Sung muối

TTO - Trong ký ức, mỗi lần nghĩ về bà là tôi lại nhớ tới những trưa hè nóng nực cùng bà ra bờ ao trước cổng, nơi có cây sung lớn ông trồng, giúp bà chọn những quả sung ngon nhất để làm món sung muối mà tới tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được mùi vị của nó. Sung muối - Ảnh: Ongxabeo

Ngày còn nhỏ bố mẹ bận đi làm suốt nên thường gửi tôi cho ông bà ngoại chăm sóc. Nhà ông bà ngoại tôi ở cuối làng nên cứ mỗi sáng trước khi đi làm mẹ lại dắt tôi tới nhà ông bà và tối thì đón về. Nhà ông bà có một cây sung lớn ngay bờ ao trước cổng nên mỗi lần đưa tôi sang mẹ vẫn thường nói: “Con nhớ nhá, khi nào thấy cây sung to nhất làng thì đó là nhà ông bà ngoại”... Tôi vẫn còn nhớ như in cứ đến mùa hè, khi cây sung lúc lỉu những quả xanh xanh, đỏ đỏ là món sung muối lại xuất hiện trong tất cả các bữa ăn bà nấu. Bọn trẻ con xóm đứa nào cũng ganh tị với tôi bởi bà làm món sung muối rất ngon. Mỗi khi thấy bà chuẩn bị muối sung, tôi lại lăng xăng bên cạnh xem bà làm hay giúp bà những việc lặt vặt. Cách muối sung không cần quá cầu kỳ, nguyên liệu cũng rất đơn giản, tuy nhiên nếu không cẩn thận ở khâu chọn sung và pha chế gia vị, vại sung muối sẽ rất dễ bị hỏng. Sung có tên khoa học là Ficus glomerata, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Trong dân gian, quả sung còn được gọi là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả... Quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư. Bên cạnh đó nó còn được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp... Bà nói sung được chọn để muối phải là loại sung nếp, quả nhỏ, có cùi dày, ruột mỏng, vỏ bóng, không bị sâu hay bị giập. Sung nếp được chọn cũng phải là loại sung già vỏ đã dần ngả sang màu vàng nhạt, chọn loại sung già ăn sẽ giòn hơn và đặc biệt là sung lâu bị chua. Sung muối có thể để cả quả hoặc bổ đôi. Muối cả quả mặc dù lâu được ăn hơn nhưng để lâu hơn là bổ đôi. Sung có tên khoa học là Ficus glomerata, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Trong dân gian, quả sung còn được gọi là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả... Quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư. Bên cạnh đó nó còn được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp... Sung sau khi rửa sạch và ngâm nước muối cho hết nhựa được bà trần qua nước sôi. Bà nói đấy là bí quyết giúp vại sung đỡ nổi váng. Mỗi lần muối sung bà thường chuẩn bị một cái vại lớn. Đầu tiên bà pha nước muối đổ vào vại, tiếp đến cho các loại gia vị gừng, tỏi, riềng, ớt thái nhỏ vào khuấy đều, để một lúc rồi cuối cùng mới cho sung vào. Bà thường dùng một chiếc vỉ bằng tre nhỏ chặn lên trên vại sung muối để những quả trên cùng không bị đen do không ngập nước. Vại sung bà muối thường một tuần là ăn được. Bà nói nếu muốn sung nhanh chua hơn thì cho muối mặn một chút. Nghe nói vậy nên cứ mỗi lần bà pha nước muối sung tôi hay kéo tay áo bà: “Bà ơi, cho thêm muối nữa đi, thêm muối nữa đi bà”... Bà nói một vại sung muối thành công phải không có váng, khi sung muối ăn được phải có màu hơi vàng. Sung muối khi ăn sẽ có vị chua, chát của sung hòa lẫn vị cay, thơm nồng của ớt, riềng, gừng và tỏi. Đặc biệt sung muối ăn ngon nhất là chấm với muối lạc hoặc muối vừng. Hai thức chấm ấy làm tăng sự đậm đà của món ăn dân dã mang hương vị đồng đất quê hương. Bà với những món ăn thôn quê đơn giản, bình dị đã in sâu vào tâm trí tôi. Đó sẽ là những ký ức đẹp nhất theo tôi suốt cuộc đời.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://dulich.tuoitre.vn/index.aspx?articleid=391803&channelid=218