Tăng cường hiệu quả giám định tư pháp

QĐND- Sau 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước; đã thành lập Viện Pháp y Quốc gia và một số viện chuyên ngành. Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an tiếp tục phát triển là tổ chức đầu ngành đạt tiêu chuẩn khu vực, làm nòng cốt, cơ sở để kiện toàn các Phòng Kỹ thuật hình sự ở công an cấp tỉnh.

Về lực lượng, đội ngũ giám định viên tư pháp đã được tăng cường, tính đến tháng 9-2010, cả nước có 2.928 giám định viên, gần 400 người giám định tư pháp (GĐTP) theo vụ việc. Cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định cũng từng bước được chú trọng. Chính vì vậy, hoạt động giám định tư pháp đã đóng góp rất lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kết luận giám định đúng đắn, khách quan giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, tránh được oan sai; giám định tư pháp còn là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp còn góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu của xã hội về giám định ngoài hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, công tác GĐTP còn bộc lộ một số hạn chế. Hệ thống tổ chức GĐTP chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất của các tổ chức giám định, nhất là ở cấp tỉnh đa phần còn thiếu thốn, lạc hậu. Đội ngũ GĐTP còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Kết luận giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí làm cho việc giải quyết một số vụ án trọng điểm bị kéo dài. Công tác quản lý nhà nước về GĐTP còn nhiều bất cập. Những hạn chế, yếu kém của công tác GĐTP đang trở thành “điểm nghẽn” trong nhiều hoạt động tố tụng. Nguyên nhân chủ yếu những hạn chế, yếu kém nêu trên là do các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác GĐTP; việc triển khai và tổ chức thực hiện Pháp lệnh GĐTP chưa được quan tâm đầy đủ, nhiều quy trình, quy chuẩn, văn bản hướng dẫn Pháp lệnh GĐTP và nghị định số 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ chậm được ban hành; kinh phí và cơ chế tài chính dành cho công tác giám định chưa phù hợp; cơ quan đầu mối giúp chính phủ quản lý Nhà nước về GĐTP nói chung và GĐTP trong lĩnh vực chuyên ngành chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động GĐTP. Để góp phần tháo gỡ một số "điểm nghẽn" trong công tác GĐTP, ngày 25-10-2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1958/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động GĐTP. Chỉ thị nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, nắm rõ về số lượng và chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; lựa chọn, thu hút các chuyên gia giỏi để bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người làm GĐTP. Để khắc phục một bước tình trạng thiếu hụt giám định viên hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần có giải pháp thích hợp sử dụng những giám định viên đã nghỉ hưu theo chế độ, có trình độ chuyên môn cao, đủ sức khỏe và tự nguyện tiếp tục làm công tác giám định. Thủ tướng cũng yêu cầu trước 31-12-2010, phải công bố trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành và trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp danh sách các tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện GĐTP trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính-kế toán, khoa học kỹ thuật, văn hóa và các lĩnh vực khác để tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định khi có yêu cầu. Mặt khác, để tạo cơ sở pháp lý cao nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về tố tụng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật GĐTP trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành. Tất cả những giải pháp cấp bách nêu trên nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động GĐTP, đáp ứng yêu cầu của công tác tố tụng, tạo cơ sở để các cơ quan chức năng giải quyết các vụ án nhanh, đúng người, đúng tội, bảo đảm tính công minh của pháp luật. Giang Long

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/128320/Default.aspx