Phát triển du lịch vùng Tây Bắc: Tiềm năng lớn, khai thác ít

Tây Bắc là vùng núi có nhiều tiềm năng du lịch phong phú nhưng cũng là vùng khó khăn nhất cả nước. Hạ tầng, đời sống dân cư và các điều kiện xây dựng năng lực phát triển du lịch tuy đã được đầu tư nhưng chưa thoát khỏi vùng kém phát triển.

Để du lịch Tây Bắc cất cánh, cần có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế vững vàng. Đây thực sự là một vùng đất cần được quan tâm đầu tư phát triển, và cũng là những nơi “còn sót lại” cho những dự án đầu tư đầy tiềm năng.

Tiềm năng lớn

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Bắc là một vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch. Sự độc đáo về địa hình, khí hậu, sự thuần khiết của thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú. Bên cạnh đó, vùng Tây Bắc cũng là nơi sinh sống của hơn 32 dân tộc thiểu số với những phong tục tập quán đa dạng và đầy màu sắc, hầu như còn giữ được nguyên vẹn các giá trị sinh hoạt truyền thống.

Khách du lịch tham quan tại di tích lán Nà Nưa, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Tuy vậy, Tây Bắc cũng là vùng có sự phát triển chậm hơn so với nhiều vùng du lịch khác trên cả nước do những điều kiện phát triển còn khó khăn. Số lượng khách du lịch đến vùng Tây Bắc còn khá khiêm tốn, 1,4 triệu lượt khách quốc tế và 10,5 triệu lượt khách nội địa năm 2014. Những địa bàn thu hút và phân phối khách mới chỉ tập trung chủ yếu ở Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ và mới đây là Hà Giang. Sản phẩm và dịch vụ du lịch còn hạn chế, chủ yếu là du lịch tham quan tìm hiểu văn hóa, du lịch tâm linh với thời gian lưu lại trung bình rất ngắn, dưới 1,5 ngày.

Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, với địa hình núi cao, một số khu vực khí hậu ôn hòa đã được thúc đẩy phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng như Sa Pa, Mộc Châu. Khu vực Sa Pa là trung tâm thu hút khách vào loại lớn nhất khu vực Tây Bắc, đặc biệt với việc khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã mở ra điều kiện khai thác tốt luồng khách và tiếp tục phân phối cho các địa phương khác. Tuy nhiên, các điểm du lịch có khí hậu mát mẻ như Mẫu Sơn, Y Tý, Mộc Châu, Dào San, Sin Suối Hồ, Sìn Hồ thích hợp cho phát triển các khu nghỉ dưỡng núi và du lịch sinh thái nhưng vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng để thu hút và đáp ứng được nhu cầu của khách.

Tây Bắc là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi trùng điệp, sơn thủy hữu tình. Địa hình hiểm trở và đa dạng thách thức sức chinh phục đầy lôi cuốn của Tây Bắc là những đỉnh Phansipan, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Bạch Mộc Lương Tử..., những đường đèo ngoạn mục như Mã Pì Lèng, đèo Pha Đin, đèo Khau Phạ... Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu với hệ thống núi đá vôi với tầng địa chất đặc biệt quan trọng đang trở thành địa chỉ hấp dẫn đặc biệt khách du lịch. Nơi đây thu hút những khách du lịch có lòng can đảm, muốn khám phá, trải nghiệm, mặc dù với số lượng ít nhưng đầy đam mê khám phá. Khách du lịch quốc tế là đối tượng chính của những trải nghiệm này và trong những năm gần đây đã phát triển thêm thị trường khách nội địa. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên khu vực Tây Bắc là rất lớn, vượt qua tất cả các vùng khác trong cả nước và chỉ mới bắt đầu được khai thác.

Chưa được đầu tư đúng hướng

Tây Bắc cũng là vùng có hệ thống hang động, sông ngòi, suối, hồ lớn như hồ Pá Khoang, hồ sông Đà, hồ Thác Bà, hồ Na Hang, hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể; những thác nước hùng vĩ như Thác Bản Giốc, thác Dải Yếm; các hang động quan trọng như hang Pắc Pó, động Ngườm Ngao... mà hầu như mới khai thác phục vụ khách cùng những dịch vụ sơ sài, mộc mạc. Hệ sinh thái đa dạng trong các vườn quốc gia Hoàng Liên, Ba Bể, Xuân Sơn, Pù Mát chưa thực sự được khai thác cho phát triển du lịch. Hầu hết các vườn quốc gia này chưa được đầu tư cho các hoạt động hướng dẫn, tìm hiểu cùng các dịch vụ du lịch cần thiết đi kèm. Nhiều địa phương trong vùng sở hữu các nguồn khoáng nóng giá trị cho sức khỏe như: Kim Bôi, Thanh Thủy, Mỹ Lâm, Uva, Bản Sáng... trong đó một số đã khai thác cho du lịch tuy vẫn ở quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó là các giá trị sản vật và cảnh quan nông nghiệp như những mùa hoa đào, hoa mận, hoa tam giác mạch; những vườn cam quýt, vườn hồng, vườn đào, vườn mận; những ruộng bậc thang óng ả xếp tầng tầng đẹp như tranh vẽ như Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, Y Tý, Sin Súi Hồ, những thung lũng có cảnh quan tuyệt đẹp như thung lũng Mai Châu, thung lũng Bắc Sơn...; những đồi chè trải dài xanh ngát, những trang trại bò sữa trên thảo nguyên Mộc Châu. Tây Bắc cung cấp những sản vật quan trọng cho thị trường đô thị nhưng cũng cung cấp các giá trị trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp vô cùng hấp dẫn bởi sự đa dạng, phong phú, sự khác biệt và trải đều qua các mùa trong năm, sự khác biệt về địa hình và phong cảnh. Các giá trị này hầu như chưa được khai thác cho phát triển du lịch.

Về văn hóa, vùng Tây Bắc là nơi tập trung của cuộc sống giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy... Cuộc sống sinh hoạt, tập tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của các dân tộc được gìn giữ nhiều nơi còn nguyên vẹn là sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Những điệu múa sạp, múa xòe, hát then, đàn tính, múa khèn là những nét sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Thái, Tày, Mông được trình diễn, thu hút sự quan tâm của du khách. Các chợ phiên đầy màu sắc trên vùng cao như chợ Bắc Hà nơi tập trung của những sắc màu thổ cẩm; những sinh hoạt truyền thống đặc sắc như chợ tình Khâu Vai, những lễ hội Lồng Tồng... còn nguyên vẹn các giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống có sức hút lớn cho khách tìm hiểu, khám phá. Trong đó, hiện nay có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Các tập tục truyền thống vẫn được ngày ngày lưu truyền trong cuộc sống bà con thiểu số trong các bản làng dân tộc với những nếp nhà sàn nối nhau trong các bản đẹp như tranh vẽ, xếp đều theo trườn núi, lấp xấp giữa những thửa ruộng bậc thang là tâm điểm thu hút nhiều thị trường khách, đặc biệt như khách Pháp, Tây Ban Nha. Một số bản làng có được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của địa phương đã từng bước phát triển du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch vừa mang tính khám phá, tìm hiểu văn hóa, vừa có ý nghĩa lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cộng đồng và góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà hiện nay mới chỉ phát triển được ở một số địa bàn chính như Sa Pa, Mai Châu, trong khi còn rất nhiều bản làng vẫn còn phát triển tự phát hoặc có nhiều khách du lịch tìm đến mà rất cần được hỗ trợ để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, kỹ năng phục vụ và phương hướng bảo tồn giá trị văn hóa.

Tây Bắc cũng là nơi chứa đựng những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước. Di tích Đền Hùng, bãi đá cổ Sa Pa, Xín Mần chứng minh lịch sử dân tộc từ thủa sơ khai dựng nước đến ngày nay trở thành những giá trị cội rễ bất diệt, linh thiêng và hào hùng của dân tộc. Âm vang Điện Biên nhắc tới chiến công lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu với quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ; sự hiển hách của lịch sử cách mạng gắn với các cuộc kháng chiến như Pắc Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa, Bắc Mê... cùng với hệ thống di tích lịch sử đã làm cho Tây Bắc có giá trị đặc biệt hấp dẫn du lịch. Nhiều di tích đã được đưa vào thành các điểm tham quan, thu hút và phục vụ lượng khách du lịch là các cựu chiến binh tìm về chiến khu hay những sinh viên, học sinh tham quan tìm hiểu và giáo dục truyền thống cách mạng. Tuy vậy, các dịch vụ du lịch còn sơ sài chưa thực sự hấp dẫn dưới góc độ du lịch.

Viết Tôn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-vung-tay-bac-tiem-nang-lon-khai-thac-it-20151118222540748.htm