PGS Ninh Viết Giao, sâu nặng tình yêu với văn hóa xứ Nghệ

NDĐT - Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS Ninh Viết Giao vừa ra đi ở tuổi 82, để lại khoảng trống lớn trong đời sống văn hóa xứ Nghệ. Nghĩ về ông, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh dòng sông miệt mài ngày đêm bồi lắng phù sa cho đời, dù trải qua bao ghềnh thác gian nan.

GS Ninh Viết Giao trò chuyện với các học trò trường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Internet.

Chàng trai xứ Thanh “bén duyên” với văn hóa xứ Nghệ

Quê ở Hoằng Hóa -Thanh Hóa, tuổi thơ đắm mình trong dòng sữa ngọt mát của văn hóa dân gian và văn chương cổ điển từ truyền thống gia đình và quê hương, tốt nghiệp khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, chàng sinh viên trẻ Ninh Viết Giao được phân công về giảng dạy tại trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An.

Trường Huỳnh Thúc Kháng là một trong những vườn ươm nhân tài của xứ Nghệ, mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Đặc biệt, những vỉa tầng văn hóa dân gian, bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng giàu có và quý giá của xứ Nghệ đã “hút hồn” người thầy giáo trẻ quê xứ Thanh.

Với vốn văn hóa có được từ những tháng năm miệt mài tích lũy từ ghế nhà trường phổ thông và đại học, thầy Ninh Viết Giao say mê đọc sách báo, tư liệu, tìm hiểu qua các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, đi điền dã sưu tầm các “hạt ngọc” văn hóa dân gian nơi thôn dã hay thâm sơn cùng cốc, từ các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian hay những người lao động bình thường. Bước chân của người thầy giáo đã “trải khắp trên ngàn dưới sông”, không quản xa xôi, mưa nắng, khó khăn.

Mấy chục năm cuối đời, dù tuổi già, lại mắc bệnh hiểm nghèo, ông vẫn không chùn bước, dù bước chân đã chậm hơn, ánh mắt không còn tinh tường như trước, nhưng vẫn tiếp tục hành trình chắt lọc những tinh hoa của nền văn hóa dân gian xứ Nghệ, chạy đua với thời gian, với sự hữu hạn của đời người. Những người dân chân lấm tay bùn, những nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian xứ Nghệ quen ông, biết ông, quý ông, sẵn lòng cởi mở cùng ông, hát, thổi khèn, sáo cho ông nghe, múa cho ông xem, tin tưởng gửi gắm cho ông những hạt vàng mười của văn hóa dân gian xứ Nghệ.

Một điều kiện thuận lợi đối với thầy Ninh Viết Giao là ông có rất nhiều “cộng tác viên” tích cực, vô tư và hết lòng tận tụy. Đó là các thế hệ học trò của ông, từ tình yêu văn chương, yêu thầy, kính thầy đã say mê đồng hành với thầy trên hành trình sưu tầm, ghi chép, lưu giữ những lời ca, điệu hát, những câu chuyện…từ các thôn làng của quê hương xứ Nghệ. Trong tác phẩm viết về hát ví giặm Nghệ Tĩnh, thầy Giao kể lại và tri ân những đóng góp của các học trò vào gia tài văn hóa dân gian của mình.

Trước tác đẳng thân

Những vất vả, gian nan, lao tâm khổ tứ, những giọt mồ hôi nhỏ xuống trên khắp mảnh đất xứ Nghệ của thầy Ninh Viết Giao đã kết tinh thành những hạt vàng mười quí giá cho kho tàng nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian xứ Nghệ.

Ngày 20-5-2013, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã trân trọng trao tặng ông chứng nhận kỷ lục “Người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ” với hơn 50 đầu sách nghiên cứu, phê bình, sưu tầm bao quát hầu hết các lĩnh vực văn hóa dân gian xứ Nghệ, từ lịch sử, địa chí, di sản vật thể và phi vật thể.

Không chỉ là một trong những người đặt nền móng, PGS Ninh Viết Giao là người có công lớn nhất trong việc lưu giữ và làm sáng tỏ các phương diện khác nhau của kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ. Những công trình như: Câu đố Việt Nam (1958), Hát phường vải (1961), Hát giặm Nghệ Tĩnh (viết chung với Nguyễn Đổng Chi)-1962), Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ (1993-1995), Thơ văn Xô Viết Nghệ Tĩnh (1971), Kho tàng vè xứ Nghệ (9 tập, 1999-2000)…đã trở thành những tài sản vô giá của văn hóa xứ Nghệ, là tài liệu tham khảo quan trọng không thể thiếu đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dân gian xứ Nghệ.

Có thể nói những người yêu xứ Nghệ phải chịu ơn ông vì những công lao gìn giữ, kiếm tìm và làm sáng lên những giá trị của văn hóa quê hương. Bao thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên đã hấp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa xứ Nghệ từ những trang sách của thầy Giao. Đôi lúc chúng tôi giật mình thảng thốt tự hỏi: “Giá như không có những người như thầy Giao, những công trình của thầy, thì biết bao tài sản vô giá của văn hóa dân gian xứ sở sẽ bị mai một theo thời gian?”.

Đọc sách của thầy Giao, chúng tôi thấy có hai đặc điểm nổi bật: về tư liệu vô cùng phong phú, tỉ mỉ và sâu sắc; còn về văn phong trong các bài nghiên cứu thì trong sáng, đậm chất văn chương, rất hấp dẫn. Thầy Giao có phong cách của một nhà nghiên cứu và một thầy giáo dạy Văn.

Thầy Ninh Viết Giao vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 (2001); 23 giải thưởng khác, trong đó 17 giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam từ Khuyến khích đến giải nhất; nhận 6 giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An, của Hội VNDG Việt Nam. Nhưng có lẽ vinh dự lớn nhất của thầy là tình cảm yêu mến, kính trọng và biết ơn của bao thế hệ những người yêu quê hương và văn hóa Nghệ Tĩnh. Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Tam Tỉnh, Giám đốc Thư viện Nghệ An nhận xét: “Kho tàng công trình nghiên cứu của PGS. Ninh Viết Giao về văn hóa dân gian xứ Nghệ là tài sản vô giá của đất nước và địa phương. Đây là nguồn di sản quý giúp cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, sinh viên khai thác, phát huy cho các công trình của mình mãi mãi, vô tận...”.

Còn mãi một tình yêu

Nhìn lại những việc PSG Ninh Viết Giao đã làm, giới nghiên cứu văn hóa và độc giả không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước sức làm việc, khả năng sáng tạo phi thường của thầy. Hơn 50 năm gắn bó với xứ Nghệ, hơn 50 đầu sách, cuốn nào cũng công phu, dày dặn, ngồn ngộn tư liệu, có chiều sâu trí tuệ, trung bình mỗi năm thầy viết được một cuốn sách. Mức sống, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Bao nhiêu năm làm việc, với những cống hiến lớn lao, nhưng thầy vẫn giữ cho mình một cuộc sống hết sức giản dị, thanh bạch đến nao lòng. Những trang sách được viết lên từ căn nhà tập thể cũ tại khu Quang Trung và hiện nay đang trở thành tài sản đáng giá nhất trong căn phòng mà ông đã sống hơn mấy chục năm qua.

Từ năm 2000, phát hiện bệnh ung thư, thầy vẫn không nản lòng, nhụt chí. Từ đó cho đến khi từ giã cõi đời, ròng rã 15 năm trời, hành trang điền dã của thầy có thêm những viên thuốc chữa bệnh, giúp thầy chống chọi với cơn đau để tiếp tục niềm đam mê của mình. Thầy Giao tâm niệm: “Tôi cố gắng bao nhiêu cũng không đủ vì tình yêu với văn hóa xứ Nghệ. Tôi muốn sống có ích, muốn đóng góp chút công sức cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Nghệ Tĩnh”.

Chính tình yêu đó đã tạo cho thầy niềm đam mê và nghị lực phi thường, vượt qua những gian khó của đời thường, của bệnh tật, sống có ích cho đến hơi thở cuối cùng, trở thành nhà “Nghệ học số một Việt Nam”, được những người yêu xứ Nghệ mãi mãi kính trọng và biết ơn.

QUANG ĐẠI

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/chan-dung/item/22653202-pgs-ninh-viet-giao-sau-nang-tinh-yeu-voi-van-hoa-xu-nghe.html