Phát triển điện gió ở Bình Thuận

ND - Ý tưởng dùng sức gió tạo ra nguồn điện có công suất lớn, bổ sung vào lưới điện quốc gia bước đầu đã thành hiện thực tại tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng của gió, phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch này, cần sớm hoàn thành khung pháp lý, định hướng quy hoạch phù hợp và quan trọng nhất là có cơ chế, chính sách thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư...

Không phải "chuyện trên trời" Khoảng giữa năm 2009, ở phía đông quốc lộ 1A, đoạn dốc Cúng thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), những cây "chong chóng" khổng lồ bằng thép lần lượt được dựng lên. Việc này, không chỉ gây tò mò đối với người dân địa phương, mà hành khách đi trên các chuyến ô-tô ngược xuôi nam, bắc cũng đều thích thú ngắm nhìn. Đó là năm trụ tua-bin gió đầu tiên do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư thực hiện dự án điện gió tại Bình Thuận. Đây cũng là dự án điện gió quy mô công nghiệp đầu tiên ở nước ta được triển khai thực hiện. Dự án này gồm hai giai đoạn với tổng công suất 120 MW, trong đó giai đoạn một có công suất 30 MW. Năm tua-bin gió đầu tiên đã hoàn thành lắp đặt vào tháng 9-2009 và chính thức vận hành để phát điện. Với công suất mỗi tua-bin là 1,5 MW, đến nay, sản lượng điện gió được tạo ra và đã hòa vào lưới điện quốc gia hơn 10 triệu kW giờ. Chủ dự án đang tiếp tục dựng 15 trụ tua-bin gió còn lại của giai đoạn một, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị xong các thủ tục để thực hiện giai đoạn hai có công suất 90 MW, phấn đấu đến giữa năm 2012 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án (120 MW). Cùng với dự án trên, nhiều dự án điện gió khác ở tỉnh Bình Thuận cũng đang "khởi động". Theo Sở Công thương Bình Thuận, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 chủ đầu tư đăng ký thực hiện 12 dự án điện gió với tổng công suất 1.541 MW. Diện tích chiếm đất khảo sát toàn bộ của 12 dự án này là 13.900 ha, trong đó diện tích đất sử dụng vĩnh viễn khoảng 700 ha. Đầu năm nay, thêm một dự án có công suất 50 MW đã khởi công và đang chuẩn bị mặt bằng để thi công. Một dự án khác, cũng có công suất 50 MW, đã hoàn thành thủ tục và sẽ tiến hành khởi công vào cuối năm nay. Các dự án còn lại đang lập thủ tục đầu tư, như xin bổ sung quy hoạch, đấu nối lưới điện quốc gia, lập hồ sơ thuê đất... Như vậy, việc tạo ra nguồn điện từ sức gió với quy mô công nghiệp, tưởng rằng chỉ là "chuyện trên trời", chỉ có trên phim ảnh nước ngoài, giờ đã và đang trở thành hiện thực nơi rẻo đất cực Nam Trung Bộ này. Từ ý tưởng đến thực tế, biến tiềm năng thành hiện thực, không còn là chuyện xa vời nữa. Khai thác tiềm năng điện gió Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, công nghệ, tài chính, thì điều kiện tiên quyết để có thể triển khai thực hiện các dự án điện gió là phải có nguồn gió dồi dào và quỹ đất tương đối lớn. Gió ở Bình Thuận dường như có quanh năm, với tốc độ trung bình khoảng 6 m/giây, nhưng tần suất bão lại thấp. Phía đông nam tỉnh Bình Thuận còn vùng đồi cát ven biển rộng hơn 50 nghìn ha chưa sử dụng. Theo khảo sát mới đây, công suất tiềm năng điện gió của toàn tỉnh có thể lên đến 5.040 MW và khả năng khai thác có hiệu quả ngay trong điều kiện hiện nay cũng đến khoảng 1.570 MW. Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, Đinh Huy Hiệp, phân tích: Theo số liệu đo gió ở độ cao từ 60 đến 80m, tốc độ gió từ 6 đến 8,5 m/giây, phân bố trên phạm vi rộng khoảng 64.700 ha, thì công suất tiềm năng điện gió của tỉnh khoảng 4.300 MW. Nếu chỉ lấy từ độ cao 80 m trở lên với tốc độ gió trung bình từ 6,5 m/giây trở lên, thì diện tích phân bổ khoảng 15.500 ha, công suất khả thi cũng được 1.038 MW. Rõ ràng, tiềm năng về điện gió ở Bình Thuận là khá lớn, vấn đề là làm gì để khai thác được tiềm năng quý giá ấy. Những năm gần đây, Bình Thuận là địa phương đi đầu trong việc tổ chức triển khai các dự án điện gió với quy mô công nghiệp và thực tế đã có sản lượng điện được sản xuất từ sức gió đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia. Trước hết, Bình Thuận đã hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, có xét đến năm 2020. Quy hoạch này được phê duyệt sẽ giúp các chủ đầu tư điện gió ở Bình Thuận không phải lập quy hoạch và trình cấp thẩm quyền phê duyệt từng dự án riêng lẻ, thời gian triển khai thực hiện dự án sẽ được rút ngắn. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành quy định quản lý nhà nước về "Khảo sát, nghiên cứu và đầu tư điện gió" để thống nhất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để các cơ quan nhà nước ở địa phương giải quyết các thủ tục hành chính, các tranh chấp, khiếu nại nếu có xảy ra đối với loại dự án đặc thù như điện gió. Mới đây, Hiệp hội điện gió tỉnh Bình Thuận cũng đã được thành lập. Bước đầu, hiệp hội đã tập hợp được 16 thành viên gồm các doanh nghiệp đầu tư điện gió, tư vấn xây dựng chuyên ngành, các đơn vị quản lý khác để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin; hỗ trợ nhau về kỹ thuật; tìm kiếm, giới thiệu đối tác liên doanh, tìm nguồn vốn hợp tác đầu tư và giải quyết những vấn đề về thủ tục hành chính... Đồng chí Đinh Huy Hiệp cho biết thêm: Trong quá trình đăng ký, triển khai thực hiện các dự án điện gió ở Bình Thuận, các nhà đầu tư cũng đã nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đầu tư còn khá mới mẻ, có nhiều vấn đề nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của tỉnh, do vậy, để khai thác tốt tiềm năng điện gió (không chỉ riêng ở Bình Thuận), T.Ư cần sớm hoàn thành khung pháp lý và ban hành các cơ chế, chính sách... thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất loại năng lượng sạch này. Tạo thuận lợi để phát triển điện gió Điện gió được xem là nguồn năng lượng sạch vì trong quá trình sản xuất không phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân chủ yếu gây ra sự biến đổi khí hậu trên hành tinh xanh của chúng ta. Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác, điện gió là nguồn năng lượng của tương lai sẽ dần thay thế các dạng năng lượng truyền thống. Từ thực tế này, nhiều địa phương, trong đó có Bình Thuận, kiến nghị Chính phủ sớm cho xây dựng luật về năng lượng tái tạo trình Quốc hội ban hành, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các địa phương triển khai thực hiện đầu tư các dự án sản xuất điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Không riêng tỉnh Bình Thuận, mà còn nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh duyên hải miền trung, có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió. Thế nhưng, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giữa tháng 7-2007, lại xác định công suất lắp đặt điện gió cả nước rất thấp. Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Bình Thuận, tính đến thời điểm hiện nay, tổng công suất các dự án điện gió đã đăng ký và đang triển khai thực hiện (1.541 MW), đã hơn hẳn con số ghi trong quy hoạch trên. Mới đây, trong văn bản góp ý nội dung dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam" do Bộ Công thương lập, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị cần tăng công suất quy hoạch lắp đặt điện gió đến năm 2015 và 2025. Theo đó, điều chỉnh cục bộ các dạng năng lượng tái tạo theo hướng tăng công suất điện gió, giảm các dạng năng lượng khác trong các giai đoạn trên để phù hợp với thực tế tại các địa phương có tiềm năng gió. Ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và sau đó gần một năm (ngày 4-7-2008), Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thông tư liên tịch số 58 hướng dẫn thực hiện. Theo thông tư này, cơ chế hỗ trợ giá cho một đơn vị sản phẩm chưa thật sự khuyến khích các nhà đầu tư. Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu chi khi các dự án điện gió phát điện lên lưới điện quốc gia. Đáng nói hơn, theo Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg, điện sản xuất từ sức gió được ưu tiên tiêu thụ sản phẩm so với điện được tạo ra từ các nguồn khác không thuộc dự án CDM. Nhưng hiện nay, việc đàm phán giá bán điện giữa các chủ đầu tư điện gió với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đến nay, vẫn chưa có chủ dự án điện gió nào ký kết được với EVN về giá bán sản phẩm, kể cả Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam, chủ đầu tư của năm trụ tua-bin gió đầu tiên ở Bình Thuận đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 10 triệu kW giờ. Đối với Bình Thuận, trở ngại lớn nhất hiện nay là sự chồng lấn giữa các dự án điện gió với vùng khảo sát, điều tra trữ lượng sa khoáng ti-tan do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành. Vấn đề này, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nếu vùng nào có trữ lượng ti-tan thấp thì không đưa vào quy hoạch khai thác, hoặc chỉ quy hoạch dự trữ cho các thời kỳ sau để ưu tiên quỹ đất phát triển điện gió. Cho phép triển khai nghiên cứu, khảo sát, lập dự án điện gió đồng thời với việc thăm dò trữ lượng ti-tan, nhưng cần tập trung trước hết ở những vị trí chồng lấn với địa điểm dựng tua-bin gió, xây dựng nhà máy điện, trạm biến áp, hành lang an toàn và hệ thống giao thông nội bộ trong các công trình điện gió, để sớm giao mặt bằng cho các dự án điện gió triển khai thực hiện... Điện được sản xuất từ sức gió với quy mô công nghiệp đã trở thành hiện thực ở nước ta. Việc khai thác tiềm năng to lớn từ thiên nhiên để tạo ra nguồn năng lượng sạch, vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, vừa bảo vệ môi trường... là vấn đề lớn, rất cần được chú ý, quan tâm.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=173463&sub=127&top=39