Tiểu thương phản đối xây chợ mới

Việc xây dựng chợ Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) mới theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) do một công ty tư nhân đảm nhận đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những tiểu thương kinh doanh lâu năm trong chợ.

Tiểu thương trong chợ Quỳnh Côi mong mỏi nguyện vọng của mình sẽ được xem xét. Ảnh: T.Q

Tiểu thương nói không phù hợp

Theo tìm hiểu, chợ Quỳnh Côi là chợ huyện của huyện Quỳnh Phụ, được xây dựng từ năm 1986. Hiện chợ có 367 hộ tiểu thương kinh doanh. Năm 2008, huyện có chủ trương xây dựng chợ mới. Sau đó, Công ty cổ phần thương mại Thành Đạt (TP Thái Bình) đã được chính quyền huyện chấp nhận chủ trương cho xây chợ mới theo hình thức BOT. Theo ông Nguyễn Khắc Thận, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, vào thời điểm đó, huyện đã họp hai lần với các tiểu thương để thông báo việc xây chợ mới, nhưng đều vấp phải sự phản đối. "Tuy nhiên, quan điểm của HĐND huyện, Huyện ủy là vẫn quyết tâm xây dựng. Đây là hình thức xã hội hóa để xây dựng chợ, còn dựa vào ngân sách của huyện thì không có nguồn" - ông Thận nói.

Ngày 17/2/2011, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình chợ Quỳnh Côi theo hình thức BOT. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần thương mại Thành Đạt. Theo quyết định phê duyệt, quy mô của chợ là loại I với 508 điểm kinh doanh trên diện tích sử dụng đất là 24.612 m2, trong đó, diện tích đang họp chợ là 16.638m2; diện tích mở rộng là 7.289 m2 và 684 m2 diện tích mương hiện có trong chợ cũ.

Dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ xây dựng trên diện tích trống của chợ cũ và phần đất mở rộng (phía sau chợ hiện có) với diện tích khoảng 14.683m2. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ chuyển toàn bộ số hộ đang họp tại chợ cũ sang vị trí mới, triển khai xây dựng ngay giai đoạn 2 với diện tích 9.928m2. Tổng nguồn vốn đầu tư vào thời điểm phê duyệt quyết định là hơn 48,4 tỷ đồng. Thời gian công ty khai thác là 30 năm kể từ khi hoàn thành công trình đi vào sử dụng.

Dự kiến chợ sẽ được xây dựng vào đầu tháng 12/2011, nhưng phương thức xây dựng trên đã vấp phải sự phản đối của các tiểu thương dù đã có nhiều cuộc họp giữa huyện với tiểu thương, tiểu thương với nhà đầu tư. Ngày 31/10, UBND tỉnh có quyết định giao đất cho Công ty Thành Đạt. Đến ngày 3/11, hàng trăm người dân đã kéo vào Huyện ủy đề nghị cho biết chủ trương xây dựng chợ. Tiếp đó, ngày 8/11, trong cả buổi sáng, chiều, hàng trăm người lại kéo vào UBND huyện. Họ cho biết đồng tình về chủ trương nhưng lo ngại rằng, nếu xây dựng chợ theo hình thức này, thì sau khi xây chợ xong, để được thuê một chỗ kinh doanh trong chợ, tiểu thương sẽ phải bỏ số tiền lớn, vượt quá khả năng của họ.

Chị Cao Thị Vui, một tiểu thương cho biết thu nhập của chị rất thấp, chồng chị cũng là dân lao động, lại phải nuôi 2 con ăn học. "Theo tôi được biết, thì giá thuê một ki - ốt thấp đã là 150 triệu/30 năm, cao phải 270 triệu/30 năm, thì với thu nhập thấp, làm sao tôi có thể lo được tiền mà thuê. Ngân hàng liệu cũng có dám cho tôi vay?", chị Vui nói.

Một tiểu thương khác là ông Nguyễn Công Thỏa cũng bày tỏ: "Tôi thấy giá thuê cao, không phù hợp. Ngoài ra, chợ xây với quy mô 3 tầng, khuôn viên rất lớn là không hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương".

Chính quyền bảo hợp lý

Dân muốn chính quyền cùng xây chợ

Chị Nguyễn Thị Nhàn, tiểu thương kinh doanh đồ dùng gia đình trong chợ Quỳnh Côi nói: "Chúng tôi không phản đối chủ trương xây dựng chợ, nhưng việc xây dựng chợ phải phù hợp với lòng dân, mang lại lợi ích cho dân. Chúng tôi phản đối việc chuyển nhượng cho công ty tư nhân".

Ý kiến của chị Nhàn cũng là nguyện vọng của đông đảo bà con tiểu thương. Họ mong muốn chính quyền huyện và người dân cùng "bắt tay" xây chợ. Huyện sẽ có quy hoạch tổng thể của chợ sao cho phù hợp với chợ nông thôn, còn người dân sẽ đóng góp tiền xây dựng để làm. Từng hộ gia đình sẽ tự bỏ tiền xây ki ốt theo bản mẫu, quy định của huyện. Còn nếu vẫn giao cho DN tư nhân làm, thì chỉ làm ở phần đất trống, mới (tức giai đoạn 1), không làm phần chợ cũ các hộ đang kinh doanh.

Theo UBND huyện Quỳnh Phụ, việc xây dựng chợ Quỳnh Côi là cần thiết, vì chợ được xây dựng từ năm 1986, hiện đã hết khấu hao và xuống cấp, môi trường xung quanh khu vực chợ bị ô nhiễm nghiêm trọng, kèm theo đó là nguy cơ cháy nổ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Ngoài ra, xây dựng chợ Quỳnh Côi là thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ huyện, HĐND huyện. Mặt khác, việc xây dựng chợ còn góp phần chỉnh trang thị trấn khang trang hơn, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, trật tự.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Thao cho biết: Trước phản ứng của các tiểu thương, huyện đã cho tạm dừng việc xây dựng chợ để làm công tác tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của việc xây dựng chợ mới.

Ông Đỗ Chí Lệ, Giám đốc công ty Thành Đạt cho biết trình tự lập các thủ tục đầu tư xây dựng chợ đã đúng theo quy định của nhà nước. Trái với ý kiến của các tiểu thương cho rằng giá thuê ki ốt như vậy là cao, thì ông Lệ cho rằng: "Dân kêu vậy thôi chứ giá không có gì là cao. Giá thuê cao nhất là 225 triệu đồng/ki ốt trong 30 năm; còn các ki ốt ở trong khuôn viên chợ khoảng 45-60 triệu đồng/ki ốt. Với giá như vậy, chúng tôi xây hộ dân thôi chứ không có lãi". Ông Lệ cho biết thêm, công ty sẽ ưu tiên những hộ đang kinh doanh tại chợ được kinh doanh tại vị trí cũ, không phải di dời, đồng thời được thuê với giá niêm yết, không phải đấu thầu.

Ông Lệ bày tỏ: "Chúng tôi nghe theo tiếng gọi thì về đầu tư, nhưng giờ dân không hiểu, sợ giao chợ cho tư nhân thì dân mất chợ; cho rằng giá nhà đầu tư đưa ra quá cao, dân không đáp ứng được, lại lo lắng việc cắt đất bán làm nhà ở. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến hợp lý của người dân là không nên xây chợ với quy mô quá lớn, không phù hợp với điều kiện thực tế". Ông khẳng định: công ty không bất chấp để xây dựng chợ mà phải có sự đồng thuận với dân, phù hợp với dân.

Trước vướng mắc từ sự phản đối của người dân, ông Lệ cho biết: Hướng giải quyết của công ty là sẽ chỉ xây dựng khu chợ mới ở phần đất mở rộng (phía sau chợ hiện có- giai đoạn 1), còn chợ cũ thì vẫn để nguyên cho các tiểu thương kinh doanh. Huyện đã chấp nhận phương án này. "Hiện chúng tôi đang làm thay đổi quy hoạch mặt bằng cho phù hợp với hướng xây dựng mới này"- ông nói.

Thục Quyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20111128112416557p0c1002/tieu-thuong-phan-doi-xay-cho-moi.htm