Sẽ kiểm tra việc lắp 'hộp đen'

Báo GĐ&XH đã đăng loạt bài 'Cơ chế 'trói' vận tải', đề cập đến những bất cập trong Thông tư 14 quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô.

> Cơ chế "trói" vận tải: “Rộng cửa” cho... tiêu cực

> Cơ chế "trói" vận tải: Hành dân lúc... dân “hành”

> Cơ chế "trói" vận tải: "Vẽ đường cho hươu chạy!"

Trước những bức xúc của doanh nghiệp vận tải và người dân về các quy định tại Thông tư này, PV Báo GĐ&XH đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) để làm rõ sự việc.

Nhiều doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức thì có bị đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

- Điểm a, khoản 7, điều 11 và điểm g, khoản 1, điều 19 Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định: doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông.

Đây là một trong những điều kiện "phải có" khi doanh nghiệp, HTX làm giấy đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tổng cục ĐBVN đã có văn bản 1602/ĐBVN-VTPC ngày 19/7/2010 chỉ đạo Sở GTVT các địa phương thực hiện rà soát kỹ các điều kiện trước khi triển khai cấp phép. Kiên quyết không cấp phép cho những doanh nghiệp, HTX không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức.

Các doanh nghiệp, HTX vận tải viện lý do không biết thiết bị giám sát hành trình nào là "chuẩn" nên chưa lắp đặt, ý kiến của Tổng cục về vấn đề này như thế nào? Đây có phải chỉ là cái "cớ" doanh nghiệp viện ra nhằm thoái thác hay vì chưa có quy định cụ thể về chất lượng của thiết bị được công nhận?

- Tại Điều 22, Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Chính phủ đã giao Bộ GTVT ban hành quy định về tính năng kỹ thuật và tổ chức thực hiện việc kiểm định thiết bị giám sát hành trình của xe.

Hiện Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thành và chuẩn bị ban hành Thông tư này. Sau khi ban hành, Tổng cục ĐBVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT các địa phương tổ chức tuyên truyền, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của xe tại các đơn vị kinh doanh đảm bảo đúng thời gian quy định.

Hành khách sẽ yên tâm hơn khi có thiết bị giám sát trên xe khách. Ảnh: Chí Cường

Sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, Tổng cục ĐBVN đánh giá như thế nào về việc thực hiện của các doanh nghiệp? Thanh tra giao thông có gặp những khó khăn về việc xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm?

- Thông tư 14/2010/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 8/8/2010. Kể từ đó đến nay, theo khảo sát của Tổng cục ĐBVN, Sở GTVT các địa phương đang gấp rút tiến hành hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy phép kinh doanh. Một số doanh nghiệp, HTX đáp ứng đủ các điều kiện cấp phép theo quy định được cấp phép ngay.

Các đơn vị còn lại đang hoàn thiện, bổ sung đủ các điều kiện để cấp phép. Trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra đường bộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải.

+ Xin cảm ơn ông!

Công Tâm (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100915080311510p0c1002/se-kiem-tra-viec-lap-hop-den.htm