Phân loại rác, vấn đề mấu chốt giải quyết rác thải Việt Nam

QĐND Online - Môi trường ô nhiễm do rác thải phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn trong sinh hoạt đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Hội thảo "Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam" do Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21-10 tại Hà Nội tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng rác thải của Việt Nam và lựa chọn phương pháp xử lý tốt nhất cho vấn đề này.

QĐND Online - Môi trường ô nhiễm do rác thải phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn trong sinh hoạt đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Hội thảo "Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam" do Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21-10 tại Hà Nội tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng rác thải của Việt Nam và lựa chọn phương pháp xử lý tốt nhất cho vấn đề này.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều công ty, tập đoàn có uy tín của Việt Nam và trên thế giới về lĩnh vực môi trường như: Tập đoàn Sulo của Đức, Tập đoàn Environmental Choices của Mỹ, Hitachi Zosen Corporation của Nhật Bản...

Hiện nay, nước ta có khoảng 755 đô thị. Do tốc độ tăng dân số nhanh và kèm theo đó là quá trình đô thị hóa đang gây sức ép đến công tác xử lý rác thải của Việt Nam. Xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị thuộc 63 tỉnh, thành phố hiện nay vẫn chủ yếu theo công nghệ chôn lấp lạc hậu, quỹ đất cho các bãi chôn lấp rác thải ngày càng hạn hẹp. Cả nước mới có khoảng 22 cơ sở xử lý, tái chế và đốt rác thải sinh hoạt.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, rất nhiều công nghệ xử lý rác được các công ty giới thiệu nhằm góp phần giải quyết vấn đề môi trường, rác thải của Việt Nam hiện nay. Trong đó, công nghệ chuyển hóa rác thải thành năng lượng của tập đoàn Hitachi Zosen Corporation (Nhật Bản) được các chuyên gia đánh giá cao. Công nghệ này đang được tiến hành làm dự án mẫu xử lý rác thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Trên cơ sở dự án mẫu sẽ tiến hành hoạt động nhân rộng công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng ra các khu vực lân cận thành phố Hà Nội và trên cả nước.

Tại Hội thảo, tiến sĩ P.M.Karg, Giám đốc Khoa học của Tập đoàn HPC International đã giới thiệu một công nghệ mới, xử lý đất đai bị ô nhiễm do chất độc da cam trong chiến tranh tại Việt Nam. Theo đó, công nghệ này đưa ra giải pháp khoa học để làm sạch đất và nước bị ô nhiễm, đẩy lùi bệnh tật do dioxin và thuốc trừ sâu gây ra cho sức khỏe con người, tối ưu hóa phát triển bất động sản.

Đa số các đại biểu đều đánh giá cao công nghệ xử lý rác được những đơn vị trong nước và quốc tế giới thiệu tại hội thảo nhưng một vấn đề được đặt ra là cho dù công nghệ có hiện đại tới mức nào thì cũng không giải quyết được rác thải khi chúng chưa được phân loại. Rác vẫn chỉ là rác khi nằm lẫn lộn với nhau và không thể biến thành điện năng hay các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp được.

Hiện nay, rác thải từ các gia đình thường được để chung và đem đi đổ; việc này gây ra nhiều khó khăn trong quá trình phân loại rác, bởi lẽ nếu rác được phân loại ngay từ đầu sẽ giúp giảm bớt các công đoạn xử lý sau đó. Giải quyết bài toán phân loại rác ngay từ đầu không phải là một việc làm quá khó nhưng nó cần sự chung tay của toàn xã hội, từ ý thức của mỗi người, mỗi gia đình.

Vấn đề này cũng được Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA) khẳng định khi kết thúc hội thảo: "Phân loại nguồn rác chính là vấn đề mấu chốt giải quyết bài toán rác thải tại Việt Nam”.

Bài và ảnh: Việt Cường

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/164413/Default.aspx