Quản lý và tổ chức lễ hội: Gìn giữ nét đẹp cho mai sau

Mỗi năm, nước ta có hơn 7.000 lễ hội dân gian, chưa kể lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài. Hà Nội, ngoài đô thị lõi còn có Xứ Đoài và một phần Sơn Nam thượng với rất nhiều lễ hội giàu bản sắc. Quản lý và tổ chức lễ hội thế nào để bảo đảm chặt chẽ mà vẫn hấp dẫn và phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa là vấn đề đặt ra từ nhiều năm qua…

Phần không thể thiếu của đời sống

Lễ hội là sự kiện văn hóa để tưởng nhớ, tri ân công đức tiền nhân, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã và rộng hơn là của quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một đất nước của lễ hội và lễ hội góp phần làm nên giá trị văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, nền tảng văn hóa, tinh thần nhân văn của lễ hội đã và đang bị phá vỡ bởi những hành vi phản văn hóa.

Kéo dài trong 3 tháng song nhờ làm tốt công tác tổ chức, quản lý, Lễ hội Chùa Hương vẫn bảo đảm văn minh, trật tự và nét đẹp vốn có. Ảnh: Thanh Tùng

Là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ đạo của người Việt, lễ hội dân gian phản ánh tâm thức, nỗi niềm của cư dân nông nghiệp “mong cho mưa thuận, gió hòa”. Mặt khác, lễ hội là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư, cũng là hình thức giáo dục để các thế hệ sau giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc... Lễ hội thường gắn với những di tích, truyền kỳ, những bậc tiên liệt bất tử trong tâm thức nhân gian, do vậy chứa đựng những trầm tích văn hóa của mỗi vùng đất và phản ánh tâm thức của mỗi cộng đồng dân cư. Tâm thức ấy tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người và lễ hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nước Việt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đến lễ hội với tâm đức thánh thiện, với nguyện ước tâm linh và hiểu đúng về lễ hội. Nhiều người “đi hội” vì tò mò, vì tâm lý đám đông, thậm chí mưu cầu lợi lộc. Sự thiêng liêng không còn đủ sức để thúc ước thái độ, để kiềm chế hành vi. Những “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để cướp cho được hoa tre ở Hội Gióng, chen lấn xô đẩy để “xin” ấn bằng được ở lễ hội Đền Trần, lợi dụng uy danh thánh thần để phá hoại tài sản ở hội làng Xuân Đỉnh… đang phá vỡ những khế ước tốt đẹp của cộng đồng kết tinh trong lễ hội… Và thậm chí người ta bất chấp tất cả, trộm cắp, “chặt chém”, buôn bán thực phẩm “bẩn” nơi đất Phật cửa Thiền. Đương nhiên, không phải lễ hội nào cũng ám ảnh khách “hành hương” bởi những hình ảnh dung tục phản cảm, nhưng rõ ràng phong tục tốt đẹp trong lễ hội đang phai nhạt và đây thật sự là điều đáng lo ngại.

Theo một thống kê, mỗi năm nước ta có tới hơn 7.000 lễ hội dân gian, chưa kể lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài. Hà Nội ngoài đô thị lõi, còn có Xứ Đoài và một phần Sơn Nam thượng có tới hơn 1.000 lễ hội dân gian. Làm thế nào để mỗi lễ hội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, để những di tích, huyền tích, truyền kỳ lan tỏa sức cuốn hút cùng không gian lễ hội - trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách bốn phương? Rất nhiều giải pháp đưa ra, nhưng câu chuyện về vai trò của chủ thể lễ hội - người tham gia lễ hội và nhà tổ chức vẫn loanh quanh các diễn đàn. Và quản lý nhà nước về lễ hội dường như vẫn thiếu những giải pháp thấu đáo.

Phát huy tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội

Coi lễ hội là một phần hồn cốt tạo nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội và ở khía cạnh khác là tiềm lực của Thủ đô, nhiều năm qua, Hà Nội dành nhiều tâm sức cho việc đưa các hoạt động lễ hội vào nền nếp. Thế nhưng, công bằng mà nói, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ không ít vấn đề: Việc quản lý và tổ chức lễ hội chưa thật sự chặt chẽ. Không ít điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội diễn ra tình trạng quá tải, có biểu hiện phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội còn nhiều bất cập. Tình trạng đốt nhiều vàng mã, trang phục không phù hợp nơi thờ tự, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định còn phổ biến…

Vấn nạn chen lấn, xô đẩy tại lễ hội Đền Trần (Nam Định) nhiều năm chưa được giải quyết.

Để chấn chỉnh công tác tổ chức, đồng thời phát huy giá trị đích thực của lễ hội trong đời sống cộng đồng, ngày 5-2-2015, Ban Bí thư Trung ương có Chỉ thị số 41-CT/TW về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, các bộ, ban, ngành có những chuyển biến tích cực. Đơn cử, Bộ Văn hóa - Thể thao đã có Chỉ thị 04/CT-BVHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016; trong đó, “vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội”. Đặc biệt, ngày 12-1-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 03-CTTU về việc Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy về công tác quản lý và tổ chức lễ hội… Đồng thời, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với thuần phong mỹ tục, có ý nghĩa giáo dục cao và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội...

Cùng với quá trình này, hàng loạt giải pháp được đặt ra như rà soát, điều chỉnh giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; đồng thời, quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, xử lý nghiêm hành vi lưu hành những ấn phẩm văn hóa trái phép, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật trong lễ hội; khắc phục tình trạng phô trương hình thức, lãng phí, tốn kém và thương mại hóa... Cùng với Chỉ thị của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện và các sở, ngành, địa phương đã có những giải pháp mạnh mẽ. Sở Văn hóa - Thể thao đã yêu cầu bỏ lễ hội chọi trâu Phúc Thọ.

Lễ hội sinh ra từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của con người. Quản lý lễ hội mà vẫn tạo sự hấp dẫn, vẫn giữ được các nguyên tắc thẩm mỹ phù hợp với cộng đồng là tất yếu nhưng mặt khác, những lễ hội hoặc yếu tố lễ hội không còn phù hợp với đời sống và các giá trị đời sống hiện đại thì phải loại bỏ cũng là tất yếu. Những quy định của Trung ương, thành phố vừa là gợi mở, định hướng vừa là yêu cầu phù hợp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay. Mùa lễ hội đang đến gần, việc cần làm của mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức là thực hiện thật tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, để mỗi người dân được thưởng thức một mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn. Đó cũng chính là cách để gìn giữ mãi mãi nét đẹp văn hóa truyền thống cho mai sau.

Thế Nguyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/824187/quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-gin-giu-net-dep-cho-mai-sau