Tấm bia và huy chương

Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, năm 17 tuổi chị ném lựu đạn, giết chết tên cai tổng và bị bắt. Năm 1951, tòa án binh của thực dân Pháp mở phiên tòa kết án tử hình chị và đầy ra nhà tù Côn Đảo, chị bị xử bắn tại đó sáng sớm 23.2.1952.

Mộ chị Sáu và 3 tấm bia.

Từ năm 1975 đến nay, sau nhiều lần xây dựng, sửa chữa và tu bổ, nghĩa trang Hàng Dương cũng như ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu đã trở thành một không gian tâm linh, một địa chỉ hành hương của khách du lịch mỗi lần đến Côn Đảo.

Ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu có một chi tiết rất khác lạ, là có 3 tấm bia, 1 tấm bia mới và 2 tấm bia cũ. Mộ và tấm bia mới (vừa được chỉnh trang gần đây) xây theo lối tam cấp bằng đá hoa cương đen, phía đầu mộ có phù điêu chân dung chị Võ Thị Sáu bằng đá granite trắng. Trán bia có quốc huy, phía dưới bia có cờ Tổ quốc lồng vào cờ Đảng. Bia cũ thứ nhất nhỏ, đặt bên trái mộ, bằng xi măng, nội dung bia được khắc vạch giản dị, của những người bạn tù chính trị đặt lên mộ chị sau khi chôn. Bia cũ thứ hai bằng đá, đặt bên phải mộ do vợ chồng thiếu tá Tăng Tư (của chế độ cũ), Tỉnh trưởng tỉnh Côn Sơn đặt tại mộ năm 1964, bia khắc dòng chữ “Liệt nữ Võ Thị Sáu, sinh năm 1933, tại Bà Rịa, tử trận ngày 23.2.1952”.

Điều đặc biệt không chỉ là mộ của chị Sáu có 3 tấm bia, mà điều đặc biệt còn ở tấm bia thứ 2. Tinh thần dũng cảm của một người lính trẻ, của một người nữ, của một người cộng sản đã làm “động lòng” nhiều người, không cứ là những người đồng đội của chị, mà động lòng tất cả, trong đó có vợ chồng ông bà Tỉnh trưởng. Nhưng với vợ chồng ông bà Tăng Tư có lẽ vượt lên trên tất cả thì chính là lòng khoan dung. Đặt một tấm bia lên mộ của một người không thân thích, hơn nữa lại là người ở phía bên kia, một người cộng sản, một người đối lập với mình, trong khi ông Tăng Tư là thiếu tá, là Tỉnh trưởng, vào cái thời điểm 1964 ấy, chắc không dễ dàng gì, điều mà không phải ai ở vào cương vị của ông cũng có thể làm được.

Lòng khoan dung đã chiến thắng tất cả. Tôi nghĩ rằng, lúc đặt tấm bia lên mộ chị Võ Thị Sáu, ông cũng không còn quan tâm đến sinh mệnh chính trị của mình nữa. Lòng khoan dung là đạo lý, đạo người còn sự phải trái, sai đúng của “luật chơi” chẳng có ý nghĩa gì. Nếu như có một tấm huân chương về lòng khoan dung thì tôi muốn được gắn tấm huy chương ấy lên ngực áo của ông thiếu tá Tăng Tư.

Tôi cũng muốn có thêm một tấm huân chương nữa cho những người đã xây sửa ngôi mộ của chị Võ Thị Sáu. Cho dù đã xây mới, đã làm tấm bia mới to, đẹp bằng đá quý nhưng họ vẫn giữ lại hai bia cũ trong đó có bia của ông thiếu tá Tăng Tư. Họ đặt trang trọng ở đầu mộ và làm hộp bằng kính dầy úp lên vừa để bảo vệ vừa để mọi người vẫn có thể đọc được nội dung bia, lại còn kèm thêm một biển đồng chú thích rõ lai lịch của bia nữa.

Nếu không có lòng khoan dung, không biết cách lắng nghe và chấp nhận những điều khác mình, trái với mình, ngược với mình, đối lập với mình bằng một tinh thần nhân văn thì ngọn lửa của thù hận, thù nghịch sẽ thiêu đốt và hủy diệt chính chúng ta.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tam-bia-va-huy-chuong-516186.bld