Sưa là cây gì? Vì sao mắc tiền vậy?

Cơn sốt săn gỗ sưa đang gây điên đảo cả một vùng rừng quốc gia vốn thanh bình. Ngay cả mạt gỗ trong quá trình cưa bào sưa cũng được vét sạch và có giá như vàng. Sưa là thứ gì mà quý vậy?

>> Vụ gỗ sưa trăm tỷ: Súng vẫn nổ giữa rừng di sản
>> Giang hồ rình cướp gỗ sưa
>> Gỗ sưa quý cỡ nào?

Cây gỗ sưa. Nguồn: Báo Phapluattp

Sưa hay sưa Bắc Bộ, còn có tên là trắc thối, huê mộc vàng, huỳnh đàn, hoàng đàn, tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu. Sưa là cây gỗ nhỡ, lá thường xanh, có thể cao tới 10-15 m, thân màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Lá dài 9-20 cm; cuống không lông; lá kèm sớm rụng, nhỏ.

Hoa tự dạng chùy, mọc ở nách lá. Hoa trắng có đài hợp, thơm. Quả dạng quả đậu hình trứng thuôn dài, rộng khoảng 1 cm và chứa 1-2 hạt dạng bầu dục, đường kính khoảng 9 mm. Quả khi chín không tự nứt. Cành non màu xanh có đốm bì khổng màu trắng. Hoa ra tháng 4-7. Quả chín thu hoạch tháng 11-12.

Có hai loài sưa chính là: sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, đốt không có mùi. Nhưng giá trị gỗ không bằng sưa đỏ. Sưa đỏ trông gần giống sưa trắng, quả kết thành từng chùm, đốt lên có mùi thối.

Sinh thái học

Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở độ cao dưới 500m. Có khả năng tái sinh hạt tốt. Thân cây nhẵn, màu xám trắng, lúc nhỏ thân cây hơi cong queo. Đầu mùa xuân thay lá, hoa màu trắng rất đẹp. Gỗ trắc, thơm và có tỉ trọng nặng hơn gỗ bình thường. Vân gỗ đẹp, rất được ưa chuộng để làm đồ dùng phong thủy.

Phân bố

Chủ yếu phân bổ ở miền Bắc Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc.

Sử dụng

Gỗ sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối. Gỗ sưa chỉ dùng phần lõi những cây trên trăm tuổi. Gỗ sưa thớ mịn, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu.

Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng trắc thối để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ trắc thối có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy.

Do đặc điểm hoa trắng, có mùi thơm, tán rộng, nên người ta có thể trồng làm cảnh tại các đường phố.

Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì gỗ cây này còn được sử dụng cùng với dạ dày nhím làm vị chính trong đơn thuốc chữa bệnh đau dạ dày.

Hiện tại ở Trung Quốc người ta chiết xuất một số chất có trong gỗ Sưa này để chế thuốc chữa ung thư dạ dày. Hiện gỗ sưa ở Việt Nam đang được các thương lái Trung Quốc thu mua với giá cả rất cao.

Tình trạng

Hiện nay đang bị tận diệt khai thác. Theo IUCN thì cấp đe dọa của nó hiện nay là VU A1cd = sắp nguy cấp (năm đánh giá 1997).

Theo Việt Nam, gỗ sưa thuộc nhóm 1A là nhóm đặc biệt quý hiếm. Giá trị thương mại gỗ sưa hiện nay rất cao (theo một số phương tiện thông tin đại chúng thì giá sưa tính bằng tiền tỷ Việt Nam). Vì vậy việc bảo vệ cây gỗ sưa tại Việt Nam đang là một việc rất đáng lo ngại.

Hiện nay, nó là loài đang bị đe dọa do mất môi trường sống. Tại Việt Nam đã có người nhân giống được cây sưa góp phần giúp loài cây này tồn tại và phát triển.

Theo Wikipedia

Nguồn SaigonNews: http://saigonnews.vn/index.php/component/content/article/48050-sua-la-cay-gi-vi-sao-mac-tien-vay.html