Tâm sự của các bác sĩ trực cấp cứu ở BV Chợ Rẫy

Khoa Cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) được ví như khoa “đầu sóng ngọn gió” cứu người từ "cõi tử" về.

Về đêm, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy vẫn hoạt động không ngừng nghỉ.

Khoa Cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) được ví như khoa “đầu sóng ngọn gió”. “Ở đây, có những lúc mình đành phải gạt nước mắt vì đã cố gắng hết sức vẫn không cứu được, nhưng cũng vỡ òa trong sung sướng khi cứu sống được bệnh nhân” – Bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó trưởng Khoa cấp cứu bệnh viện nói.

“Cân não” ở khoa cấp cứu

Một đêm cuối năm, chúng tôi có dịp cùng trực với các bác sĩ ở khoa cấp này. Khi Sài Gòn đã chuyển dần sang ngày mới nhưng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên... không ai có được một phút rãnh rỗi.

Hơn 23h, tiếng còi hụ của xe cứu thương vang vọng từ phía xa rồi chỉ trong chốc lát có mặt tại trước cửa Khoa cấp cứu. Chiếc xe cứu thương mang biển số 62 (tỉnh Long An). Cánh cửa xe vừa mở ra cũng là lúc chiếc băng ca được đưa các điều dưỡng đưa vào ngay trước cửa xe. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt lên băng ca, cho lên bàn cân rồi chuyển thẳng vào phòng cấp cứu. Một bác sĩ, ba điều dưỡng nhanh chóng lau rửa vết thương rồi chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân người bê bết máu, đầu băng bó, không mở mắt và chỉ còn thở dốc...

Đó là anh Huỳnh Hữu Trí (SN 1993, ngụ TP Tân An, tỉnh Long An). Người nhà anh Trí cho hay, trên đường đi mua quần áo để đón Tết về anh Trí điều khiển xe máy chẳng may va chạm với một xe máy khác chạy ngược chiều. Cú va chạm mạnh khiến anh Trí bất tỉnh rồi nhanh chóng được đưa lên BV Chợ Rẫy cấp cứu. Ít phút sau khi sơ cứu, BS Ngô Lê Đại, Trưởng ca trực cho biết, anh Trí được chẩn đoán bị chấn thương sọ não, gãy xương hàm dưới do TNGT.

Chiếc xe cứu thương chở anh Trí vừa đi, chiếc taxi khác thế chỗ. Một bệnh nhân khác được chuyển vào. Đó là anh Hoàng Công Thùy (40 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Anh Thùy cho biết, lúc 19h30, anh đi xe ôm để về nhà. Trên đường đi người xe ôm né một xe phía trước khiến cả hai cùng bị ngã. Thấy chỉ tay chân xay sát nhẹ, đầu có trầy sơ, nghĩ không sao nên anh về nhà. Về được vài giờ đồng hồ, đầu anh ê ẩm, tai bất ngờ bị chảy máu nên lập tức người nhà đưa anh vào BV Chợ Rẫy để cấp cứu...

Bác sĩ Đại cho biết, vào khoảng thời gian ban đêm là lúc các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phải hoạt động hết công xuất vì về đêm thường tiếp nhận rất nhiều ca do TNGT cũng như nhiều trường hợp bệnh nặng.

Bác sĩ Đại đang khám cho bệnh nhân Huỳnh Hữu Trí do TNGT.

Bệnh viện là nhà

Trao đổi với chúng tôi, BS Đại cho rằng, Khoa Cấp cứu là khoa rất quan trọng, như “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện. Đây là nơi giành giật lấy mạng sống cho những nạn nhân. “Có những trường hợp nặng, nguy kịch, nếu ta không tỉnh táo, sơ sót trong chẩn đoán hay bỏ qua “giờ vàng” cứu chữa bệnh nhân thì rất đáng tiếc” – BS Đại nói. Theo lời BS Đại, đã chọn ngành y thì mục đích duy nhất là phục vụ và cứu chữa bệnh nhân. Có những ca rất thương tâm, nạn nhân bị TNGT khiến cơ thể không còn lành lặn, nếu đội ngũ y bác sĩ không có “tinh thần thép” thì rất khó cứu sống bệnh nhân. Hơn 13 năm vào làm tại Khoa cấp cứu của BV Chợ Rẫy không có năm nào ông về quê đón Tết. “Có về thì sau Tết xin nghỉ phép về mấy ngày chứ Tết vẫn làm 24/24” – BS Đại cười nói.

Bác sĩ Đại kể câu chuyện: “Cách đây khoảng 2 năm, BV tiếp nhận một ca TNGT rất thương tâm. Chiều hôm ấy, một bé gái khoảng 6 tuổi được mẹ và cậu chở đi ăn tiệc. Trên đường về, bé gái ngồi trước xe. Người cậu nhậu say quá, không ý thức được nên tông mạnh vào cột điện. Bé gái nhập viện trong tình trạng tình trạng chấn thương sọ não nặng. Tôi cùng đồng nghiệp hết sức cứu chữa nhưng bé không quá khỏi. Người cậu và mẹ chỉ bị xây xát nhẹ. Nếu người cậu không uống rượu bia thì bé gái đã không mất” – BS Đại nói.

Điều dưỡng đang chăm sóc cho bệnh nhân tại Khoa cấp cứu.

Tương tự, BS chuyên khoa 2 Trương Thế Hiệp, Phó trưởng Khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng Khoa cấp cứu là khoa “không bao giờ ngủ”. Phần lớn những ca được chuyển vào đây đều rất nặng. Các bác sĩ phải cố gắng hết sức dành lấy mạng sống cho bệnh nhân.

Trung bình mỗi ngày có 40 – 50 người nhập viện do TNGT

Theo bác sĩ Hiệp, để đảm bảo luôn kịp thời ứng cứu cho bệnh nhân, BV Chợ Rẫy đã bố trí 165 người hoạt động 24/24 tại Khoa Cấp cứu. Trong đó có 43 bác sĩ, 100 điều dưỡng cùng một số nhân viên khác. Trong số này sẽ chia làm 3 ca, 4 kíp thay phiên nhau liên tục làm việc. Trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân, trong đó có 40 – 50 trường hợp do TNGT gây ra. Trong số này, định tính cho thấy có khoảng 10 ca có sử dụng rượu bia.

Vào dịp Tết Nguyên đán, theo thống kê năm 2015, từ Mùng 1 đến Mùng 5 BV Chợ Rẫy có 498 người nhập viện do TNGT. Trong đó, có 365 ca bị chấn thương sọ não và tử vong 5 ca.

Bs Hiệp tâm sự, hơn 24 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng và làm tại Khoa Cấp cứu, ông đã dường như quen tay với guồng máy công việc hàng ngày. Những cảnh tượng bê bết máu hay thân thể nạn nhân bị biến dạng đã không còn là nỗi sợ hãi hay ám ảnh đối với bác sĩ. “Mình đã chọn nghề mình phải chấp nhận. Trước những hình ảnh ấy, nếu ta sợ thì làm sao cứu sống được cho bệnh nhân?” – bác sĩ Hiệp quả quyết.

Để vượt qua những điều ấy, đối với những người bình thường có thể sẽ rất khó khăn, nhưng với một người yêu nghề thì chuyện ấy “riếc rồi cũng quen”. BS chia sẻ, trước khi chính thức làm việc tại Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, ông đã có 2 năm thực tập ở đây. Vì hiểu được bản chất công việc nên trải qua thời gian thực tập cũng như chính thức làm việc ông đã không còn sợ hãi hay ám ảnh nhiều. Số tuổi nghề của bác sĩ có thể đã hơn tuổi đời của một sinh viên ngành y. Chính vì vậy số ca nhập viện vì TNGT do bác sĩ Hiệp cấp cứu là không thể đếm xuể. Ông lắc đầu lia lịa: “nhiều lắm, không nhớ nỗi”.

“Gánh trên vai tính mạng của người khác, tôi cũng như đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân. Có những lúc mình đành phải gạt nước mắt vì đã cố gắng hết sức, nhưng cũng vỡ òa trong sung sướng khi cứu sống được bệnh nhân” – bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Thế nhưng, khi hỏi có ca nào bác sĩ nhớ mãi không, ông gật cái rụp rồi kể liền một mạch: “Cách đây khoảng 3 năm, BV tiếp nhận một trường hợp khá đau lòng. Chiều hôm ấy, một bà mẹ chừng 35 tuổi đón con gái học lớp 6 đi học về. Trên đường đi chẳng may va chạm cùng một xe gắn máy. Đứa bé nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não quá nặng. Tôi cùng đồng nghiệp hết sức cứu chữa nhưng bé không quá khỏi. Lúc báo tin cho mẹ bé, bà ấy gào khóc. Tôi còn nhớ bà ấy gọi điện về nhà nói với một đứa con với nội dung: “Mẹ chở chị hai con đi học về bị xe tông mất rồi, giờ mẹ chở chị về với con”. Chứng kiến cảnh mẹ con chia ly ấy cùng với câu nói của người mẹ tôi không cầm được mắt. Giờ tôi vẫn chưa quên được”.

Về đêm, Khoa cấp cứu của BV Chợ Rẫy không ai có được một phút rãnh rỗi.

Tôi hỏi chuyện Tết năm nay thì BS Hiệp chia sẻ: “Bệnh viện với tôi như là nhà. Tôi đã đón Tết nhiều năm trong BV rồi. Cứu được bệnh nhân, giúp họ mau về ăn Tết là tôi vui rồi”. Nói về những khó khăn mà bác sĩ cũng như các cộng sự trải qua, bác sĩ Hiệp cho rằng rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là gặp một số trường hợp tệ nạn, nghiện hút, đâm chém, sử dụng chất kích thích... Những trường hợp ấy thường không tuân theo quy định của BV, do đó phải cần tới lực lượng bảo vệ và cơ quan chức năng.

1.

LINH HOÀNG

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tam-su-cua-cac-bac-si-truc-cap-cuu-o-bv-cho-ray-d136996.html