“Ông mối” bất đắc dĩ dùng đèn pin mổ cho bệnh nhân

“Lương y như từ mẫu”, thực hiện lời dạy đó, những năm qua, đội ngũ y, bác sỹ ở trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) luôn hết lòng cứu chữa cho bà con đất đảo.

Dù điều kiện khám chữa bệnh còn nhiều khó khăn nhưng các "chiến sỹ áo trắng" vẫn ngày đêm bám trụ trên đảo tiền tiêu. Sự hy sinh thầm lặng ấy đã tiếp sức cho bà con cùng ngư dân vươn khơi xa, góp phần giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dùng đèn pin... mổ cho bệnh nhân

Cách đất liền 18 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có ba xã An Hải, An Vĩnh ở đảo Lớn, An Bình ở đảo Bé, với trên 22 nghìn dân. Cùng với đó là lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo và các ngư dân ngày đêm bám trụ trên biển. Mật độ dân cư trên đảo khá đông, nhưng trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn chỉ có 65 cán bộ, với 13 bác sỹ. Xa đất liền, thiếu thốn trang thiết bị y tế, việc điều trị bệnh của các y, bác sỹ nơi đây càng vất vả hơn.

Bác sỹ ở trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Bác sỹ Mai Hữu Hậu – Giám đốc trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn, cho biết: "Chúng tôi có đặc thù là ở đảo nên hàng ngày tiếp cận với tuyến trên rất khó khăn. Mỗi năm có 10-15 bệnh nhân cấp cứu ở Trung tâm cần chuyển tuyến. Thời điểm cấp cứu nếu không trúng vào 2 chuyến tàu chạy lúc 8h và 14h, thì bệnh nhân phải tự thuê tàu vào đất liền, mỗi chuyến như vậy thường tốn trên dưới 10 triệu đồng. Nhưng thực tế, có tới 50% trong số họ không có khả năng chi trả tiền cho những chuyến tàu như thế. Tính mạng người dân đặt cả vào chúng tôi, nên chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình".

Tâm sự về những chuyện vui, buồn trong quá trình công tác tại đảo, bác sỹ Phạm Công Danh, người đã công tác hơn 10 năm ở Trung tâm đã chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện từ 7 năm trước. Đó là ca mổ đẻ cho chị Trần Thị Công (ngụ thôn Đông, xã An Hải). Đêm hôm đó, Trung tâm tiếp nhận một sản phụ cấp cứu trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Cơ thể bệnh nhân tím tái, nguy kịch đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Sản phụ cần được chuyển vào đất liền, nhưng đêm hôm không có chuyến tàu nào chạy vào đất liền, nhà chị Công lại nghèo, không đủ tiền để thuê tàu. Niềm hy vọng của gia đình chị trông chờ vào sự nỗ lực, cứu giúp của y, bác sỹ Trung tâm trên đảo. Và, ngay trong đêm, bác sỹ Danh cùng kíp trực quyết định thực hiện ca mổ, cứu được mẹ con chị Công thoát khỏi tử thần trong gang tấc.

Trường hợp của chị Trần Thị Công là một trong rất nhiều ca bệnh được các y, bác sỹ ở trung tâm kịp thời cứu chữa. Có lẽ, bác sỹ Hậu và đội ngũ y, bác sỹ vẫn không quên ca chuyển dạ cách đây 5 năm vào một đêm bão lớn, biển động. Sản phụ có nguy cơ vỡ tử cung – trường hợp mà bác sỹ tuyến trên có lẽ cũng có phần e ngại, nhưng Trung tâm đã chọn phương án tại chỗ.

Thời điểm đó, Trung tâm chưa có máy gây mê, chỉ có một bộ dao mổ, nên huy động tất cả những y, bác sỹ có tay nghề nhất cho ca mổ. Chưa có máy thở, kíp phẫu thuật cử người đứng bóp bóng duy trì oxy cho sản phụ. Ca cấp cứu thành công trong niềm vui và cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của kíp phẫu thuật. Cháu bé được sinh mẹ tròn con vuông, giờ đã thành một công dân tí hon của đảo. "Lúc trước, khi chưa có điện lưới quốc gia, mỗi khi tiến hành một ca mổ viêm ruột thừa, thai sản... Trung tâm phải vận hành máy phát điện. Trong một ca mổ cách đây hơn 7 năm có trường hợp mổ cấp cứu, máy phát điện hỏng, đơn vị phải tập trung dùng đèn pin soi để tiếp tục mổ cho bệnh nhân. May mắn là mọi chuyện đã thành công. Hiện nay đã có điện lưới quốc gia nên công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn rồi", bác sỹ Hậu tâm sự.

"Ông mối" trên đất đảo

20 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, hiện bác sỹ Hậu là người gắn bó lâu nhất với đất đảo. Người dân trên đảo, ai cũng yêu thương, quý trọng bác sỹ Hậu. Với họ, anh là bác sỹ của lòng dân, đến với dân bằng tấm lòng của người thầy thuốc, tấm lòng của người con trên quê hương đất đảo.

Bác sỹ Hậu trò chuyện cùng PV.

Là người con của quê hương Lý Sơn, bác sỹ Hậu nhiều lần chứng kiến cảnh người dân quằn quại trong cơn đau vì biển khơi cách trở, không thể vào đất liền chữa bệnh. Có người vì thế đã ra đi mãi mãi. Ký ức ấy đã thôi thúc anh phải học thật giỏi để làm bác sỹ chữa bệnh cho người dân quê mình. Sau khi tốt nghiệp, anh tiên phong về quê hương để thực hiện ước mơ thuở nào. "Lúc tốt nghiệp ra trường, tôi định Nam tiến để lập nghiệp, nhưng ngày xách ba lô lên cầu cảng để vào đất liền, bỗng nhiên gặp lại bạn bè cũ. Họ hỏi tôi "cậu định bỏ chúng tôi đi thật à?". Câu hỏi đó khiến tôi ra đi không đành, tôi quay về và quyết định xin ở lại quê hương làm việc", bác sỹ Hậu chia sẻ.

Trong những năm công tác ở đảo, bác sỹ Hậu vẫn không quên những ca phẫu thuật ngoại sản "liều lĩnh" từng khiến anh toát mồ hôi. Cách đây 10 năm, một sản phụ đau đẻ đã hai ngày, nhưng mưa bão nên không tàu nào dám chạy vào đất liền. Nhận định đây là ca đẻ khó, nếu không vững chuyên môn, sản phụ có nguy cơ vỡ tử cung. "Trước tình thế sản phụ không chuyển dạ, không thể chờ chuyển lên tuyến trên được, liều là những gì tôi có thể làm lúc đó, lương tâm không cho phép mình bỏ bệnh nhân. Và, ca phẫu thuật đã thành công. Bế đứa trẻ trên tay mà tôi hạnh phúc vô cùng”, bác sỹ Hậu nhớ lại.

Bác sỹ Hậu được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Trung tâm sau ba năm công tác, rồi giữ vai trò Giám đốc Trung tâm. Là người đứng đầu Trung tâm, điều khiến bác sỹ Hậu trăn trở nhất, là nhiều bác sỹ chính quy về Lý Sơn công tác thời gian ngắn lại ra đi. Từ năm 1980 đến nay, Lý Sơn có 14 con em là bác sỹ, nhưng chỉ có hai người tình nguyện về quê công tác lâu dài. Để giải "bài toán" này, bác sỹ Hậu đã tự mình tìm cách xe duyên cho họ trở thành những nàng dâu, chàng rể Lý Sơn.

Anh lại trở thành "ông mối" bất đắc dĩ. Và nhờ "ông mối" Hậu, đã có năm cặp nên duyên vợ chồng. "Nhiều người nói tôi hãy vào đất liền tìm bệnh viện lớn mà làm, cớ sao bám đảo lâu như vậy? Tôi thường trả lời là tôi sẽ ở đây đến khi nào Đảng, Nhà nước và bà con trên đảo không cần nữa tôi mới đi. Công việc của bác sỹ chúng tôi là cứu người, nơi đâu cần đến mình thì dù có xa, hay khó khăn vất vả cũng phải đến", bác sỹ Hậu tâm sự.

Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nhận xét: “Sinh sống trên đất đảo và đánh bắt xa bờ, bà con nơi đây luôn đối diện với nhiều hiểm nguy về tai nạn trên biển, bệnh tật nặng hơn khi không thể tiếp cận với đất liền lúc nguy cấp. Và, những lúc hiểm nguy ấy, các y, bác sỹ ở trung tâm Y tế quân dân y đã nỗ lực, hết lòng cứu chữa. Những năm qua, các "chiến sỹ áo trắng" vẫn đêm ngày bám trụ trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tiếp sức cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

DƯƠNG KHA

Xem thêm video:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/ong-moi-bat-dac-di-dung-den-pin-mo-cho-benh-nhan-a131710.html