Nông thôn mới hướng về nông dân

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng chủ trương đúng, cán bộ và nhân dân cùng thống nhất hành động là nét nổi bật tạo nên giá trị của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa

Làm nông thôn mới ở Đan Phượng

Anh Nguyễn Văn Xuân, nông dân trồng hoa ly ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội) bận bịu hơn trong những ngày cuối năm Ất Mùi.

Trước ngày rằm tháng Chạp, anh Xuân cũng như hàng trăm nông dân trồng hoa khác của vùng “đứng ngồi không yên” vì vụ hoa phục vụ Tết Bính Thân nở sớm, giá rớt mạnh, nhiều nông dân phải thuê xe chuyển hoa ly lên Sapa để tránh nóng, chờ Tết.

“Thời tiết dịp cuối năm bất thường đã ảnh hưởng tới vụ hoa và thu nhập của những người trồng hoa, nhưng kinh nghiệm của mấy năm cũng giúp cho tôi “vớt vát” lại vốn liếng và công sức”, anh Xuân nói với chúng tôi trên ruộng hoa của mình.

Câu chuyện của anh Xuân và bà con nông dân vùng Đan Phượng bắt đầu từ cách đây gần 10 năm khi họ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa hoặc cây màu cho giá trị cao hơn. Có vụ hoa ly người nông dân thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha. Nông dân làm quen với cách làm ăn lớn, những cánh đồng trồng hoa tập trung dần xuất hiện. Cách mà họ chuyển hoa lên Sapa để giữ vụ đã cho thấy sự nhanh nhạy, quyết đoán của người nông dân trong hoàn cảnh mới.

Không chỉ tham gia trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,... người nông dân cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, dần đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân.

Những người như anh Xuân đã trở thành động lực quan trọng để nông thôn đổi mới một cách bền vững, giúp Đan Phượng trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.

Sự vào cuộc của chính quyền...

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất đã góp phần giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

“Nhưng để sản xuất phát triển thì hạ tầng phải đi trước”, ông Lộc nói và cho biết trong những năm đầu thực hiện Chương trình, Nhà nước đã tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi văn hóa, thương mại để tạo tiền đề phát triển khu vực nông thôn, tạo ra diện mạo khang trang của nhiều vùng nông thôn trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, không giống như trước đây, Nhà nước đã rút ra những bài học quan trọng để xây dựng nông thôn mới thực chất và hiệu quả. Đó là chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, phần còn lại là nhân dân phải đóng góp bằng tiền, công sức hay bằng hình thức hiến đất và đặt ra quy chế để người dân tự làm, tự giám sát nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong sử dụng vốn.

“Đầu tư cho hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng phục vụ cho sản xuất là việc cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới”, ông Lộc nói.

Theo một lãnh đạo Ban chỉ đạo Chương trình, trong thời gian đầu thực hiện, nhiều địa phương dự toán kinh phí đầu tư hạ tầng ở cấp xã lên tới hàng trăm tỷ đồng, “đó là con số quá lớn, không thể bố trí nổi”, vị này nói và cho rằng chỉ có thể là Nhà nước và nhân dân cùng làm nông thôn mới thì mới có thể thành công.

Vẫn theo ông Tăng Minh Lộc, thành công của Chương trình nông thôn mới còn đến từ sự chủ động vào cuộc của các ngành, các hội, đoàn thể: “Trước đây, nói phát triển nông nghiệp, nông thôn người ta cứ nghĩ đó là việc của riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng khi thực hiện Chương trình này, các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể xã hội đều thấy rõ vị trí và vai trò của mình trong đó. Chủ trương đúng, cán bộ và nhân dân cùng thống nhất hành động là nét nổi bật tạo nên giá trị của Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Về phía chính quyền cơ sở, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch và phát huy dân chủ cho cán bộ cấp xã. Ông Tăng Minh Lộc cho biết: “Để xây dựng một công trình trên địa bàn xã, chính quyền phải biết lập dự án, dự toán và công khai lấy ý kiến nhân dân để huy động sự đóng góp của người dân. Việc này đã trở thành nếp và cán bộ cấp xã bây giờ thực hành thuần thục kỹ năng này”.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nơi để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, nhưng theo ông Lộc, "đó chỉ là những trường hợp rất ít, rất cá biệt trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình khi có nơi, phong trào xây dựng các công trình của người dân lên cao quá, cán bộ cũng bị “cuốn theo” nên dẫn đến việc thực hiện mà không bố trí được nguồn.

Đáng lẽ những lúc như vậy, người cán bộ cơ sở phải định hướng lại cho dân hiểu. Trong xây dựng cơ bản, bao giờ cũng phải có nợ đọng, trong quá trình đi thị sát, kiểm tra ở các địa phương, Bộ NN&PTNT rất quan tâm tới nội dung này. Chúng tôi cứ xác định xã nào có nợ đọng xây dựng cơ bản dưới 3 tỷ đồng là đều có thể chấp nhận được”.

Những khó khăn lớn

Kết thúc giai đoạn đầu tiên thực hiện (2011-2015) với khoảng 1.600 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 17% tổng số xã trên cả nước), nhiều chuyên gia cho rằng trở ngại sẽ dồn vào 5 năm tiếp theo khi những xã còn lại phần nhiều là những xã còn rất khó khăn, ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa khi mà việc đầu tư, xây dựng hạ tầng “như muối bỏ bể” trong khi nguồn lực ngân sách có hạn.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đang là nỗi lo lắng trong mục tiêu phát triển bền vững ở nông thôn. Tiêu chí môi trường là nguyên nhân phổ biến khiến rất nhiều xã không đạt được danh hiệu nông thôn mới vừa qua. Nhiều nơi vẫn phải chôn lấp rác thải, hoặc có lò đốt rác thải nhưng công nghệ kém, không đủ nhiệt độ để xử lý nên vẫn còn gây ô nhiễm không khí.

Còn theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nếp văn hóa đặc trưng của các vùng nông thôn sẽ bị phai nhạt đi, thay vào đó là sự giống nhau ở khắp mọi miền nông thôn với những căn nhà ống, lối sinh hoạt thị thành xâm lấn, những giá trị tốt đẹp của “tình làng, tình người” đang không có phương thức bảo lưu hữu hiệu.

Bên cạnh đó, an ninh, trật tự vùng nông thôn đang nổi lên là một vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. “Nếu nông thôn mới mà trù phú nhưng trật tự, an ninh xã hội không được bảo đảm thì cuộc sống người dân làm sao yên ổn được”, ông Lộc nói.

Xây dựng phương thức sản xuất mới ở nông thôn hay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dù khó khăn như thế nào thì cũng có thể làm được. Nhưng vấn đề môi trường, văn hóa, an toàn xã hội thì lại cần sự đầu tư thường xuyên, bền bỉ của cả Nhà nước và người dân để tạo ra được tính bền vững của nông thôn Việt Nam.

Thành Chung

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/nong-thon-moi-huong-ve-nong-dan/247738.vgp