Sơn màu tô tượng làm trẻ dị ứng, nhiễm độc

- Theo các chuyên gia, cách pha chế sơn màu tô tượng dành cho trẻ nhỏ bằng việc pha phẩm màu, sơn tường và nước lã là chưa hợp lý. Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ chơi trò này để đảm bảo sức khỏe.

Không được phép tự pha sơn tường thành sơn màu tô! Tại quầy hàng bán tượng sứ trên phố Hàng Mã (Hà Nội), chúng tôi được chị Hằng bán hàng kéo vào nhà trong để chỉ cách pha chế phẩm màu khi mua tượng sứ nhà chị. Theo đó, chỉ cần mua hộp phẩm màu bán tại phố Ngõ Gạch, chai Lavie sơn trắng tại các cửa hàng vật liệu xây dựng và nước lã là có thể pha chế ra màu sơn vừa rẻ lại không phải mua lại ở đâu cho đắt! Chị Hằng hướng dẫn: "Cho một hộp màu vào chai Lavie, trộn với 1/3 sơn trắng quét tường, thêm ít nước đến ngang bình và lắc đều. Pha theo độ đậm đặc thì cho thêm nước lã vào". Tại phố Ngõ Gạch, chị bán hàng giới thiệu cho chúng tôi biết mỗi hộp màu có giá 7.000đ. Có khoảng 15 màu, nhưng nếu kinh doanh chỉ cần mua khoảng 10 màu là đủ. Chị này cũng giới thiệu chúng tôi cách pha giống của chị Hằng. Quan sát cho thấy, hộp màu chỉ cao khoảng 7cm, trên các hộp màu không hề có chữ nào tiếng Việt mà toàn chữ Trung Quốc. Chị Nguyễn Nhật Minh (Xã Đàn, Hà Nội), thỉnh thoảng cho con đi tô tượng thì ngửi thấy sơn có mùi hôi thối khó chịu. Chị mang tượng về nhà khoảng 1 ngày sau đã có hiện tượng bong tróc ra. Trẻ nhỏ sẽ dị ứng, nhiễm độc kim loại... Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng Thí nghiệm bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Công nghệ Hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội), nguyên tắc sơn màu vẽ dành cho trẻ em không được pha với sơn tường. Vì sơn tường có chứa nhiều oxit kim loại nặng và độc hại như coban, niken, cadimi, chì... Sơn tường trắng có thể giảm các chất độc hại nhưng không phải là không có, nhất là các loại sơn không phải của hãng uy tín. "Khi tô tượng, da trẻ dễ tiếp xúc trực tiếp với sơn hoặc trẻ dễ nuốt phải sơn gây nên nguy cơ dị ứng hoặc các chất độc tích tụ lâu dài trong cơ thể", ông Dũng cho hay. PGS.TS Vũ Minh Đức, khoa Vật liệu Xây dựng (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, phẩm màu cũng cần phải được chú ý. Vì hầu hết các phẩm màu này đều là phẩm màu công nghiệp, chưa rõ nguồn gốc rõ ràng. Theo các chuyên gia, phẩm màu công nghiệp thường được chế từ màu hữu cơ mà chưa xác định có được phép dùng cho đồ chơi hay không. Thậm chí có những loại màu được pha chế thêm các hợp chất chứa polyme có gốc benzen nên rất độc cho sức khỏe con người, thậm chí có nguy cơ ung thư. Ngoài ra, màu công nghiệp cũng thường được chế xuất từ các oxit kim loại như oxit sắt để tạo màu đỏ, nâu; màu xanh từ oxit crôm... Các chuyên gia khuyến cáo, không cho trẻ tô tượng bằng loại sơn này. Tốt nhất nên dùng sơn có phẩm màu thực phẩm cùng keo thân thiện môi trường như hồ từ bột nếp... Hoặc nên dùng các kit màu có nguồn gốc xuất xứ và kiểm định của cơ quan chức năng cho trẻ vẽ. Không nên vẽ lâu, chạm trực tiếp vào màu, hạn chế ngửi hoặc cầm tượng màu, khi bị dây ra tay cần rửa sạch. Thu Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1994/201004/Son-mau-to-tuong-lam-tre-di-ung-nhiem-doc-1748423/