Tận mục cuộc sống 'trần trụi' ở Việt Nam thời tiền sử

Những hình ảnh sinh động này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng thể về cuộc sống thời tiền sử ở Việt Nam hàng vạn năm trước.

Mô hình hang động - nơi cư trú của cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là nơi cung cấp cái nhìn trực quan, rất sinh động về cuộc sống thời tiền sử ở Việt Nam.

Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn là hai nền văn hóa nối tiếp nhau thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới ở Việt Nam, có niên đại từ 8000 - 16.000 năm TCN, địa bàn phân bố chủ yếu trong ở miền Bắc.

Theo các nhà nghiên cứu, cư dân Hòa Bình - Bắc Sơn sống trong những hang động, mái đá cao ráo thoáng mát gần sông suối. Cửa hang thường quay về hướng Nam để tránh gió lạnh vào mùa đông... Hoạt động kinh tế chủ yếu vẫn là săn bắn, hái lượm bên cạnh một nền nông nghiệp trồng trọt sơ khai.

Đặc trưng của các nền văn hóa này là công cụ được chế tạo từ đá cuội với kỹ thuật ghè đẽo một mặt.

Các dụng cụ được chế tác từ đá rất phong phú như chày và cối, rìu ngắn, công cụ hình đĩa, công cụ hình hạnh nhân, rìu mài lưỡi và buộc ghép cán...

Với sự trợ giúp của các công cụ bằng đá, cư dân tiền sử thời kỳ này đã có thể chế tạo các vật dụng thô sơ bằng gỗ, tre.

Lửa là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống thời tiền sử, có vai trò sưởi ấm, chiếu sáng, nấu chín thức ăn, xua đuổi thú dữ.

Lửa có thể được tạo ra từ nhiều cách như đánh đá lửa, chà sát gỗ... và bắt lửa bằng bùi nhùi, rơm, các que gỗ nhỏ dễ cháy.

Các hang động của người tiền sử Hòa Bình - Bắc Sơn thường có chứa rất nhiều vỏ ốc.

Ốc là một nguồn thực phẩm bổ sung quan trọng được nhặt tại các sông suối gần hang. Vỏ ốc cũng được dùng làm đồ trang sức hoặc đồ vật trong các nghi lễ.

Về trang phục, cư dân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn chủ yếu ở trần, quấn khố làm bằng da thú hoặc vỏ cây. Họ cũng sử dụng các loại trang sức đeo cổ hoặc đeo tay, chân làm từ chất liệu thiên nhiên.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tan-muc-cuoc-song-tran-trui-o-viet-nam-thoi-tien-su-624689.html