Quảng Nam: Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Sáng 2/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011). Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Học Viện Chính trị- Hành chính Khu vực III; Đại học Quảng Nam và các sở, ban, ngành trong tỉnh....

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Việc tổ chức cuộc Tọa đàm là một hoạt động chính trị thiết thực, góp phần tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011) gắn với kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2011). Đồng thời, thông qua Tọa đàm chúng ta có dịp hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, sự nghiệp cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức của Người; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin đối với Đảng, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường Chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng ta và dân tộc ta đã lựa chọn. Trong báo cáo đề dẫn, đồng chí Ngô Văn Hùng- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều học giả trong và ngoài nước tiếp cận, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, nhiều cuốn sách đã được xuất bản... Đặc biệt, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, đồng thời ra Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người trên phạm vi toàn thế giới. Nghị quyết của UNESCO đã đánh giá cao những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và sự phát triển của nhân loại. Những đóng góp quan trọng của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, cùng với đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người và đặc biệt là sự kiện Người rời Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911) đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bởi từ đây, Bác Hồ đã tiếp cận và truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác... Xuất phát từ tầm quan trọng và giá trị đó, thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Ngô Văn Hùng đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm cần làm rõ bối cảnh lịch sử, tình hình trong nước và quốc tế, những nhân tố ảnh hưởng và động cơ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ để thấy được quyết định của Người đã làm thay đổi vận mệnh của một dân tộc. Sau báo cáo đề dẫn, các đại biểu lần lượt được nghe đại diện Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực III, Đại học Quảng Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh... phát biểu. Theo đó, 10 chuyên đề lớn đã được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm, đó là: Mối quan hệ giữa yêu cầu khách quan và yếu tố chủ quan trong việc lựa chọn con đường cứu nước của Hồ Chí Minh đầu thế kỷ XX; Bác Hồ với sự nghiệp trồng người; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; một số vấn đề về mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Nam; lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- "Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; học Bác "giữ vững ngòi bút" trong bối cảnh hội nhập; Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Bác Hồ với nông dân Việt Nam; Bác Hồ chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạnh cho đời sau./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=462437&co_id=30071