luyện với khối lượng bài tập thế nào cho phù hợp với đối tượng, sức khỏe và thể lực của mỗi người là điều mà người tập cần quan tâm.

Nguồn Thể Thao VN: http://www.thethaovietnam.com.vn/tin-tuc/the-thao-cuoc-song/benh-vien-the-thao/nen-lam-nen-tranh/2009-06/tap-luyen-voi-khoi-luong-bai-tap-the-nao-cho-phu-hop--11409.html