Phương Tây sắp tăng trừng phạt: Triều Tiên có sợ?

Sau mỗi lần Triền Tiên phóng tên lửa, Phương Tây đều thường ban hành những lệnh trừng phạt ngay sau đó, nhưng hiệu quả có như kỳ vọng?

Ngày 7/2, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier của Đức - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã lên tiếng chỉ trích vụ phóng tên tên lửa của Triều Tiên vào sáng cùng ngày.

Ngoại trưởng Steinmeier nói: Vụ phóng tên lửa này là hành động khiêu khích vô trách nhiệm, phớt lờ mọi nghị quyết ràng buộc về pháp lý của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một lần nữa gây nguy hiểm cho an ninh khu vực".

Ông cũng cho rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những hậu quả rõ ràng cho hành động thách thức công khai với cộng đồng thế giới như vậy.

Nói cách khác là Phương Tây sẽ chuẩn bị ban hành một lệnh trừng phạt mới dành cho Triều Tiên. Tuy nhiên câu hỏi không ít lần được đặt ra là: Liệu các lệnh trừng phạt Triều Tiên có thực sự đem lại hiệu quả như phương Tây kỳ vọng?

Ông Kim Jong-Un theo dõi vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-4. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Bởi lẽ, ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính phủ Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng quan điểm là chỉ có sự tương xứng về sức mạnh quân sự mới có thể đối phó được với chính sách thù địch từ Mỹ cũng như Hàn Quốc.

Vì vậy, sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2003, Triều Tiên đã liên tục tiến hành từ các vụ phóng thử tên lửa cho tới thử nghiệm hạt nhân.

Rõ ràng, các hành động này của Bình Nhưỡng cũng đã tạo ra được sức nặng đáng kể trong các cuộc mặc cả với phương Tây. Không ít lần, Bình Nhưỡng đã buộc được Washington phải xuống thang, cho dù những chuyển biến này mới chỉ dừng lại ở mức rất nhẹ.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa

Trong khi đó, về phía phương Tây, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác luôn cho rằng Triều Tiên không có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, bất kể nước này có tham gia NPT hay không. Phương Tây tuyên bố chỉ ký Hiệp định hòa bình với Bình Nhưỡng khi Triều Tiên ngừng hoàn toàn chương trình hạt nhân.

Chính sách của các chính quyền B.Clinton, G.Bush rồi đến B.Obama cũng đều chỉ hướng tới việc buộc chính phủ Triều Tiên phải hủy bỏ hoàn toàn chương trình này. Ngay cả những chương trình viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cũng luôn được Washington gắn với câu chuyện vũ khí hạt nhân như một thứ điều kiện đi kèm.

Bên cạnh việc đặt ra các điều kiện tiên quyết, phương Tây cũng luôn lấy các lệnh trừng phạt để ép buộc Bình Nhưỡng. Các nghị quyết 1718, 1874 và 2087 cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Tuy nhiên phương Tây quên mất rằng, với một nước đã quá quen với các lệnh trừng phạt như Triều Tiên, thì việc có thêm một vài điều khoản siết chặt cấm vận cũng không thể buộc được nước này từ bỏ quyết tâm.

Đối với các thế hệ ban lãnh đạo luôn lấy chính sách “tiên quân” làm trọng, các lệnh trừng phạt có lẽ cũng chỉ là những thiệt hại có thể chấp nhân được nếu như tiếp cận từ quan điểm “không có thành công nào không phải trả giá”.

Bình Nhưỡng cũng đã nhiều lần tuyên bố, lệnh trừng phạt và sự cô lập của phương Tây sẽ chỉ càng khiến nước này có thêm quyết tâm.

Chính sự khác biệt quan điểm trong cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề giữa Triều Tiên và phương Tây là nguyên nhân chính giải thích vì sao “số lượng lệnh trừng phạt không tương xứng với hiệu quả mong đợi”.

Trong khi đó, phản ứng trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh ngày 7/2, Trung Quốc cũng có những phản ứng khá quen thuộc như những lần Triều Tiên phóng tên lửa trước trước đó.

Cụ thể, ngày 7/2 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, vụ phóng tên lửa tầm xa của Triền Tiên "phớt lờ sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế".

Theo bà Hoa Xuân Oánh, mặc dù Triều Tiên có quyền tận dụng không gian vì mục đích hòa bình, nhưng quyền hạn này đang chịu sự giám sát bởi Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh, hành động cẩn trọng và kiềm chế các hành động có thể gây căng thẳng....

Mạnh Đức (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phuong-tay-sap-tang-trung-phat-trieu-tien-co-so-3299958/