So sánh đề thi môn Toán 3 khối A - B - D

(VnMedia) - Tiến sỹ Trần Phương, PGĐ TT Hỗ trợ phát triển tài năng, người từng gây chú ý với dự án thử nghiệm dạy 5 học sinh lớp 6 giải đề thi Đại học 2007 chia sẻ nhận xét so sánh về đề thi môn Toán tuyển sinh ĐH 2011 ở 3 khối A - B - D.

>> "Môn Toán khoảng 42% dưới điểm trung bình" Lời giải Toán khối D của Hệ thống đào tạo CNTT Bách khoa Aptech và Bách khoa N-Power Lời giải Toán khối B của Trung tâm luyện thi đại học chất lượng cao Vĩnh Viễn - TP.HCM Nhìn chung đề thi Toán các khối A, B, D ra theo đúng định dạng chuẩn kiến thức của Bộ GD-ĐT ban hành. Đề khối B và D không có câu hỏi khó như câu V của khối A nên tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9, 10 cao hơn khối A. Mặc dù các câu hỏi khác có độ khó không khác nhiều so với khối A nhưng do rút kinh nghiệm đề thi khối A nên học sinh khối B, D có thể đạt điểm cao hơn ở các câu hỏi hình học, giải phương trình lượng giác và số phức. Vì thế tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới 5 khối B, D thấp hơn so với khối A. Điểm 7, 8 khối B, D nhiều hơn so với khối A. So sánh cụ thể các đề thi Toán cả 3 khối A, B, D như sau: Câu I luôn là câu hỏi về hàm số với I.1 là khảo sát hàm số và I.2 là câu hỏi phụ. Đề khối A và khối D có I.1 giống nhau ở định dạng khảo sát hàm số bậc nhất trên bậc nhất và I.2 là câu hỏi về tương giao đồ thị trong mặt phẳng tọa độ. Đề khối B câu I.1 là khảo sát hàm trùng phương và I.2 là câu hỏi về cực trị và khoảng cách. Mức độ ra đề cho cả 3 khối A, B, D là như nhau. Câu II.1 cả 3 đề đều là câu giải phương trình lượng giác với mức độ không khác nhau. Câu II.2 của khối A là giải hệ đối xứng loại 1 với phương pháp phân tích thành nhân tử. Câu II.2 của khối B là giải phương trình vô tỷ với phương pháp cơ bản là đặt ẩn phụ còn của khối D là giải phương trình lôgarit với phương pháp đưa về cùng 1 cơ số. Ở câu hỏi này đề khối A khó hơn một chút so với 2 khối B, D. Câu III là câu hỏi tích phân có thể nhận thấy ở câu hỏi này đề khối A dễ hơn đề khối B và khối D. Câu IV cả 3 đề đều giống nhau về câu hỏi thể tích và khoảng cách từ 1 điểm đến mặt phẳng. Phương pháp chung giải cho câu hỏi này không khác nhau nhưng đề khối D dễ hơn đề khối A và B. Câu V của khối A và B là 1 câu hỏi về tìm giá trị nhỏ nhất của hàm số. Câu hỏi này đều có thể giải bằng phương pháp đạo hàm nhưng đề khối A khó hơn rất nhiều so với đề khối B. Còn câu V khối D sử dụng phương pháp hàm số để tìm điều kiện để hệ phương trình có nghiệm. Câu VI.a; VI.b là 2 câu hỏi về hình giải tích trong mặt phẳng và không gian. Nhìn chung học sinh trung bình khá có thể kiếm điểm tối đa ở câu hỏi này. Câu hỏi VII.a; VII.b của 2 khối A, B là câu hỏi về số phức. Học sinh đặt Z=a+ib và sử dụng tính chất của số phức là có thể tìm được Z. Câu hỏi VII.b của khối D là câu hỏi cơ bản sử dụng đạo hàm và lập bảng biến thiên trên 1 đoạn để tìm giá trị nhỏ nhất của hàm số. Báo điện tử VnMedia

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/so_sanh_de_thi_mon_toan_3_khoi_a__b__d_451_232832.html