Nứt Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng (Thanh Hóa): Kết luận do… thời tiết!

Công trình Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng đang trong thời gian bảo hành nhưng đã bị nứt nhiều chỗ. Kết luận từ Sở Xây dựng khẳng định là do "lún không đều và do… thời tiết khắc nghiệt". Điều khôi hài nằm ở chỗ kết luận của đoàn kiểm tra chỉ thể hiện dựa trên “đối chiếu bản vẽ thiết kế”!

Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng được đầu tư 108 tỉ đồng, nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt bất thường sau 5 tháng sử dụng.

Ngày 16/1/2015, Pháp Luật Plus đã có bài “ Thanh Hóa: Trung tâm hội nghị Hàm Rồng giá 100 tỷ đồng đã nứt toác? ” phản ánh về tình trạng lún nứt bất thường, xuống cấp mặc dù công trình mới xây xong, đang còn trong thời gian bảo hành.

Trước thông tin trên, ngày 23/1/2016, tại Công văn số 1556/UBND-CN, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn đã chỉ đạo về kiểm tra chất lượng Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch đầu tư, UBND TP Thanh Hóa, Ban quản lý dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa và các đơn vị liên quan, kiểm tra báo cáo chất lượng Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng.

Vừa qua, ngày 26/2, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa Lê Ngọc Thanh đã ký văn bản số 776/SXD-QLCL trả lời thông tin báo chí về “hiện tượng lún nứt và biện pháp khắc phục đảm bảo chất lượng công trình Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, TP Thanh Hóa”.

Công văn số 776/SXD-QLCL thừa nhận nhiều vết nứt xuất hiện tại các cột chịu lực, tường, nhiều vết nứt chân chim dọc cột, nứt tại tầng hầm, nứt vỡ đá ốp tường.

Nội dung công văn số 776/SXD-QLCL nêu, Đoàn kiểm tra Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đã thừa nhận nhiều vết nứt xuất hiện tại các cột chịu lực, tường, nhiều vết nứt chân chim dọc cột, nứt tại tầng hầm, nứt vỡ đá ốp tường tại khu nhà Trung tâm Hội nghị, nhà đón tiếp và nhà nghỉ sinh thái; nứt vỡ đá lát sân…

Tại nhà Trung tâm hội nghị xuất hiện vết nứt chạy dọc cột theo phương đứng tại vị trí khe lún tại trục 8-8’ và 14-14’ ở tầng 1 và tầng hầm. Tầng 1 các vết nứt nhiều và rõ hơn các tầng hầm.

Một số khác ở tường, cột dạng chân chim, vết nứt tại vị trí đi của đường dây điện ngầm trong tường.

Một số cột tròn sơn giả gỗ hành lang tầng 1 có các vết nứt chân chim. Các cột tròn tại vị trí trục 8’ và 14 tầng 1 có vết nứt dọc ở chân cột. Vỡ đá ốp gỡ vườn khô ở một số vị trí trục 8’ và 14 tầng 1.

Đối với nhà đón tiếp và nhà nghỉ sinh thái có nhiều vết nứt mặt tường dạng chân chim, đặc biệt là tường ngoài nhà. Sân khu trung tâm hội nghị có nhiều viên đá lát bị nứt vỡ trong khuôn viên.

Qua kiểm tra thực tế và đối chiếu với hồ sơ thiết kế BVTC, đánh giá: các vết nứt trên trường, cột xuất hiện trên mặt lớp vữa trát không phải nứt trên các cấu kiện bê tông cốt thép chịu lực; như các vết nứt dọc cột tại nhà Trung tâm hội nghị là do sự lún không đều giữ hai đơn nguyên của nhà, dẫn đến vết nứt lớp xây bao 2 cột.

Các vết nứt tường, cột dạng chân chim, nguyên nhân là do thi công trát và bảo dưỡng chưa đồng bộ và do thời tiết khắc nghiệt (nắng gắt). Ngoài ra các vết nứt tại các vị trí dây điện ngầm, khi thi công đục tường sau đó trát lại. Tại sân khu Trung tâm hội nghị đá lát bị nứt vỡ do một số viên chưa no vữa và cộng tần xuất xe lớn đi lại trong sân nên bị bong, vỡ cục bộ.

Sau khi tiến hành công tác thanh kiểm tra, Sở Xây dựng Thanh Hóa giao cho Ban QLDA CSEDP (chủ đầu tư) chỉ đạo Nhà thầu thi công (Tổng công ty cổ phần Miền Trung), đơn vị tư vấn giám sát: chủ động lập phương án sử chữa, trình chủ đầu tư phê duyệt, xử lý triệt để toàn bộ các tồn tại về chất lượng nêu trên, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, những vết nứt xuất hiện trên các cây cột trong khu Trung tâm hội nghị Hàm Rồng đã được cơ quan chức năng sơn trát lại. Tuy nhiên một số điểm vẫn đang còn tình trạng bong tróc, nứt tại các chân cột.

Theo văn bản trả lời của Sở Xây dựng Thanh Hóa về việc hàng loạt các hạng mục của công trình bị nứt vỡ, đặc biệt là các cây cột chống đỡ, và nguyên nhân được xác định là do sự lún của hai đơn nguyên (cột bê tông cốt thép) khiến lớp vữa trát bên ngoài bị nứt.

Những vết nứt bất thường xuất hiện dọc tường, cổ trần và các cột chịu lực. (Ảnh: Quỳnh Châu)

Tuy nhiên, phương pháp nào để Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng đưa ra khẳng định trên? Liệu đoàn kiểm tra có đục tường, bóc lớp vữa nứt để kiểm tra hàng loạt vết nứt có ảnh hưởng nứt cấu kiện bê tông hay không thì không thấy được nhắc đến trong văn bản.

Nếu Sở Xây dựng chỉ căn cứ vào “bản vẽ thiết kế kiến trúc” như đã nếu trong văn bản trên, thì những kết luận “nứt vữa, nứt lớp gạch ốp; nứt do lún không đều; nứt do thời tiết khắc nghiệt” liệu có đủ sức thuyết phục?

Một công trình lớn được xây dựng với kinh phí hơn trăm tỉ, nhưng chỉ sau 5 tháng đã nứt ở hầu khắp các vị trí quan trong, thì liệu có được xem là bình thường?

Điều đáng nói là các công trình lớn nhỏ khác tại TP Thanh Hóa dù phải chịu điều kiện thời tiết “khắc nghiệt” như nhau, thì lại không xảy ra hiện tượng nứt tràn lan như Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng(?!).

Vết nứt trên cột tại tầng hầm đã được nhà thầu thi công trát lại một cách cẩu thả, tuy nhiên không khó nhận ra những vết nứt chéo, ngang dọc theo mọi hướng. (Ảnh: Nguyệt Sinh)

Được biết, chỉ sau khi Pháp Luật Plus phản ánh ít ngày, nhà thầu thi công đã cho công nhân sơn bả ma-tít lấp các vết nứt một cách vội vàng.

Nguồn tin riêng của Pháp Luật Plus cho biết, ngày Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng tiến hành là 27/1/2016, tức 18 tháng Chạp âm lịch. Thời điểm đó giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, nên không có động thái nào như đục các lớp vữa bong tróc tại các vết nứt để kiểm tra cấu kiện bê tông có bị ảnh hưởng!

Dự luận đang đặt ra câu hỏi, công tác xử lý trên của Sở Xây dựng Thanh Hóa và các ban ngành chức năng liệu có triệt để và đảm bảo chất lượng công trình? Hay chỉ là những động tác đối phó, chiếu lệ để trấn an dư luận?

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyệt Sinh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nut-trung-tam-hoi-nghi-ham-rong-thanh-hoa-ket-luan-do-thoi-tiet-d7657.html