Phòng và điều trị bệnh dời leo

(TBKTSG) - Sau một thời gian bị những căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, cơ thể trở nên suy yếu. Một hôm thấy sốt nhẹ, mệt mỏi, ê ẩm toàn thân. Sau đó xuất hiện cơn đau rát ở vùng da cạnh sườn, đau từng cơn, đau không chịu đựng nổi. Hiện tượng đó kéo dài vài ba ngày. Đi khám bệnh, thầy thuốc chỉ có thể chẩn đoán đó là cơn đau gian sườn và cho những loại thuốc chống đau thông thường.

BS.Lê Hùng (*) Tuy nhiên, cơn đau không giảm, mà còn tăng lên cho đến khi xuất hiện hiện tượng da ửng đỏ, có những mụn nước nổi trên da. Lúc đầu, đó chỉ là những mụn nước nhỏ rải rác thành từng dải. Những mụn nước có thể kết nối lại thành những mảng lớn, đôi khi to bằng bàn tay hoặc hơn, kèm theo việc nổi hạch ở nách hay ở bẹn cùng bên với vùng bị tổn thương. Vùng tổn thương này gây đau đớn, đau như cháy bỏng, đến nỗi chỉ cần áo quần phất nhẹ vào cũng có thể khởi phát cơn đau. Khi cơn đau diễn ra với cường độ lớn, nhiều bệnh nhân không chịu đựng nổi nên cơ thể suy sụp nhanh! Những tổn thương thường lan tỏa theo đường đi của dây thần kinh (trong trường hợp này là lan theo các dây thần kinh liên sườn). Đến giai đoạn toàn phát, ngay cả khi không điều trị, mụn nước cũng sẽ khô, vỡ ra, trở thành những vệt đỏ kèm xuất tiết một ít dịch. Nếu điều trị hợp lý, giữ vệ sinh vết thương tốt, không bị bội nhiễm thì những tổn thương này không để lại sẹo, hoặc chỉ để lại vệt sẹo mờ. Nếu không, những vết thương trên sẽ để lại sẹo đậm trên diện rộng. Đến giai đoạn xuất hiện những mụn nước và sang thương da đặc hiệu, thầy thuốc có thể chẩn đoán rất dễ dàng bệnh lý “dời leo” (shingles hoặc herpes zoster). Sau khi vết thương đã thành sẹo, bệnh nhân vẫn còn thấy đau, khoảng 10% bệnh nhân bị cơn đau mãn tính nặng nề kéo dài sau khi bị dời leo, thường được gọi là “cơn đau sau zona” (post herpetic neuralgia). Những cơn đau dạng này có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Đây là một di chứng, một nỗi thống khổ lớn của bệnh nhân. Việc điều trị ở giai đoạn này rất khó khăn. Bệnh cảnh của bệnh dời leo rất đa dạng, có thể xuất hiện với những triệu chứng như đã kể trên, nhưng bắt đầu từ tai, lan ra vùng mặt (siêu vi có thể tấn công dây thần kinh sọ não số VII gây liệt mặt nặng nề, khó hồi phục - thể Ramsay Hunt), lan lên trán, đôi khi lan vào mắt (siêu vi tấn công vào nhánh mắt của dây thần kinh sọ não số V làm giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn - thể Herpes zoster opthalmicus). Hoặc bắt đầu ở vùng bẹn lan xuống vùng cơ quan sinh dục, có thể xuất hiện ở vùng lưng, đùi… Thông thường, siêu vi chỉ tấn công một nhánh thần kinh nên vùng tổn thương cũng chỉ xuất hiện ở một bên của cơ thể mà thôi, như một bên mặt, một bên tai, một bên sườn, một bên bẹn… rất hiếm trường hợp gây tổn thương cả hai bên. Nói chung, bệnh dời leo có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể chứ không phải chỉ ở một vùng nhất định nào đó. Nguyên nhân sinh bệnh dời leo đã được chứng minh một cách rõ ràng. Khi còn nhỏ, sức đề kháng chưa cao, trẻ em thường bị bệnh thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ (chickenpox), do siêu vi Varicellar Zoster gây ra. Sau khi bệnh thủy đậu biến mất, phần lớn siêu vi Varicellar Zoster bị tiêu diệt. Tuy nhiên, có một số siêu vi không hiểu vì cớ gì lại có thể ẩn mình trong thân của các tế bào thần kinh, hạch thần kinh thực vật, hay ở các dây thần kinh sọ não của bệnh nhân. Chúng ở đó chờ thời cơ thay họ đổi tên thành Herpes Zoster để tấn công các dây thần kinh của khổ chủ với một bệnh cảnh dữ dội, đau đớn hơn, nặng nề hơn như đã mô tả. Bất cứ một bối cảnh nào làm cho sức đề kháng bị suy giảm như stress kéo dài, bệnh mãn tính làm cơ thể suy sụp, tuổi già sức yếu, bệnh AIDS, ung thư… cũng đều trở thành cơ hội xuất hiện trở lại của siêu vi Herpes Zoster. Ước tính cứ 10 người bị bệnh thủy đậu thì sẽ có một người phát bệnh dời leo sau tuổi 50. Thông thường, bệnh này chỉ xuất hiện một lần trong đời. Tuy nhiên, những người thể trạng suy yếu vẫn có thể phát bệnh trở lại. Sự lây lan của bệnh dời leo không rõ ràng. Một số người bình thường khi tiếp xúc với người bị bệnh dời leo sẽ phát bệnh thủy đậu! Chính vì vậy những người có sức khỏe yếu, phụ nữ có thai và trẻ em không nên tiếp xúc với người đang bị bệnh dời leo. Chúng ta cần khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện và điều trị thật sớm chứng bệnh này trong vòng ba ngày đầu, vì như thế mới có thể rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế mức độ nặng cũng như những “cơn đau sau zona”, đặc biệt ở người lớn tuổi. Việc điều trị sớm và đúng cách cũng ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như nhiễm trùng, những cơn đau dữ dội vượt sức chịu đựng, suy sụp cơ thể nặng… Để điều trị bệnh này, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, không làm việc nặng nhọc, uống đủ nước, uống vitamin, đặc biệt là vitamin C. Có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh (trong trường hợp có bội nhiễm), thuốc giảm đau, chống đau thần kinh, an thần, chống viêm, đặc biệt là thuốc chống siêu vi và nâng cao thể trạng… Trong trường hợp có những tổn thương ở mắt thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị kịp thời. Nếu bị liệt mặt, phải tích cực điều trị để phục hồi, tránh những di chứng liệt mặt không hồi phục hoặc chuyển qua liệt mặt thể co cứng. Điều trị bệnh dời leo theo y học cổ truyền cũng có những kết quả rất tốt. Bệnh nhân cần đến thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền để được thăm khám. Sau khi thăm khám và biện chứng luận trị, thầy thuốc sẽ chẩn đoán họ đang mắc phải một trong các hội chứng thấp nhiệt, nhiệt độc, khí huyết ngưng trệ, can kinh uất nhiệt, tỳ hư thấp trệ, khí trệ huyết ứ… Mỗi thể bệnh sẽ có bài thuốc và phương thức điều trị riêng. Trong trường hợp bệnh nhân bị liệt mặt do dời leo, cần kết hợp với châm cứu, xoa bóp càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các di chứng. Châm cứu có thể góp phần chống đau rất tốt, kể cả những cơn đau kéo dài sau đó. Những phương pháp dân gian chữa bệnh dời leo như “khoán” trên vùng tổn thương bằng mực xạ (mực tàu), giã, nhai đậu xanh hoặc một số dược thảo rồi đắp lên vết thương… đều không nên dùng vì có thể gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng thêm và để lại di chứng, đặc biệt là những vết sẹo lớn trên cơ thể. Người bệnh có thể tắm hàng ngày nhưng không nên xoa xà phòng trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Để đề phòng bệnh thủy đậu cũng như bệnh dời leo, chúng ta nên chủng ngừa thủy đậu cho trẻ. Hiện nay ở Mỹ, người lớn (hơn 60 tuổi) cũng có thể được chủng ngừa bệnh dời leo. Ai cũng biết khi sức khỏe không tốt, sức đề kháng giảm là cơ hội cho siêu vi Herpes Zoster tái xuất hiện và gây bệnh. Vì vậy hãy tập luyện, thay đổi lối sống, cách ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi sao cho “chính khí thật mạnh thì tà khí lui”, khi ấy sẽ chẳng còn con vi trùng hay siêu vi nào có thể tấn công chúng ta được. (*) Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM Phương pháp tư duy để thăng tiến tinh thần Dưới đây là những thủ thuật đơn giản nhằm cải thiện một cách nhẹ nhàng cuộc sống thường ngày của mỗi người. Thụ pháp thiền Trong sách Nghệ thuật thiền của nhà Phật học nổi tiếng người Pháp Matthieu Ricard có chỉ dẫn về nguyên lý và cách học thiền ít nhất 20 phút mỗi ngày. Có thể học thiền vào mọi lúc, nhưng tốt nhất là vào buổi sáng. Thiền làm dịu những cơn nóng giận, xua đuổi ý nghĩ tiêu cực và kiểm soát xúc cảm. Khi tập thiền, ta sẽ thấy tinh thần thanh thản, điều rất cần thiết trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Hơn nữa, dạng hoạt động này nhằm hoạt hóa sự tập trung tư tưởng và năng lượng, hai phương tiện cần thiết để theo đuổi những mục tiêu đề ra. Chủ động giúp đỡ người khác Giúp người là một hành vi tích cực. Nhờ đó ta cảm thấy mình có ích và nhận thấy người khác cũng cần sự hỗ trợ. Khi trong lòng băn khoăn lo lắng, ta biết còn có thể dựa vào người khác. Viết blog Có thể tạo cho mình một trang nhật ký trên mạng để kể về bản thân, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống… Ẩn sau màn hình, ta có thể giãi bày nỗi lòng thầm kín, giúp tâm hồn thoải mái. Tạo sự thông thoáng có phương pháp Đối với quần áo, giấy tờ, đồ dùng cá nhân…, nên cho, tặng hoặc bỏ đi những vật dụng không dùng trong vòng một năm. Điều đó tạo ra một chút trật tự, nói theo ngôn ngữ thiền là gỡ rối tâm hồn để “ngộ”. Người ta trở về với các bản thể, cái chính yếu và lập ra một thứ bậc về ưu tiên để tranh thủ được thời gian và làm việc hiệu quả hơn do có trật tự. Tóm lại, ta ra lệnh được cho tư duy. Cái lợi rõ nét nhất là ta giải phóng, hiểu cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, là tạo ra chỗ cho các ham muốn mới. Thay đổi cách trang trí nội thất Có thể nhờ một người có khiếu thẩm mỹ tư vấn giúp cách trang trí, thay đổi đồ nội thất. Đây là một cách “thay đổi không khí”. Khi đổi cách trang trí, ta đã phá vỡ các thói quen. Do ngôi nhà có kích thước rõ rệt, nên cái chính là ta cảm thấy an tâm trong ngôi nhà của mình. Nhờ đó, ta cảm thấy thanh thản trong tâm hồn. Làm lành với cơ thể mình Thay cho sự dỗi hờn vì cơ thể “không hoàn hảo”, ta nên tìm cách chiều chuộng cơ thể của mình bằng cách xoa bóp, tự thưởng cho mình một vài buổi chăm sóc cơ thể tại viện thẩm mỹ hoặc lựa chọn một hoạt động thể thao nào đó, kèm theo đó là một chế độ ăn uống thật sự cân bằng.Người ta có xu hướng tách rời cơ thể và tâm hồn. Nhưng thực tế cơ thể hoạt động được là nhờ tâm hồn và ngược lại. Người ta sẽ mạnh mẽ về tâm lý khi thấy mình khỏe, đẹp. Luôn luôn giữ nụ cười Thay cho việc than vãn, ta nên tìm ra khía cạnh tích cực trong mọi vấn đề của cuộc sống. Ta hãy thử làm việc đó trong một ngày, hai ngày, ba ngày, và nhiều hơn nữa. Cười nghĩa là bắt buộc mình phải thay đổi phong cách ứng xử trước một tình huống: ta thực hiện một điều không định sẵn trong kịch bản. Cười là trạng thái tâm lý dễ lây lan, qua đó ta có thể tranh thủ thêm cảm tình của những người cùng có tư tưởng tích cực như mình. (Theo F.A) BS.Nguyễn Thu Hà Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/suckhoe/42912/