Nới hết room cho nhà đầu tư ngoại ở Vinamilk: Chính phủ nói gì?

Vinamilk kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc cho phép nâng room của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (thay vì 49% hiện nay) do ngành sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Trước đó, Vinamilk có công văn số 4890/CV-CTS.TGĐ/2015 ngày 21/10/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị phương thức bán vốn nhà nước tại Vinamilk.

Tại công văn, đại gia ngành sữa đã đưa ra 4 đề xuất về quá trình thoái vốn nhà nước khỏi DNNN, trong đó có kiến nghị nâng giới hạn sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% tại Vinamilk. Đề xuất này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường.

Sau khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn tại Vinamilk, doanh nghiệp này đã kiến nghị một loạt vấn đề như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, được cho họ lựa chọn đối tác.

Các đề xuất được Vinamilk đưa ra là Nhà nước nên sớm công bố lộ trình rõ ràng để nhà đầu tư có sự chuẩn bị, cũng như thể hiện rõ quyết tâm tái cơ cấu (TCC) DNNN. Lãnh đạo công ty nhận định đây là thời điểm thuận lợi để thoái vốn Nhà nước khỏi Vinamilk, do các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt, TTCK đang được nhà đầu tư chú ý sau khi hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đáng chú ý, Vinamilk kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc cho phép nâng room của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (thay vì 49% hiện nay), do ngành sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Mặt khác, mở cửa là xu hướng chung của thế giới và khu vực. Việc các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đa số tại Vinamilk không đồng nghĩa với việc xóa sổ thương hiệu Việt, mà ngược lại sẽ góp phần hỗ trợ “con bò sữa” Vinamilk trong quá trình vươn ra thị trường quốc tế.

Về phương thức thoái vốn, đại gia ngành sữa cho rằng nên tiến hành đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch và không gây biến động lớn trên thị trường (SCIC hiện nắm 60.000 tỷ đồng vốn tại Vinamilk trong khi giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu này trên sàn TP HCM chỉ là 42 tỷ đồng mỗi ngày).

Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, Vinamilk cho rằng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu TCC DNNN là nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư cần phù hợp với triết lý kinh doanh DN đang theo đuổi, cùng hướng đến gia tăng lợi ích cho cổ đông, người lao động. Do vậy, Vinamilk cho rằng đơn vị tư vấn đấu giá cần có sự trao đổi với DN về tiêu chí nhà đầu tư tham gia.

Trả lời quan điểm về các đề xuất này, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 27/11, người phát ngôn Chính phủ - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đề xuất này đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nghiên cứu, trả lời theo thẩm quyền và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1787/TTg-ĐMDN ngày 08/10/2015.

Theo đó, giao SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp , nhằm đạt lợi ích cao nhất cho nhà nước. Được biết, hiện nay Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 45,1% cổ phần tại Vinamilk, trị giá trên 55.000 tỷ đồng, tính theo giá đóng cửa ngày 4/11/2015.

VĂN HUY

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/noi-het-room-cho-nha-dau-tu-ngoai-o-vinamilk-chinh-phu-noi-gi-d59144.html