Tại sao UBND xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An: Tùy tiện chặt phá cây của gia đình ông Danh?

Sáng ngày 15-4-2012, Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn Nguyễn Tất Hảo huy động gần 60 dân quân, an ninh ra chặt phá 152 cây bạch đàn có đường kính từ 0,3 - 30 cm của ông Nguyễn Văn Danh ở vùng đất cồn Cố Bàng. Chặt được cây nào, ông Chủ tịch cho người vận chuyển đi luôn. Ông Danh và nhiều người trong xã bàng hoàng không hiểu vì sao ông Chủ tịch xã lại tổ chức tàn phá, cướp cây của dân trắng trợn như vậy?...

Vùng đất cồn Cố Bàng xấu để hoang hóa. Thực hiện chủ trương khai hoang của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Danh làm đơn xin HTX được khai hoang phục hóa vùng đất này. Ngày 14-2-1993, ông Danh được HTX giao 1.000m2. Sau thời gian khai hoang, thấy đất này chỉ thích hợp trồng rừng ông Danh xin xã chuyển đất sang trồng cây lâm nghiệp. Sau khi kiểm tra cụ thể và theo ý kiến của ngành lâm nghiệp, ngày 10-7-1997, UBND xã Thượng Sơn do Chủ tịch Lê Thế Nhung kí đồng ý cho gia đình ông Danh trồng cây lâm nghiệp thời hạn sử dụng đất theo luật định, ông Danh rất phấn khởi về huy động vợ con tích cực trồng chăm nom cây. Từ vùng đất trọc, khô cằn sau 15 năm đã thành rừng cây. Chỉ cần khoảng 5 - 7 năm nữa có thu hoạch. Không ngờ ngày 16-1-2012, UBND xã mời ông ra họp với nội dung: “xử lí các hộ lấn chiếm đất, trồng cây trái pháp luật chưa tự giác thu hoạch”. Ông Nguyễn Văn Danh đề nghị: “Đất của tôi là HTX cho khai hoang phục hóa, được UBND xã cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp, gia đình không hề lấn chiếm. Bây giờ UBND xã muốn lấy phải có quyết định thu hồi, bồi thường cây cối đã trồng và sức lao động gia đình đổ ra mười mấy năm qua”. Từ đó đến khi ông Chủ tịch xã đưa người đến chặt phá cây của gia đình ông Nguyễn Văn Danh, chính quyền địa phương không có ý kiến gì.

Cây trồng của ông Nguyễn Văn Danh bị chặt phá thảm hại.

Là một cựu chiến binh, bệnh binh hạng 3/3 thấy UBND xã hành động thiếu hiểu biết pháp luật, xúc phạm người có công với nước, ông Nguyễn Văn Danh viết đơn tố cáo Chủ tịch xã Nguyễn Tất Hảo “cố ý phá hoại, cướp tài sản của công dân, vi phạm pháp luật” lên Đảng ủy, UBND xã và lên UBND huyện Đô Lương. Trước khi chặt phá rừng cây của gia đình ông Danh, ông Hảo không có văn bản nào nói ông Danh vi phạm. Nếu vi phạm Luật Đất đai, tại sao chính quyền không gọi lên xử lí? Cây cối của gia đình sau khi chặt xong, ông Chủ tịch cho người khuân đi nơi khác? Ông Danh cho đó là hành động ăn cướp.

Nhận được đơn, ngày 20-6-2012, Đảng ủy xã Thượng Sơn có Thông báo số 37-TB/ĐU kết luận giải quyết đơn tố cáo của ông Danh. Căn cứ vào khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003 thì thẩm quyền phê duyệt chuyển từ đất nông nghiệp sang đất lâm nghiệp phải là cấp huyện (cấp phường, xã không có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất), chứng tỏ Đảng ủy xã Thượng Sơn hiểu biết về Luật Đất đai còn hạn chế. Ông Danh xin chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp trước khi Luật Đất đai ra đời bảy năm. Lúc đó chưa có quy định huyện có thẩm quyền như Luật Đất đai sau này. Người dân chỉ biết chăm chú làm ăn, tại sao chính quyền địa phương không hướng dẫn công dân kê khai cho đúng khi Luật Đất đai ra đời? Số cây sau khi Chủ tịch UBND xã cho người chặt phá, thu đi đâu? Ông Danh yêu cầu phải bồi thường là đúng. Đảng ủy xã Thượng Sơn trả lời ông Danh, việc thu cây của ông UBND xã áp dụng theo khoản 1-7, Điều 107 Luật Đất đai lại càng sai. Chứng tỏ cán bộ địa phương áp dụng Luật Đất đai tùy tiện, trái luật.

Căn cứ vào điểm a, khoản 3 và khoản 5, Điều 8 tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3-12-2004 thì việc làm của UBND xã Thượng Sơn đã vi phạm luật nghiêm trọng. Đề nghị UBND huyện Đô Lương và UBND tỉnh Nghệ An nghiêm túc xem xét xử lí những cán bộ sai phạm, bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Nguyễn Công Danh.

Hoàng Vũ

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=8124&lang=vn&zone=7&zoneparent=0