PGS-TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế: Vẫn dành cả tâm huyết cho việc chữa bệnh cứu người

Những ngày này, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Trưởng bộ môn Phụ sản trường Đại học Y Hà Nội PGS. TS Nguyễn Viết Tiến quá bận rộn. Nhưng ông vẫn dành thời gian trò chuyện với Đại Đoàn Kết nhân dịp đầu năm mới về những thành tựu của công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) mà ông luôn theo đuổi và hướng khắc phục những vấn đề nổi cộm của ngành y tế, trong thời gian tới.

- Dường như ông không có ngày nghỉ, nhiều ca mổ đang đợi ông? Đúng thế, tôi tranh thủ cả ngày nghỉ cuối tuần - thời gian ngoài giờ hành chính để thực hiện những ca mổ khó hoặc tai biến bất thường. Tôi nghĩ dù giữ cương vị nào thì việc khám chữa bệnh và mổ cứu người vẫn đeo đuổi tôi như một niềm đam mê. Hằng ngày, tôi cố giải quyết các công việc quản lý trong giờ hành chính, sau đó tham gia khám chữa bệnh. Tôi vẫn thức trắng nhiều đêm bên bàn mổ. Những lần phải đi công tác các tỉnh xa, tôi cố thu xếp công việc để quay về bệnh viện ngay, vì ở đó có nhiều người bệnh đang chờ. Mặc dù là người có số ca mổ cao nhất ở bệnh viện, nhưng tôi vẫn đảm bảo thời gian cho công tác quản lý và làm tốt cương vị của một Thứ trưởng Bộ Y tế. Tôi tự nhủ, mình vẫn dành cả tâm huyết của cuộc đời cho việc chữa bệnh cứu người mà tôi gắn bó, theo đuổi. - Được biết ông vừa hoàn thành một ca mổ khó. Ông có thể kể kỹ hơn về ca mổ này? Đó là trường hợp vỡ tử cung. Chúng tôi tiến hành mổ và khâu lại nhưng vẫn giữ được thai nhi sống khỏe mạnh trong bụng mẹ. Đây là một trong những thành công trong phẫu thuật của sản khoa Việt Nam, đặc biệt là ở bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương. Thời gian gần đây, BV đã cứu sống và nuôi thành công những đứa trẻ sơ sinh chỉ có 500 gram. Thực tế, khi sinh thiếu tháng, trẻ thường phải đối mặt với bệnh võng mạc. Hiện BV đang tiến hành mổ mắt cho những trẻ sơ sinh thiếu tháng không may mắc căn bệnh này. - Ông đánh giá như thế nào về công nghệ này ở Việt Nam? Đến nay đã có bao nhiêu trẻ được ra đời bằng phương pháp này? Đến thời điểm này đã có hàng nghìn trẻ ra đời bằng phương pháp TTTON. Trước đây làm được số lượng ít, có giới hạn nhưng nay BV có thể làm được 2.000 chu kỳ TTTON. Hầu như ngày nào cũng có những trẻ TTTON chào đời. Và các kỹ thuật khắc phục do vô sinh nam, nữ đều được điều trị thành công, chỉ trừ các trường hợp không có tử cung, buồng trứng hoặc tinh trùng. Hàng năm BV đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại đưa vào điều trị vô sinh, TTTON cho hiệu quả cao. Đã có không ít trường hợp điều trị ở nước ngoài không thành công, nhưng khi đến đây đã có kết quả viên mãn. - Thành công từ phương pháp TTTON của Việt Nam đã rõ. Nhưng dường như, Việt Nam đang thiếu một ngân hàng tinh trùng và trứng noãn, thưa ông? Việc TTTON thực sự khó khăn đối với các trường hợp không có noãn hoặc không có tinh trùng. Hiện nay, ngân hàng tinh trùng ở Việt Nam rất nghèo vì những người hiến tinh trùng, noãn chưa tình nguyện như hiến máu nhân đạo. Việc hiến noãn, tinh trùng cần làm một cách bài bản như xét nghiệm và tư vấn đầy đủ. Gần đây có những thông tin rao bán tinh trùng và noãn trên mạng thực chất là do các “cò” quảng cáo với giá vài ba chục triệu đồng. Công an đã vào cuộc ngăn chặn hiện tượng này. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến cáo bệnh nhân không nghe và tin những lời quảng cáo đó mà cần đến BV để nghe tư vấn và tuân thủ phương pháp điều trị của các bác sĩ. Tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. - Ông đánh giá thế nào về các vấn đề nổi cộm của ngành y tế hiện nay đang gặp? Theo tôi, hiện ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng quá tải BV; đào tạo, cán bộ y tế thiếu, đặc biệt là ở tuyến huyện, biển đảo, xã, phường, vùng sâu vùng xa; thiếu trang thiết bị y tế (TTBYT); thiếu cán bộ y tế có chuyên môn cao... Tìm lời giải cho những bài toán này không giản đơn, không thể làm trong một sớm, một chiều. - Vậy hướng giải quyết những vấn đề đó như thế nào, trong thời gian tới, thưa ông? Vấn đề quá tải BV đã và đang được Bộ Y tế thực hiện các giải pháp khắc phục như đưa cán bộ tuyến trên xuống giúp đỡ tuyến dưới (Chương trình 1816); tận dụng diện tích BV để kê thêm giường bệnh; rút ngắn thời gian điều trị nội trú, phối hợp với chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngoại trú...; phát triển dịch vụ, tăng thời gian khám bệnh; chú trọng đào tạo cán bộ để tăng cường cho đội ngũ y tế; đầu tư thêm TTBYT cho các BV, huy động nguồn vốn xã hội hóa. Để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa, thời gian tới Bộ sẽ tăng cường đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ và tăng tiền phụ cấp nghề nghiệp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ y tế một cách hợp lý, giúp họ yên tâm công tác, chú tâm vào công việc, giảm tệ nạn “phong bì” lót tay... Xin cám ơn Thứ trưởng! Kiều Ngọc - Khánh Vân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=22007&menu=1425&style=1