Tam nông là đề tài chiến lược của văn học

(Dân Việt) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đề tài lớn và lâu dài cho văn học nghệ thuật. Đây là cơ sở cho sự phối hợp giữa Hội Nhà văn VN và Bộ NNPTNT trong cuộc vận động sáng tác về tam nông thời gian qua.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh: NTNN trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội về cuộc vận động này. Là một người sáng tác, lại "phụ trách các nhà sáng tác", ông suy nghĩ gì về đề tài tam nông? - Tam nông luôn là mũi nhọn trong công cuộc hiện đại hóa. Nông nghiệp là an sinh xã hội, an toàn lương thực, thực phẩm. Nông thôn là địa bàn dân cư lớn, tiềm lực lao động lớn, là bầu khí quyển, là cái "túi thở" của chúng ta. Nông thôn là cái nôi văn hóa dân tộc, nơi nuôi dưỡng, giữ gìn tất cả những cái đẹp nhất, hồn cốt nhất của VN. Theo đánh giá của tôi, tam nông luôn là đề tài chiến lược của văn học nước ta. "Cánh đồng bất tận" và “Những truyện nông thôn” - các tác phẩm văn học gây tiếng vang về đề tài nông thôn, nông dân. Mục tiêu trong sự phối hợp của Hội Nhà văn VN và Bộ NNPTNT thực hiện các đề tài tam nông là gì? - Bộ và Hội ký chương trình nhằm giúp nhà văn, nhà thơ tiếp cận thực tế nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Đó là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XI, đưa văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực xã hội. Vì thế, không chỉ là chuyện đề tài, mà là vấn đề văn hóa, đưa văn hóa trở thành nền tảng xã hội, thành sức mạnh nội sinh của đất nước, đặt những vấn đề mới: Khích lệ, đề cao những giá trị tốt đẹp ở nông thôn, phản biện và tư vấn với Đảng, Nhà nước về các vấn đề lớn, nổi cộm ở nông thôn hiện nay. Nhà thơ Hữu Thỉnh. Đây là sự phối hợp dài lâu, không có thì người ta vẫn viết thôi, nhưng có thì có sự tổ chức, có điều kiện, có cầu nối cho anh em tiếp cận nông thôn mới hôm nay, có định hướng, có đầu tư, giải tỏa khó khăn để tác phẩm trúng hơn, có dư luận xã hội hơn. Theo ông, hướng về nông thôn để thể hiện trong các tác phẩm văn thơ, cần bám sát những đề tài gì? - Nông thôn giờ khác trước nhiều lắm! Có biết bao vấn đề quan trọng và thời sự mà tác giả không thâm nhập vào từng ngõ ngách thì không thể phát hiện. Vấn đề đất đai, vấn đề công nghiệp ở nông thôn, vấn đề thị trường, hàng hóa, các mối quan hệ xã hội, chuyện làm giàu, chuyện văn hóa, tình làng nghĩa xóm thời mở cửa... Đó là cả một trang mới mà không hiểu thì anh sẽ lúng túng ngay! Vậy để bước sang trang này, những người sáng tác cần phải có những chuẩn bị thế nào? - Trước hết phải có cử chỉ với trang cũ, là sự ghi nhận, tôn vinh các tác phẩm xứng đáng về nông thôn từ đổi mới đến nay. Chúng ta đã có nhiều tác giả với những tác phẩm gây tiếng vang, có tác động xã hội sâu sắc như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Hữu Phương... Sắp tới, Ban tổ chức cuộc vận động sẽ trao thưởng cho 10 tác giả tiểu thuyết, 7 tác giả truyện ngắn và 5 tác giả thơ. 22 tác giả sẽ được Bộ NNPTNT trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp NNPTNT". Tháng 7 tới sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT với các tác giả, Hội và Bộ sẽ tổ chức 5 đoàn đi thực tế ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Thái Bình, Quảng Ngãi... và khuyến khích tác giả tại các địa phương tham gia các đoàn. Sau đó là tạo điều kiện cho các tác giả sáng tác. Tác phẩm ra phải có hội thảo, tổng kết, đưa tác phẩm đến với công chúng. Nhưng hiện nay điều kiện để công chúng ở nông thôn tiếp cận với văn học còn hạn chế, vậy Hội Nhà văn đã tìm ra cách nào để cải thiện? - Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ củng cố hệ thống thư viện 4 cấp: Xã, huyện, tỉnh, T.Ư. Các cấp thư viện đó cần mua sách cho các tác giả. Ở xã phải có CLB, có thư viện với vai trò quan trọng của các cụ hưu trí. Sách phải trang bị cho cơ sở nhiều hơn, người đọc nay khác trước rồi, có nhu cầu cao và cần được tiếp cận nhiều tác phẩm văn học về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bên cạnh các loại sách khác. Xin cảm ơn ông! Hoàng Thi (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/45452p1c34/tam-nong-la-de-taichien-luoc-cua-van-hoc.htm