Tác dụng của cây vối

Từ nhiều đời nay, cây vối được nhân dân ta, nhất là vùng nông thôn trồng để lấy lá, nụ đun nước uống hằng ngày. Theo đông y, lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Khi trong bữa ăn có nhiều đạm hoặc chất béo, người ta thường nấu một nồi nước vối thật đặc để uống cả ngày. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Lá, vỏ cây, nụ và rễ vối đều có thể dùng chữa bệnh. Nước lá và nụ vối có hoạt chất ức chế sự phát triển của một số vi trùng Gram âm và Gram dương. Hoạt chất này dễ tan trong nước nên chỉ cần pha nước sôi là được. Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Người ta có thể dùng lá vối để chữa bệnh gan (ví dụ chữa viêm gan, vàng da: dùng rễ 200g mỗi ngày, nấu sắc uống). Ngoài ra khi bị viêm da, lở, ngứa: Sắc lá vối lấy nước đặc để bôi. Vỏ cây vối có thể dùng để chữa bỏng: Vỏ cây vối cạo bỏ vỏ thô, rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước, bôi lên khắp chỗ bỏng. Thuốc sẽ làm giảm tiết dịch, hết phồng, dịu đau, hạn chế sự phát triển của vi trùng. Thu Hương (theo Cỏ cây chữa bệnh)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/21/21/105956/Default.aspx