Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tiểu học: Nhiều năm'ngấm ngầm' sai phạm

Phụ cấp thêm 35% tiền lương mỗi tháng là chế độ ưu đãi đối với giáo viên tiểu học đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập theo Quyết định 224 /2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005.

Vậy nhưng, vì sao hàng trăm giáo viên tiểu học ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều năm nay đã không nhận được khoản tiền chính đáng này?

Từ một giáo viên đi kiện thành công

Cái tin cô giáo Lê Thị Hồng - giáo viên Trường tiểu học thị trấn Nam Đàn nhận được gần 9 triệu đồng tiền phụ cấp ưu đãi đứng lớp thực sự làm nhiều giáo viên trong toàn huyện bất ngờ và sửng sốt. Vậy là nỗi nghi ngờ như làn sóng ngầm nhiều năm nay cuối cùng đã có kết quả.

Cô giáo Lê Thị Hồng đang trình bày sự việc. Ảnh: Hồ Hà

Trước đó, thấy cô Hồng suốt ngày “kiện cáo”, nhiều người còn bảo cô “hâm”, “con kiến mà kiện củ khoai”. Giờ đây cầm được quyết định của UBND huyện Nam Đàn trên tay và nhận được đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của mình đã đứng trên bục giảng suốt một năm học, cô Hồng không khỏi mãn nguyện.

“ Mỗi năm Nhà nước cấp cho ngành giáo dục một khoản tiền để đủ trả cho giáo viên theo quy định 1 lớp/1,5 giáo viên. Nay số học sinh ít, số lớp giảm, số tiền cấp không đủ nên các trường buộc phải xếp loại. Những giáo viên không đủ số tiết, vi phạm kỉ luật... sẽ được xếp cuối cùng và đương nhiên được xem là “dôi dư”, không có tiền phụ cấp ”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn

Để có được số tiền trên, hành trình đi đòi “chân lý” của cô vô cùng gập ghềnh, có cả sự chịu đựng, nhẫn nhục. Cô Hồng cho biết, cô đã nghiên cứu rất kĩ quyết định số 244/2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy sẽ được “Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã”. Quyết định thì đã rõ nhưng không hiểu vì sao, trong năm học 2007 – 2008, cô Hồng không được nhận một đồng phụ cấp nào cả. Vì thế, cô quyết định làm đơn khiếu nại.

Nhưng sau đó, đơn khiếu nại của cô nhận được câu trả lời “từ chối” của Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn với lý do: “Bà Lê Thị Hồng là giáo viên dôi dư. Năm học 2007 – 2008, UBND huyện chưa thực hiện trả phụ cấp ưu đãi cho số giáo viên dôi dư mà chỉ trả cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp, nên việc bà Hồng không được nhận phụ cấp đứng lớp năm 2007- 2008 là đúng”.

Không đồng ý với kết quả trên, cô giáo Lê Thị Hồng tiếp tục khiếu nại lên cấp trên. Sau nhiều tháng kiểm tra, xác minh, ngày 13/5/2010, ông Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn mới có quyết định chính thức về việc giải quyết những khiếu nại của cô Hồng với nội dung: “Bà Lê Thị Hồng khiếu nại năm học 2007 – 2008, bà có trực tiếp giảng dạy nhưng không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định của Nhà nước là khiếu nại đúng”.

Kết luận này cũng nêu rõ: “Mặc dù bà Lê Thị Hồng dạy không đủ số tiết theo quy định nhưng việc này là do nhà trường không phân công chứ không phải bà Hồng không đến trường và không đạt chuẩn để giảng dạy. Căn cứ vào các hướng dẫn thực hiện Quyết định 244 thì bà Lê Thị Hồng đủ điều kiện để hưởng phụ cấp ưu đãi”.

Kết luận trên của UBND huyện Nam Đàn đã khẳng định rõ không phải vì “dôi dư” mà các giáo viên không được nhận tiền phụ cấp. Vậy nhưng khi đem vấn đề này hỏi bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn, bà Hà khẳng định: “Nguyên nhân chính khiến giáo viên tiểu học chưa nhận được tiền phụ cấp là do “dôi dư” giáo viên”.

Từ năm 2004 đến năm 2008, toàn huyện Nam Đàn có 200 giáo viên không được nhận tiền phụ cấp đứng lớp, với số tiền khoảng 2,6 tỷ đồng. Trong số này, những giáo viên đã đến tuổi về hưu hoặc đã về hưu chiếm khá đông (đây phần lớn là những người đã cống hiến nhiều, nay không còn đủ sức khỏe nên thường không đảm nhận giáo viên chủ nhiệm mà làm giáo viên 2). Bà Hà cũng cho biết thêm: “Năm 2009, khi sự việc được phát hiện, huyện đã chi trả cho các giáo viên đầy đủ. Việc làm sai này là do các huyện “nhìn theo nhau” để làm”.

Từ sự việc của cô giáo Hồng, những ngày qua, hàng trăm giáo viên tiểu học trên nhiều huyện của tỉnh Nghệ An mới “ngã ngửa” bởi chế độ phụ cấp 35% lẽ ra họ được hưởng chính đáng đã bị “phù phép” trong nhiều năm.

Nhiều giáo viên lên tiếng

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sai phạm này là do các huyện còn lúng túng, chưa khách quan trong việc giải quyết số giáo viên dôi dư. Vì vậy, hiện ở rất nhiều trường tiểu học, nhiều giáo viên rất bức xúc trong việc xếp loại giáo viên hàng năm không công bằng.

Đơn cử như trường hợp của cô giáo Võ Thị Hương, giáo viên Trường tiểu học Châu Đình, Quỳ Hợp cũng đã từng bất bình viết đơn khiếu nại lên Phòng GD&ĐT huyện về việc Hiệu trưởng xếp loại không chính xác khiến cô không được đứng lớp, trở thành giáo viên “dôi dư”.

Cũng như cô Hương, rất nhiều giáo viên tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng có đơn khiếu nại gửi các cơ quan thông tấn trình bày bức xúc của họ về việc xếp loại “Giáo viên 1” và “Giáo viên 2” đã khiến nhiều người bỗng dưng trở thành giáo viên “ dôi dư” nên bị cắt phụ cấp ưu đãi đứng lớp. Đã có rất nhiều giáo viên khiếu nại lên cấp huyện, thậm chí cả cấp tỉnh.

Ngay sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã thành lập tổ công tác để rà soát lại việc thực hiện chi trả tiền phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên. Theo thông tin từ Sở GD& ĐT, hiện đã phát hiện thêm 6 huyện không chi trả khoản tiền này cho giáo viên. Đó là các huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên.

Số tiền phụ cấp 35% mỗi tháng thực sự “đáng kể” đối với giáo viên tiểu học ở Nghệ An, bởi tiền lương của giáo viên cấp bậc này hiện quá thấp, đời sống của họ hầu hết khó khăn. Thế nhưng hàng chục tỷ đồng phụ cấp ưu đãi của giáo viên tiểu học hiện đi về đâu và ở đâu, mà họ đã không nhận được nhiều năm liền? Đó đang là câu hỏi lớn mà dư luận ở Nghệ An rất quan tâm.

(Còn nữa)

Hồ Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100915042017703p0c1000/phu-cap-uu-dai-cho-giao-vien-tieu-hoc-nhieu-namngam-ngam-sai-pham.htm