Nỗi lo của đào tạo liên thông

QĐND Online - Lâu nay, với không ít học viên, đóng tiền học liên thông giúp cho họ thực hiện được ước mơ có cơ hội cầm tấm bằng đại học chính quy sau 5 năm, nhất là khi bị rơi vào cảnh “học tài thi phận”. Thế nhưng, từ ngày 7-3 tới, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học sẽ có hiệu lực với việc học viên vẫn phải tham gia thi tuyển sinh đầu vào như lệ thường. Điều này đã khiến nhiều học viên đang học hệ liên thông khá hoang mang, đặc biệt là những người đã học đến năm thứ 3. Trong khi đó, nhiều trường tổ chức tuyển sinh hệ này cũng tỏ ra lo ngại…

QĐND Online - Lâu nay, với không ít học viên, đóng tiền học liên thông giúp cho họ thực hiện được ước mơ có cơ hội cầm tấm bằng đại học chính quy sau 5 năm, nhất là khi bị rơi vào cảnh “học tài thi phận”. Thế nhưng, từ ngày 7-3 tới, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học sẽ có hiệu lực với việc học viên vẫn phải tham gia thi tuyển sinh đầu vào như lệ thường. Điều này đã khiến nhiều học viên đang học hệ liên thông khá hoang mang, đặc biệt là những người đã học đến năm thứ 3. Trong khi đó, nhiều trường tổ chức tuyển sinh hệ này cũng tỏ ra lo ngại…

Nỗi lo quá nửa đường vẫn đứt gánh

Theo quy định mới, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng đủ 36 tháng khi thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học hệ chính quy phải dự thi 3 môn, gồm: Một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Những người chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hằng năm. Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành.

Như vậy, con đường học liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng để có được bằng đại học của hàng vạn học viên sẽ dang dở. Ở vị trí “người trong cuộc”, Vũ Doanh - sinh viên năm thứ 3 hệ cao đẳng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Em thấy quy định mới này không hợp lý. Bởi sau khi tốt nghiệp cao đẳng (với tấm bằng khá giỏi) vẫn phải thi cùng với học sinh phổ thông lấy đầu vào các trường đại học. Vậy thì mọi công sức của chúng em và tiền của gia đình nuôi ăn học suốt 3 năm qua phút chốc đổ xuống sông, xuống biển. Trường hợp, nếu thi để học tiếp thì thời gian học của sinh viên bị nâng lên thành 7 đến 8 năm. Điều này đi ngược lại với mục đích đào tạo tín chỉ mà giáo dục thế giới đang áp dụng là nhanh cho sinh viên đi làm, tự chủ cuộc sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình".

Ảnh minh họa/internet.

Thậm chí, ngay sau khi quy định vừa công bố, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện “Hội những người bức xúc với quy định mới về đào tạo liên thông” với gần 3.000 lượt thành viên “like”. Một số bạn trẻ tìm cách phản hồi thông tin tới các cơ quan chức năng. Như trường hợp nữ sinh Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận để xin “gia ân”.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt kể rằng mình từng thi đỗ đại học nhưng không có điều kiện lên thành phố theo học được vì hoàn cảnh gia đình éo le nên chọn cách học cao đẳng tại quê nhà để vừa học vừa làm giúp đỡ gia đình. Nguyệt có ý kiến: “Cháu đồng ý với bác là giờ có nhiều người đang lợi dụng phương pháp liên thông đại học để có được bằng giỏi, bằng đẹp, nhưng bên cạnh đó vẫn có những người muốn vươn lên để thoát nghèo như cháu và những người bạn cùng quê… Thưa bác, thời gian từ lúc ra thông tư đến lúc áp dụng quá ngắn, chúng cháu giờ lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, tiến không được, lùi cũng không xong, vì chúng cháu đã là sinh viên năm cuối, không kịp chuẩn bị được gì, trong khi kỳ thi đại học 2013 lại sắp đến gần. Nay cháu viết thư này kính mong bác gia ân cho chúng cháu bằng cách dời thời điểm áp dụng thông tư đến cuối năm sau, để tạo điều kiện cho chúng cháu - những sinh viên lứa cuối - có thể ra trường được suôn sẻ và được thực hiện ước mơ của bản thân”.

Băn khoăn của cơ sở đào tạo

Bà Trần Kim Phượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng ASEAN nhận xét, cốt lõi chính trong quy định mới về việc học liên thông nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, quy định yêu cầu sinh viên muốn học liên thông phải thi 1 năm có một lần, lại thi cùng với học sinh phổ thông là không thực tế. Vì “những sinh viên trượt đại học thì mới vào trung cấp chuyên nghiêp, cao đẳng. Học mấy năm rơi hết kiến thức rồi mà lại bắt đi thi cùng đợt với học sinh mới tốt nghiệp phổ thông là bất hợp lý” - bà Phượng nhấn mạnh.

Chia sẻ ý kiến về quy định mới này, PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Mỏ - Địa chất cho rằng: Nếu thực hiện quy định mới này thì gần như khép lại hình thức đào tạo liên thông. Đặc biệt, nếu tổ chức thi theo kỳ thi đại học - cao đẳng như học sinh phổ thông thì với những ngành kinh tế còn có thể đông thí sinh dự thi, chứ với ngành kỹ thuật sẽ rất ít thí sinh. Quy định người học phải có 3 năm kinh nghiệm mới được dự thi, tôi cho rằng cũng không ổn, quá nặng về hình thức. Bộ nên có chế tài giám sát việc tổ chức tuyển sinh, đánh giá đào tạo liên thông chứ không nên chặn cửa vào của các em như vậy.

Thực tế, vài năm nay, khi gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, để cứu vãn tình hình, không ít trường đại học đã phải đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cho chuyển chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy sang hệ liên thông hoặc vừa làm vừa học, sao cho tổng chỉ tiêu điều chỉnh không thay đổi so với chỉ tiêu đã xác định.

Nhưng với quy định mới “chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy”, lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập chua chát nhận định, “đường sống” của các trường ngoài công lập coi như bị chặn cũng như “đẩy” không ít các trường trung cấp, cao đẳng... “chết” theo.

Năm 2008, Bộ Giáo duc - Đào tạo khi ban hành Quy chế đào tạo liên thông đã giao tự chủ cho hiệu trưởng của các trường. Nhưng sau một thời gian, hệ đào tạo liên thông đã biến tướng và trở thành “nồi cơm” của một số trường với việc tuyển ồ ạt hàng nghìn sinh viên, tạo ra môi trường đào tạo bát nháo, kém chất lượng khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp từ chối tuyển dụng đối tượng này.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhiều lần chấn chỉnh hình thức đào tạo liên thông của nhiều trường nhưng không triệt để. Có ý kiến cho rằng, phải chăng không thể “quản” nổi thì phải tính sang “chặt” bằng quy định mới nên “dậy sóng” dư luận?

Cả ý kiến người được đào tạo và người làm công tác đào tạo đều cho thấy sự chưa thông hiểu và còn nhiều băn khoăn lo ngại. Khi chất lượng đào tạo vẫn là mục tiêu, nội dung quan trọng thì sự vướng mắc, tồn tại trong đào tạo đại học liên thông thời gian qua càng cần được giải quyết sớm trong sự bao quát toàn diện.

Việc quản lý, nâng cao chất lượng hệ đào tạo liên thông đang được nhiều người quan tâm nhưng có không ít biểu hiện đáng báo động, rất cần được thực thi cụ thể, minh bạch, và hợp lý.

HỮU THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/20/20/230037/Default.aspx